Toàn cảnh hồ nước được đào trên vùng núi có chiều dài lên đến 30 km, dung tích nước lớn gấp 25 hồ Tây

Bài và ảnh: Ngọc Đẹp | 07:47 24/10/2024

Hồ Cấm Sơn là nguồn cung cấp nước tưới chính cho sản xuất nông nghiệp của huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) và huyện Hữu Lũng (tỉnh Lạng Sơn). Trên hồ có rất nhiều đảo và được nhiều ngọn núi bao bọc.

Toàn cảnh hồ nước được đào trên vùng núi có chiều dài lên đến 30 km, dung tích nước lớn gấp 25 hồ Tây

Hồ Cấm Sơn nằm ở vùng núi của huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) và một phần nhỏ thuộc địa phận huyện Hữu Lũng và Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn). Hồ được khởi công xây dựng từ tháng 2/1966 đến cuối tháng 7/1969 thì bắt đầu tích nước. Năm 1974 thì chính thức bàn giao, đưa vào khai thác công trình đầu mối hồ Cấm Sơn và các hạng mục công trình nâng cấp mở rộng Hệ thống thủy lợi Cầu Sơn.

Với diện tích bề mặt hơn 26 km2, hồ thủy lợi Cấm Sơn có dung tích gần 250 triệu m3, đây là nguồn cung cấp nước tưới chính cho sản xuất nông nghiệp của huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) và huyện Hữu Lũng (tỉnh Lạng Sơn). Dung tích 250 triệu m3 của hồ Cấm Sơn lớn gấp khoảng 8 lần hồ Đại Lải (Vĩnh Phúc) và gấp khoảng 25 lần hồ Tây (Hà Nội).

Dù hồ có diện tích mặt nước hơn 26 km2 nhưng thực tế đến mùa mưa, lũ nhiều, nước dâng cao, mặt hồ lúc này có thể rộng đến 30 km2. Chiều dài của hồ gần 30 km, bề ngang nơi rộng nhất 7 km, chỗ hẹp nhất 200 m. Lòng hồ nơi sâu nhất đến khoảng 47 m. Hồ có rất nhiều đảo. Điều đặc biệt bờ của hồ chính là những ngọn núi điệp trùng, bao bọc.

Cư dân sống gần hồ là những bản làng người dân tộc Nùng, Tày và Kinh. Người dân ở đây đi lại chủ yếu bằng thuyền, và giữ được nhiều nét văn hóa độc đáo tạo nên những cảnh sơn thủy hữu tình.

Hiện nay, hồ Cấm Sơn là nơi thu hút được nhiều khách du lịch đến đi thuyền ngắm cảnh. Ngoài ra, du khách sẽ được nghe người dân sống quanh hồ Cấm Sơn kể những câu chuyện huyền thoại, ly kỳ về sự tích núi Ba Hòn, suối Cấm, suối Mọc, suối Vảy Rồng, núi Kỉn, làng Mấn, đảo Lăn Lóc...

Những câu chuyện kể mang màu sắc huyền thoại đã thổi hồn vào cảnh vật làm cho từng dãy núi, khu rừng bao bọc xung quanh mặt nước trở nên hữu tình ít nơi có được.

Ngoài tiềm năng phát triển du lịch, hồ Cấm Sơn bao la còn cho nhiều cá tôm. Vào những đêm trở trời, những chiếc vó của đồng bào dân tộc nơi đây có thể bắt được vài chục đến hàng trăm kg.

Tuy nhiên, khu vực lòng hồ Cấm Sơn vẫn còn không ít hộ gặp khó khăn. 4 xã vùng lòng hồ là những địa phương khó khăn nhất của huyện, tỷ lệ hộ nghèo cao hơn mức bình quân chung. Nguyên nhân tỷ lệ hộ nghèo các xã vùng lòng hồ còn cao là do điều kiện tự nhiên nơi đây khắc nghiệt. Hầu hết diện tích là đồi núi, độ dốc cao, suất đầu tư/một km đường giao thông cao gấp rưỡi so với các xã vùng xuôi nên khó xây dựng.

Không những thế, diện tích đất canh tác nông, lâm nghiệp bình quân/người dân thấp, thủy lợi chậm phát triển, chưa chủ động được nguồn nước. Trường học, trạm y tế, điện sinh hoạt đã được đầu tư song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Nhằm đánh thức tiềm năng, giúp người dân vùng lòng hồ vươn lên làm giàu, đề án hỗ trợ người dân đã được ban hành. Cùng với đó là hạ tầng khu vực hồ Cấm Sơn cũng được quan các cấp quan tâm đầu tư ngày càng đồng bộ.

Đặc biệt, theo quyết định phê duyệt Quy hoạch xây dựng Vùng huyện Lục Ngạn đến năm 2040, không gian huyện Lục Ngạn được xác định phát triển thành 4 vùng, trong đó khu vực hồ Cấm Sơn thuộc phân vùng 2. Đây sẽ là phân vùng trung tâm sinh thái, cộng đồng được định hướng phát triển đô thị, có các chức năng dịch vụ sinh thái gắn với cảnh quan hồ Cấm Sơn. Ngoài ra sẽ phát triển cả về du lịch, dịch vụ cộng đồng, sản xuất nông - lâm sản…

Với định hướng phát triển trên, hồ Cấm Sơn tương lai dự kiến sẽ được quan tâm, đầu tư nhiều hơn. Từ đó phát huy các tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân khu vực hồ.

Những định hướng phát triển mới đã được áp dụng thành công trên nhiều hồ khác tại nước ta. Điển hình như hồ Đại Lải thuộc xã Ngọc Thanh (thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc). Ban đầu công trình này được xây dựng để lấy nước tưới tiêu phục vụ nông nghiệp, khôi phục kinh tế sau chiến tranh. Đến nay, ven hồ Đại Lải là hàng loạt các nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi… biến nơi đây trở thành thiên đường nghỉ dưỡng cuối tuần phổ biến của người Hà Nội và các tỉnh lân cận. Trong ảnh là hồ Đại Lải.

Vị trí hồ Cấm Sơn.


(0) Bình luận
Toàn cảnh hồ nước được đào trên vùng núi có chiều dài lên đến 30 km, dung tích nước lớn gấp 25 hồ Tây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO