Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2025 của 13 tỉnh thành.
Tại tỉnh Quảng Ninh, TP Đông Triều được thành lập nguyên trạng trên cơ sở thị xã Đông Triều với diện tích 395,950 km2, dân số 249.000. Thường vụ Quốc hội thống nhất thành lập 4 phường Bình Dương, Thủy An, Bình Khê, Yên Đức thuộc TP Đông Triều.
Việc thành lập TP Đông Triều phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Quảng Ninh định hướng đến năm 2030. Giai đoạn 2021-2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của Đông Triều đạt 14%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt hơn 163 triệu đồng, gấp 1,6 lần trung bình cả nước.
Sáu tháng đầu năm 2024, kinh tế thị xã Đông Triều duy trì tăng trưởng ổn định, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Tổng giá trị sản xuất 6 tháng đầu năm trên địa bàn thị xã Đông Triều đạt 18.211,4 tỷ đồng (tăng 4,1% so với kịch bản).
Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 14%. Bên cạnh đó, cơ cấu các ngành kinh tế tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực: Công nghiệp - xây dựng tiếp tục phát huy tối đa vai trò trụ cột trong tăng trưởng kinh tế với 64,5%; Dịch vụ - thương mại tiếp tục phát triển mạnh với 31,6%; Nông - lâm - ngư nghiệp duy trì ổn định với 3,9%.
Thị xã đang phấn đấu đến hết năm 2024, tổng giá trị sản xuất ước đạt trên 37.022,6 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt trên 14,2%; thu ngân sách nhà nước cả năm đạt trên 2.524,576 tỷ đồng và phấn đấu đến 31/12/2024 giải ngân 100% kế hoạch vốn, trong đó đến hết 30/9/2024 giải ngân đạt tối thiểu 80% kế hoạch vốn.
Sau khi thị xã Đông Triều lên thành phố, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục là địa phương có nhiều thành phố nhất cả nước, gồm Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả, Móng Cái và Đông Triều. Ngoài ra, Quảng Ninh cũng đang triển khai thủ tục, xây dựng hồ sơ để đề nghị thành lập TP Quảng Yên vào năm 2025.
Quảng Ninh lên TP thuộc trung ương theo mô hình riêng
Theo nội dung Chương trình phát triển đô thị tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030 đề ra, Quảng Ninh sẽ phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo mô hình riêng, trong đó, sẽ không hình thành các quận mà sẽ hình thành vùng nội thị bao gồm các thành phố trong thành phố, được liên kết với nhau bằng hệ thống hạ tầng kỹ thuật tiên tiến như hệ thống giao thông công cộng đô thị, hạ tầng kỹ thuật thông tin truyền thông...
Theo đó, các thành phố trong vùng nội thị này bao gồm: Hạ Long, Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều, Cẩm Phả, Vân Đồn, Móng Cái (huyện Hải Hà hợp nhất với TP Móng Cái) được đầu tư xây dựng, hoàn thiện các tiêu chuẩn về chất lượng hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo tiêu chí đô thị loại 1 đến năm 2030; với 152 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 77 phường (chiếm 51% số phường). Các đô thị khác thuộc các huyện: Tiên Yên, Đầm Hà, Bình Liêu, Ba Chẽ và Cô Tô tiếp tục đầu tư hoàn thiện theo Quyết định 241/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo kế hoạch, đến năm 2025, tỉnh Quảng Ninh có 13 đơn vị hành chính với 13 đô thị. Đến năm 2030, tỉnh Quảng Ninh có 12 đơn vị hành chính, dân số toàn tỉnh khoảng 2,64 triệu người (dân số thường trú khoảng 1,63 triệu người), tỷ lệ đô thị hóa trên 75%;
Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở hình thành khu vực nội thành bao gồm 7 thành phố (Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái - Hải Hà, Đông Triều, Quảng Yên, Vân Đồn) và tái lập thị xã Tiên Yên.
Đồng thời, hình thành 3 vùng liên huyện, bao gồm: Vùng liên huyện Vân Đồn, gồm: Huyện Vân Đồn, huyện Cô Tô, huyện Tiên Yên, huyện Ba Chẽ.
Quảng Ninh là một trọng điểm kinh tế, một đầu tàu của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Quảng Ninh có nhiều khu kinh tế, Trung tâm thương mại Móng Cái là đầu mối giao thương giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc và các nước trong khu vực.
Quảng Ninh hội tụ những điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội quan trọng trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.