Thu hồi tài sản – thách thức trong công tác phòng chống tham nhũng

Hải Sơn | 13:18 19/10/2022

Thời gian gần đây công tác thu hồi tài sản tham nhũng cũng có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên 10 năm (2012-2022) mới chỉ thu hồi 61.000 tỷ đồng, đạt 34,7%. Đây cũng là một trong những thách thức, rào cản mà Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt.

Thu hồi tài sản – thách thức trong công tác phòng chống tham nhũng
Thu hồi tài sản tham nhũng chưa đạt được như kỳ vọng là một trọng những rào cản giải quyết vấn nạn tham nhũng. (Ảnh: Int)

Thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế là một yêu cầu hàng đầu trong phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng, đồng thời cũng là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.

Nhiều cơ sở pháp lý thu hồi

Thiệt hại do tham nhũng gây ra đối với tài sản Nhà nước là rất lớn, nghiêm trọng nhưng giá trị tài sản tham nhũng thu hồi lại rất thấp, điều này khiến dư luận thời gian qua không khỏi bức xúc. Đây cũng là một trong những thách thức, rào cản mà Việt Nam đang phải đối mặt khi giải quyết vấn nạn tham nhũng.

Mấy năm gần đây, công tác phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước được triển khai quyết liệt, nói như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thì “không có vùng cấm”. Từ Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các tỉnh thành phố và Tập đoàn lớn… đều phải chịu hình thức kỷ luật, thậm chí truy tố.

Đó là vụ án Phan Văn Anh Vũ (Đà Nẵng), vụ án bán đảo Thủ Thiêm (TP. Hồ Chí Minh), khởi tố ông Vũ Huy Hoàng, khởi tố ông Nguyễn Đức Chung, vụ án Việt Á… làm thất thoát tài sản nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng, gây bức xúc trong dư luận.

Ông Nguyễn Mai Bộ, Nguyên Ủy viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng, tham nhũng tiêu diệt ngân sách nhà nước, làm mất mát một lượng rất lớn không chỉ tài sản của Nhà nước còn của nhân dân. Trong thực tiễn, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng chưa được như kỳ vọng.

Để thu hồi được tài sản tham nhũng, thời gian qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, hệ thống pháp luật về phòng, chống tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng đã không ngừng được hoàn thiện... Nhiều đạo luật quan trọng đã được sửa đổi, bổ sung, ban hành mới như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Phòng, chống tham nhũng..., tạo cơ sở pháp lý cho việc điều tra, truy tố, xét xử, xử lý thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng.

Nói về việc thu hồi tài sản tham nhũng, bà Bùi Thị An, Nguyên ĐBQH TP Hà Nội Khóa XIII đã phải thốt lên rằng, tôi thấy có những vụ tham nhũng có những người làm thất thoát hàng nghìn nghìn tỷ đồng, nhiều nghìn tỷ đồng mà thu bây giờ chỉ được rất ít. Thế thì vấn đề đặt ra là tại sao như vậy.

Vẫn còn rào cản

Ngày 02/6/2021, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Trong xử lý tham nhũng phải xác minh rõ, chính xác tài sản của người có hành vi tham nhũng; áp dụng kịp thời các biện pháp thu hồi tối đa tài sản do tham nhũng mà có trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Xử lý nghiêm minh những cán bộ không tích cực thu hồi hoặc cản trở hoạt động thu hồi tài sản tham nhũng”.

Cũng bình luận về biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng, ông Nguyễn Mai Bộ cho rằng, biện pháp kê nhân tài sản thì được quy định tại Điều 128 Bộ luật tố tụng hình sự. Biện pháp phong tỏa tài khoản thì được quy định tại Điều 129 Bộ luật tố tụng hình sự. Như vậy có thể thấy các Bộ Luật đã quy định rõ về các quy định trong Luật thu hồi tài sản tham nhũng.

Nếu trước năm 2013, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trung bình chỉ đạt khoảng 10% trên tổng số phải thu hồi, thì đến giai đoạn 2013-2020 kết quả bình quân đã đạt hơn 26%.

Đặc biệt năm 2020 đã thu hồi tài sản bằng 61% tổng số đã thu hồi được trước đây. Tính cả giai đoạn 10 năm (2012-2022) đã thu hồi 61.000 tỷ đồng, đạt 34,7%, trong đó riêng trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi có gần 50.000 tỷ đồng được thu hồi, cũng chỉ đạt 41,3%.

Chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lại được thực hiện một cách mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, bài bản và hiệu quả như thời gian gần đây. Trong đó, công tác thu hồi tài sản tham nhũng cũng có nhiều chuyển biến tích cực; việc kê biên, thu giữ tài sản trong nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng đạt khá cao; tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế tăng lên rõ rệt.

Mới đây nhất, liên quan đến Vụ Việt Á, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã kịp thời phong tỏa, ngăn chặn, kê biên nhiều tài khoản, sổ tiết kiệm của Phan Quốc Việt và các đối tượng thuộc Công ty Việt Á trị giá hơn 320 tỷ đồng, 100.000 USD, 20 bất động sản trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội và các địa phương khác; 8 bất động sản của Phạm Duy Tuyến...

Nhìn lại con số cả giai đoạn 10 năm (2012-2022) mới chỉ thu hồi 61.000 tỷ đồng, đạt 34,7%, như vậy còn khoảng hơn 120.000 tỷ đồng chưa được thu hồi; trong đó riêng trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi còn gần 70.000 tỷ đồng cần được thu hồi. Đây cũng là một trong những thách thức, rào cản mà Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt khi giải quyết vấn nạn tham nhũng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Thu hồi tài sản – thách thức trong công tác phòng chống tham nhũng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO