"Tìm lãnh đạo" cho doanh nghiệp Nhà nước

Linh Khang | 14:07 04/12/2021

“Phải cụ thể hóa cơ chế kiểm soát quyền lực, hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan trong phòng, chống tha hóa quyền lực, nhằm góp phần ngăn chặn hiện tượng tha hóa trong một bộ phận cán bộ, đảng viên được giao quyền quản lý, điều hành doanh nghiệp,” ông Hoàng Đăng Quang, Phó Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh

"Tìm lãnh đạo" cho doanh nghiệp Nhà nước
Công tác đánh giá cán bộ còn là khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất cũng như gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể.

Ngày 4/12, Ban Kinh tế Trung ương và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đồng chủ trì tổ chức Hội thảo “Xây dựng đội ngũ lãnh đạo chủ chốt tại các doanh nghiệp Nhà nước ngang tầm nhiệm vụ: thực trạng và giải pháp”.

Mở đầu hội thảo, ông Nguyễn Thành Phong - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, Hội thảo nằm trong chương trình xây dựng Đề án “ Xây dựng quy định về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước phù hợp với thể chế chính trị, cơ chế thị trường và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế” đã được Bộ Chính trị giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng.

Đề án nhằm thực hiện mục tiêu: “Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế. Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội và bảo toàn, phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp”.

Cũng theo ông Nguyễn Thành Phong, thời gian qua, công tác cán bộ tại doanh nghiệp Nhà nước bộc lộ nhiều vấn đề vướng mắc. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh và sự phát triển của doanh nghiệp.

Nguyên nhân là do việc tuyển chọn nhân lực của cấp quản lý, quản trị doanh nghiệp chưa đủ độ mở để tuyển chọn được người tài giỏi đáp ứng được yêu cầu cạnh tranh quốc tế hiện nay.

“Một số chủ trương đổi mới về vấn đề cán bộ của Đảng chưa được thể chế hóa để đưa vào cuộc sống, như thực hiện việc tách người quản lý doanh nghiệp nhà nước khỏi chế độ viên chức, công chức. Hay, việc triển khai rộng rãi cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm qua thi tuyển cạnh tranh, công khai, minh bạch đối với tất cả các chức danh quản lý, điều hành và các vị trí công việc khác trong doanh nghiệp; việc thu hút và trọng dụng nhân tài theo hướng không phân biệt đảng viên hay người ngoài Đảng, người Việt Nam ở trong nước hay ở nước ngoài…”, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Theo Cục Bảo vệ chính trị nội bộ, tổng kết hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa X chỉ ra trong toàn Ðảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương có tới 30 tổ chức đảng bị thi hành kỷ luật, đồng thời thi hành kỷ luật 1.872 đảng viên, trong đó có 440 cấp ủy viên, 216 trường hợp bị khai trừ và nhiều người bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, các cơ chế, chính sách của Nhà nước hiện nay chưa thực sự đầy đủ, cụ thể và bao quát hết các trường hợp cần quy định liên quan tới công tác cán bộ lãnh đạo, quản lý tại các doanh nghiệp Nhà nước.

Chưa có quy định về tuyển dụng theo hình thức thi tuyển hay thuê nhân sự chủ chốt, mặc định các vị trí chủ chốt phải là Đảng viên, từ đó hạn chế nguồn cán bộ, thiếu linh hoạt.

Ngoài ra, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ còn một số tồn tại, chưa quan tâm để chuẩn hóa tài liệu và khung chương trình. Cộng thêm, công tác đánh giá cán bộ còn là khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất cũng như gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể.

TS. Hoàng Anh Duy, Đại học Ngoại thương góp ý, yêu cầu các nhà quản lý doanh nghiệp Nhà nước phải tiếp xúc, hợp tác với các đối tác đến từ nhiều quốc gia và thể chế chính trị, nền văn hóa khác nhau. Do đó, người lãnh đạo phải giữ được tư tưởng, lập trường và bản lĩnh chính trị rõ ràng và vững vàng cũng như phải có hiểu biết sâu, rộng về môi trường kinh doanh, luật pháp và thông lệ quốc tế.

Ngoài ra, một yêu cầu không thể thiếu được đối với cán bộ quản lý trong môi trường hội nhập quốc tế là trình độ ngoại ngữ với kỹ năng giao tiếp tốt trong đàm phán, thương lượng… điều này giúp doanh nghiệp đạt được các mục tiêu về lợi ích đề ra đồng thời thể hiện được năng lực, bản lĩnh của lãnh đạo trước đối tác.

Ông Hoàng Đăng Quang, Phó Ban Tổ chức Trung ương cho biết, chúng ta hướng tới mục tiêu từ 70%-80% số cán bộ có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Do đó công tác đào tạo, xây dựng được đội ngũ cán bộ, quản lý đủ phẩm chất, năng lực, uy tín trong điều hành sản xuất, kinh doanh hiệu quả là điều cần chú trọng.

Trước tiên cần đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng, như xây dựng và thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn của nhà nước phải đi đôi với công tác chính trị, tư tưởng, công tác cán bộ.

Ông Hoàng Đăng Quang nhấn mạnh thêm; “Vấn đề đặt ra là phải cụ thể hóa cơ chế kiểm soát quyền lực, hoàn thiện các quy định về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan trong phòng, chống tha hóa quyền lực, nhằm góp phần ngăn chặn hiện tượng tha hóa trong một bộ phận cán bộ, đảng viên được giao quyền quản lý, điều hành doanh nghiệp”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
"Tìm lãnh đạo" cho doanh nghiệp Nhà nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO