“Tôi cho rằng Việt Nam đang bước vào một giai đoạn phát triển đặc biệt. Các khu công nghiệp ngày càng bứt phá mạnh mẽ, đưa đất nước dần trở thành một trong những trung tâm sản xuất mới của châu Á”, ông Đồng Mai Lâm, Tổng Giám đốc Schneider Electric Việt Nam và Campuchia, chia sẻ trong khuôn khổ sự kiện Innovation Day 2025 diễn ra tại Hải Phòng.

Đây là lần đầu tiên Schneider Electric lựa chọn Hải Phòng làm nơi tổ chức Innovation Day - một diễn đàn trao đổi về các xu hướng chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), chiến lược phát triển nhà máy thông minh trong kỷ nguyên công nghiệp mới. Năm 2024, Hải Phòng thu hút tới 4,35 tỷ USD vốn FDI và đang hướng đến năm thứ 11 liên tiếp đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế hai con số, củng cố vị thế trung tâm công nghiệp – logistics hàng đầu miền Bắc.

Cuộc trao đổi riêng giữa chúng tôi và ông Đồng Mai Lâm đi sâu vào vai trò của AI trong hệ thống sản xuất công nghiệp, cũng những giải pháp thiết thực giúp biến AI thành “trợ thủ” đắc lực trong các nhà máy, hướng đến tối ưu hóa vận hành và phát triển bền vững.

Ông Đồng Mai Lâm nhấn mạnh Schneider Electric không chỉ cung cấp các giải pháp công nghệ, mà còn đầu tư dài hạn để xây dựng hệ sinh thái bền vững tại Việt Nam. Mục tiêu này nhất quán với khát vọng của Schneider Electric ngay từ khi gia nhập thị trường hơn 30 năm trước: Góp phần cùng hơn 100 triệu người dân xây dựng đất nước ngày một giàu mạnh, phát triển bền vững hơn.

web_04.png

PV: Được biết đây là lần đầu tiên Innovation Day được tổ chức tại Hải Phòng. Đâu là thông điệp trọng tâm mà Schneider Electric muốn truyền tải qua sự kiện, thưa ông?

Ông Đồng Mai Lâm: Tại sự kiện Innovation Day lần này, chúng tôi nhấn mạnh thông điệp: "Phát triển bền vững là hành trình không thể đi một mình". Chúng ta phải cùng nhau hợp tác và hành động – từ chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức công nghệ đến người dân, thay vì nỗ lực riêng lẻ.

Hải Phòng - nơi chúng tôi chọn làm địa điểm tổ chức sự kiện - là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp năng động nhất. Do đó, đây còn là cơ hội để chúng tôi lan tỏa những giải pháp cụ thể về chuyển đổi số - đặc biệt là AI, cũng như tự động hóa nhằm phục vụ hành trình chuyển đổi xanh trong hệ thống sản xuất.

web_06.png

PV: Liên quan tới việc ứng dụng AI trong hệ thống sản xuất, ông đánh giá mức độ sẵn sàng của các khu công nghiệp tại Việt Nam hiện nay đối với xu hướng này ra sao?

Ông Đồng Mai Lâm: Tôi cho rằng Việt Nam đang bước vào một giai đoạn phát triển đặc biệt. Các khu công nghiệp ngày càng bứt phá mạnh mẽ, đưa đất nước dần trở thành một trong những trung tâm sản xuất mới của châu Á.

Trong bối cảnh đó, các khu công nghiệp phải đáp ứng những yêu cầu mới như sử dụng năng lượng tái tạo, có hệ thống quản lý năng lượng hiệu quả, giảm phát thải carbon. Thực tế, khoảng 80% lượng phát thải carbon tại các khu công nghiệp đến từ việc sử dụng năng lượng. Do đó, chỉ khi tối ưu hiệu quả sử dụng năng lượng chúng ta mới có thể thực sự giảm lượng khí thải.

Để đạt được điều đó, công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) là yếu tố then chốt. Thông qua các giải pháp AI và phần mềm số hóa, doanh nghiệp có thể giám sát và điều chỉnh mức tiêu thụ điện năng theo thời gian thực, tối ưu hoạt động của từng thiết bị hoặc toàn bộ quy trình sản xuất. Nhờ đó, doanh nghiệp không chỉ tiết kiệm được chi phí vận hành mà còn góp phần giảm phát thải carbon một cách bền vững, hướng tới mô hình khu công nghiệp xanh, thông minh và thân thiện với môi trường.

Theo quan sát của tôi, ngành sản xuất tại Việt Nam đang ở giai đoạn khởi đầu của quá trình đưa AI vào hệ thống, nhưng phát triển rất nhanh. Các chủ đầu tư khu công nghiệp bắt đầu dành ngân sách đáng kể cho chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Chính những yêu cầu ngày càng cao từ các nhà đầu tư nước ngoài càng thúc đẩy xu hướng này mạnh mẽ hơn.

Tại Hải Phòng, chúng tôi thấy rất rõ mối quan tâm từ các lãnh đạo địa phương và khu công nghiệp đối với việc xây dựng những mô hình khu công nghiệp thông minh, bền vững. Tôi cho rằng đây là thời điểm thích hợp để chúng ta đẩy mạnh hơn nữa quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, nhằm bảo đảm một tương lai phát triển công nghiệp bền vững hơn.

PV: Xin ông chia sẻ cụ thể hơn về cách AI tác động đến hệ thống sản xuất công nghiệp hiện nay.

Ông Đồng Mai Lâm: Tại Schneider Electric, chúng tôi tin rằng AI có tiềm năng biến đổi toàn bộ các ngành công nghiệp, bao gồm cả lĩnh vực công nghiệp và sản xuất. Vì vậy, Schneider Electric đang đẩy mạnh rất nhiều giải pháp AI liên quan đến điện hóa, điều khiển công nghiệp và giảm thải carbon. Chúng tôi sử dụng công nghệ AI để làm sao tối ưu hóa từ khâu vận hành đến việc bảo trì, bảo hành, đào tạo lực lượng lao động…

Chúng tôi nhận thấy rõ nhu cầu của các doanh nghiệp trong việc áp dụng AI để giải quyết những vấn đề cụ thể, ví dụ như tối ưu hóa quy trình sản xuất, dự báo sự cố, hay tiết kiệm năng lượng. Với tốc độ phát triển hiện nay, tôi tin rằng chỉ trong vài năm tới, AI sẽ trở thành phần tất yếu, một vấn đề mang tính sống còn trong hệ sinh thái sản xuất công nghiệp tại Việt Nam.

web_08.png

PV: Về phía Schneider Electric, công ty đang triển khai những giải pháp AI tiêu biểu nào để tối ưu hóa hệ thống sản xuất trong các nhà máy, thưa ông?

Ông Đồng Mai Lâm: Giá trị độc đáo của Schneider Electric đối với AI nằm ở sự kết hợp kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực của mình cùng với chuyên môn AI và dữ liệu ngành. Ứng dụng AI thành công không chỉ đòi hỏi khoa học dữ liệu mà phải hướng đến mục tiêu kinh doanh, xem AI là một trong những mắt xích quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số nhằm nâng cao năng suất, tối ưu hiệu quả vận hành và giảm thiểu lãng phí tài nguyên.

Một trong những giải pháp tiêu biểu là hệ thống EcoStruxure Resource Advisor. Đây là nền tảng giúp doanh nghiệp quản lý tập trung các nguồn tài nguyên – từ năng lượng, nước, khí thải cho đến tài sản vận hành như hệ thống HVAC hay trạm sạc xe điện.

Với giải pháp này, dữ liệu có thể được theo dõi và phân tích theo thời gian thực, giúp tối ưu hiệu suất sử dụng. Chẳng hạn với các tòa nhà, hệ thống có thể tự động điều chỉnh dàn lạnh theo điều kiện môi trường và mức độ sử dụng thực tế, nhờ đó tiết kiệm điện năng và nâng cao trải nghiệm người dùng. Với trạm sạc xe điện, nền tảng giúp cân bằng tải, điều phối thời gian sạc để giảm áp lực lên lưới điện và chi phí vận hành.

Trong các dây chuyền tự động, chúng tôi ứng dụng AI vào công tác bảo trì dự đoán – giúp giám sát liên tục tình trạng thiết bị, kể cả những vị trí thường bị che khuất như từng mắt xích trong băng chuyền. Nhờ đó, hệ thống có thể phân tích và dự báo thời điểm thiết bị có nguy cơ hỏng hóc, cho phép bảo trì kịp thời trước khi sự cố xảy ra. Điều này giúp tránh được thời gian dừng máy (downtime), đồng thời tối ưu hiệu suất và tuổi thọ của thiết bị.

Chúng tôi cũng áp dụng AI để quản lý chất lượng sản phẩm, thông qua giám sát quy trình sản xuất từng khâu và đánh giá mức độ đạt chuẩn. Ngoài ra, AI còn hỗ trợ phân tích dữ liệu để đưa ra khuyến nghị, giúp ban lãnh đạo nhà máy ra quyết định chính xác và nhanh chóng hơn.

Schneider Electric không giống các công ty công nghệ đám mây và AI thuần túy. Chúng tôi mang đến kiến thức chuyên môn và dữ liệu của chính chúng tôi, thêm vào kinh nghiệm từ những bài học từ chính mình và các khách hàng lâu năm để có những cơ sở dữ liệu thực tiễn cho AI, từ đó mang lại kết quả hữu hình.

web_10.png

PV: Khoảng 90% doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa (SME). Liệu các SME có thể áp dụng những giải pháp kể trên hay không, thưa ông?

