Ngày 8/8, Apple Pay đã chính thức ra mắt tại thị trường Việt Nam. Công nghệ thanh toán này tạo ra phiên bản số của thẻ vật lý ngay trên ứng dụng. Người dùng có thể thêm nhiều loại thẻ ngân hàng vào Ví Apple trên iPhone hoặc Apple Watch, để làm công cụ thanh toán tại các điểm bán hàng có công nghệ thanh toán không tiếp xúc hoặc thanh toán online.
Trong giai đoạn đầu, Apple Pay liên kết với một số ngân hàng như Vietcombank, Techcombank, MB, ACB, VPBank, Sacombank. Người dùng cũng có thể sử dụng Apple Pay tại nhiều cửa hàng, siêu thị lớn như Điện Máy Xanh, Nhà thuốc Long Châu, Lotte Mart, Cellphones…, hoặc trên các ứng dụng phổ biến như Shopee, Baemin, Be, mytour.vn…
Bảo mật và riêng tư là ưu tiên hàng đầu của Apple Pay. Khi dùng thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ trên Apple Pay, số thẻ thực tế không được lưu trữ trên thiết bị cũng như trên máy chủ của Apple.
Thay vào đó, một Số Tài Khoản Thiết Bị (Device Account Number) duy nhất sẽ được gán, mã hóa và lưu trữ an toàn trong Secure Element - một con chip tiêu chuẩn được thiết kế để lưu trữ thông tin thanh toán an toàn trên các thiết bị điện tử của Apple.
Sự ra mắt của Apple Pay được cho là đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc thúc đẩy thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam.
“Với sự phổ biến của hình thức thanh toán không tiếp xúc trên di động tại Việt Nam, chúng tôi nghĩ rằng người tiêu dùng sẽ ngay lập tức đón nhận sự tiện lợi và an toàn mà phương thức thanh toán này mang lại” bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào, bình luận về việc Apple Pay vào Việt Nam.
"Thiên thời, địa lợi, nhân hòa"
Covid-19 đã làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng trên toàn thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Theo Nghiên cứu Thái độ thanh toán của người tiêu dùng Việt Nam năm 2022 do Visa thực hiện, 90% số người được khảo sát đã thực hiện thanh toán không tiền mặt trong năm 2022, tăng đáng kể so với mức 77% năm 2021. Ngoài ra, 77% đáp viên tin rằng họ có thể không dùng tiền mặt trong 3 ngày.
Những con số ấn tượng khác có thể kể đến trong nghiên cứu bao gồm: 89% người tiêu dùng sử dụng ví điện tử, 85% ưa chuộng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ. Đáng chú ý, 2/3 số người được khảo sát kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành một xã hội không dùng tiền mặt vào năm 2030.
Visa nhận định trong năm 2022, người tiêu dùng Việt đã mang theo ít tiền mặt hơn, cũng ít dùng tiền mặt để thanh toán. Hai lý do phổ biến nhất là nguy cơ bị mất hoặc bị đánh cắp. Cũng ngày càng nhiều doanh nghiệp áp dụng các phương thức thanh toán không tiền mặt.
“Với sự gia tăng đáng kể số lượng thiết bị và điểm chấp nhận thanh toán qua thẻ, thanh toán không tiếp xúc hoặc mã QR, tổng giá trị giao dịch thanh toán thẻ của toàn thị trường Việt Nam năm 2022 đã tăng hơn 50% so với năm trước đó”, ông Kelvin Utomo - Trưởng bộ phận Phát triển sản phẩm và giải pháp Visa Việt Nam và Lào từng chia sẻ.
Tình hình thực tế như các số liệu trên thể hiện dường như là điều kiện vô cùng thuận lợi để Apple Pay tiến vào thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, còn phải kể đến sự ưa chuộng của người tiêu dùng Việt với thương hiệu iPhone.
Theo Counterpoint Research, doanh số iPhone tại thị trường Đông Nam Á đã tăng 18% trong quý 1/2023 so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt là ở Indonesia và Việt Nam, nhu cầu iPhone rất cao, ngay cả khi smartphone đã đạt đến điểm bão hòa ở những nơi khác trên khắp Đông Nam Á.
Trước đó khoảng 1 năm, vào quý 2/2022, Việt Nam cũng được ghi nhận là một trong những thị trường có kết quả kinh doanh tốt nhất của Apple trên toàn cầu. Do đó, không khó hiểu khi họ ngày càng quan tâm hơn đến thị trường 100 triệu dân. Từ ngày 18/5, Apple Store trực tuyến cũng đã bắt đầu hoạt động tại thị trường Việt.