Ông Đồng Mai Lâm: Theo tôi, chuyển đổi số không phân biệt quy mô doanh nghiệp. Quan trọng là bắt đầu từ những hạng mục nhỏ, dễ triển khai nhưng mang lại hiệu quả rõ rệt, ví dụ như cách sử dụng năng lượng hiệu quả.

Các giải pháp hiện nay rất linh hoạt, dễ tiếp cận và có khả năng mở rộng. Tại Schneider Electric, chúng tôi tiếp cận hành trình sử dụng năng lượng hiệu quả qua ba bước: Strategize (Chiến lược hoá) – Digitize (Số hoá) – Electrify (Điện hoá). Bước đầu tiên là lên chiến lược dựa trên đo lường chính xác mức phát thải hiện tại, từ đó xác định điểm cần cải thiện. Tiếp đó là số hóa, bao gồm việc ứng dụng AI để tối ưu vận hành, sử dụng năng lượng hiệu quả hơn. Cuối cùng là điện hóa - thay thế năng lượng hóa thạch bằng điện, một nguồn năng lượng sạch hơn và dễ kiểm soát hơn, dần tiến đến sử dụng năng lượng tái tạo.

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp có thể ứng dụng những giải pháp AI tương tự các nước trên thế giới. AI có thể học và tùy biến theo từng hiện trạng, từng quy trình, giúp doanh nghiệp tối ưu theo cách riêng của mình.

Về phía Schneider Electric, chúng tôi cũng liên tục phát triển danh mục sản phẩm dựa trên nền tảng kiến trúc IoT là EcoStruxure, từ các sản phẩm kết nối đến phần mềm thông qua kiểm soát biên. Nỗ lực của chúng tôi nhằm đồng hành với khách hàng và đối tác trong quá trình chuyển đổi số, theo đuổi các mục tiêu bền vững của họ bằng các ứng dụng công nghệ mới nhất, công cụ hỗ trợ và nền tảng dữ liệu. Cung cấp cho khách hàng và đối tác khả năng AI đầy đủ ở quy mô lớn là bước tiếp theo trong hành trình này, và là cột mốc tiếp theo của chúng tôi trong quá trình chuyển đổi số mang tính quy mô.

PV: Để hiểu rõ hơn về một nhà máy thông minh, xin ông chia sẻ những công nghệ AI đang được áp dụng ngay tại nhà máy của Schneider Electric tại TP.HCM. Đâu là ứng dụng mà ông cho là ấn tượng nhất?

Ông Đồng Mai Lâm: Chúng tôi đã bắt đầu tận dụng AI trong các nhà máy thông minh của Schneider Electric để nâng cao cả chất lượng quy trình và sản phẩm, cũng như dự đoán và ngăn ngừa các vấn đề bảo trì tiềm ẩn cho các tài sản quan trọng.

web_12.png

Bên cạnh đó, một nhà máy thông minh không chỉ dừng ở khả năng vận hành tối ưu, mà còn phải đảm bảo yếu tố bền vững. Tại Schneider Electric, chúng tôi triển khai các giải pháp năng lượng xanh, trong đó nổi bật là Microgrid Advisor – nền tảng giúp tối ưu hóa sử dụng năng lượng, nâng cao độ tin cậy vận hành và giảm chi phí điện năng. Đây chính là bước tiến quan trọng để các nhà máy trở nên thông minh và bền vững hơn trong dài hạn.

Chúng tôi ứng dụng AI vào nhiều cấp độ khác nhau trong quy trình sản xuất tại nhà máy. Tuy nhiên, nếu phải chọn ra một khía cạnh mà AI tạo ra sự thay đổi rõ rệt nhất, thì đó là quản lý chất lượng sản phẩm.

Nhà máy ở Khu công nghệ cao TP.HCM chủ yếu sản xuất các thiết bị đầu cuối như ổ cắm, công tắc – vốn yêu cầu rất nhiều công đoạn thủ công, đòi hỏi độ chính xác cao. Nhờ ứng dụng AI, chúng tôi có thể tránh được phần lớn sai sót liên quan đến con người. Dù đã đào tạo công nhân rất kỹ lưỡng, yếu tố con người vẫn luôn tiềm ẩn rủi ro sai sót.

Khi ứng dụng AI vào giám sát chất lượng, hệ thống có thể theo dõi từng khâu trong quy trình lắp ráp. Hơn nữa, AI có khả năng học hỏi và đánh giá liệu công đoạn đó đã đạt yêu cầu hay chưa, thao tác thực hiện đúng hay không. Kết quả là chúng tôi gần như loại bỏ được sai sót do con người gây ra, tỷ lệ sản phẩm lỗi và hư hỏng giảm rõ rệt, chất lượng sản phẩm ổn định hơn, và toàn bộ quy trình sản xuất trở nên tin cậy và hiệu quả hơn rất nhiều.

PV: Schneider Electric đang hướng tới những chuẩn mực nào trong vận hành và ứng dụng AI tại nhà máy của mình? Liệu mô hình này có thể nhân rộng ra cho các nhà máy khác hay không, thưa ông?

Ông Đồng Mai Lâm: Chúng tôi thực hiện đúng triết lý "uống rượu champagne của chính mình" – tức là mọi giải pháp Schneider Electric cung cấp cho thị trường đều được áp dụng trước tại chính các nhà máy của chúng tôi. Đây là cách trực quan và thực tế nhất để chứng minh hiệu quả của công nghệ trước khi lan tỏa ra thị trường.

web_14.png

Với nhà máy hiện tại, các giải pháp AI đã được tích hợp vào nhiều khâu như điện hóa, tự động hóa và giảm phát thải carbon. Mỗi ứng dụng đều được triển khai trong môi trường thực tế để tối ưu vận hành, tăng cường an toàn và nâng cao năng lực vận hành của đội ngũ.

Chính mô hình triển khai nội bộ này đóng vai trò như một bản mẫu, giúp minh họa rõ ràng cách mà AI có thể mang lại giá trị thiết thực trong sản xuất. Qua đó, các nhà máy khác tại Việt Nam có thể tham khảo và hình dung cụ thể hơn về con đường chuyển đổi số của mình.

web_16.png

PV: Theo ông, AI sẽ thay đổi tư duy quản trị nhà máy tại Việt Nam như thế nào?

Ông Đồng Mai Lâm: Tôi cho rằng AI mang lại giá trị toàn diện cho doanh nghiệp, đặc biệt trong việc hỗ trợ ra quyết định. Bản thân Schneider Electric đang giúp khách hàng thu thập dữ liệu từ toàn bộ chuỗi giá trị, hướng tới việc biến dữ liệu có cấu trúc và không có cấu trúc thành những thông tin thực sự quý giá, giúp khách hàng đưa ra các quyết định và hành động trong kinh doanh và các vấn đề về môi trường.

Vì vậy, với sức mạnh của AI, các nhà quản trị có thể đưa ra quyết định nhanh hơn và chính xác hơn – từ tối ưu quy trình sản xuất, lên kế hoạch bảo trì thiết bị, tiết kiệm điện năng, đến việc ra đề xuất và phê duyệt các hợp đồng một cách hiệu quả. AI không chỉ giúp doanh nghiệp nhìn thấy vấn đề mà còn gợi ý giải pháp, tổng hòa lợi ích về chi phí, hiệu suất và phát triển bền vững.

PV: Với tầm nhìn dài hạn, Schneider Electric đang làm những gì để đồng hành cùng Việt Nam chuyển đổi số và đạt mục tiêu Net Zero?

Ông Đồng Mai Lâm: Khát vọng của Schneider Electric ngay từ ngày đầu gia nhập thị trường Việt Nam là góp sức cùng hơn 100 triệu người dân xây dựng đất nước ngày một giàu mạnh, phát triển bền vững hơn. Chuyển đổi số và giảm phát thải carbon là một phần trong hành trình đó.

web_18.png

Schneider Electric không chỉ cung cấp các giải pháp công nghệ, mà còn đầu tư dài hạn để xây dựng hệ sinh thái bền vững. Chúng tôi đã và đang hỗ trợ các ngành công nghiệp, trung tâm dữ liệu, hạ tầng đô thị và doanh nghiệp tư nhân trong việc tối ưu năng lượng, tư vấn mua bán điện trực tiếp, sử dụng điện xanh. Song song đó, chúng tôi cũng đầu tư vào các startup như Selex Motor để phát triển trạm sạc xe điện, góp phần thúc đẩy giao thông bền vững.

Một trụ cột quan trọng khác là giáo dục và đào tạo. Chúng tôi đang đồng hành cùng các trường kỹ thuật, cơ sở đào tạo nghề tại TP.HCM và nhiều địa phương trên cả nước để trang bị kỹ năng số hóa và điện hóa cho thế hệ trẻ – lực lượng sẽ đóng vai trò nòng cốt trong chuyển đổi công nghiệp tại Việt Nam.

Với nền tảng công nghệ sẵn có, chính sách hỗ trợ từ Chính phủ và sự chung tay của các bên, tôi tin rằng mục tiêu Net Zero 2050 là hoàn toàn khả thi. Chúng ta cần hành động nhanh hơn và mạnh mẽ hơn để biến mục tiêu đó thành hiện thực.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO