Dầu tăng ngày thứ hai
Giá dầu tăng hơn 2% và tiếp tục phục hồi từ mức thấp nhất 15 tháng đã chạm tới trong phiên trước, do việc giải cứu Credit Suise làm dịu đi những lo ngại về cuộc khủng hoảng ngân hàng sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu nhiên liệu.
Các biện pháp để ổn định lĩnh vực ngân hàng gồm việc UBS mua lại Credit Suisse và cam kết từ các ngân hàng trung ương lớn tăng cường thanh khoản đã làm dịu những lo ngại về hệ thống tài chính đã làm chao đảo thị trường trong tuần trước.
Chốt phiên 21/3, dầu thô Brent tăng 1,53 USD hay 2,1% lên 75,19 USD/thùng, trong khi dầu WTI tăng 1,69 USD hay 2,5% lên 69,33 USD/thùng.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ bắt đầu cuộc họp chính sách tiền tệ trong ngày 21/3. Thị trường dự kiến lãi suất tăng 25 điểm cơ bản. Một số nhà quan sát hàng đầu của ngân hàng trung ương cho biết Fed có thể tạm dừng tăng lãi suất hay trì hoãn công bố các dự thảo kinh tế mới.
USD yếu khiến dầu rẻ hơn cho người mua bằng các đồng tiền khác điều đó kích thích nhu cầu.
Nhà quản lý quỹ phòng hộ Pierre Andurand đã đồng ý đợt giảm giá mới nhất này là đầu cơ và không dựa trên cung cầu. Ông dự đoán giá dầu sẽ đạt 140 USD/thùng vào cuối năm nay.
Giám đốc điều hành của công ty năng lượng Gunvor, Torbjorn Tornqvist dự kiến giá dầu sẽ tăng cao vào cuối năm do nhu cầu gia tăng của Trung Quốc.
Vàng giảm
Giá vàng giảm khoảng 2% do lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng và lo lắng về khủng hoảng ngân hàng giảm đi thúc đẩy một số nhà đầu tư quay lại các tài sản rủi ro một cách thận trọng, trong khi các thị trường đợi quyết định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.
Vàng giao ngay giảm 2,1% xuống 1.938,19 USD/ounce. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 4 đóng cửa cũng giảm 2,1% xuống 1.941,1 USD/ounce. Kim loại này đã đạt 2.009,59 USD/ounce trong phiên liền trước, cao nhất kể từ tháng 3/2022, nhưng đã thoái lui kể từ đó.
Các nhà đầu tư theo dõi chặt chẽ quyết định chính sách của Fed trong ngày 22/3, với một số người dự đoán họ có thể dừng tăng lãi suất.
Thị trường đang định giá 13,6% cơ hội Fed sẽ giữ nguyên lãi suất và 86,4% có khả năng tăng 25 điểm cơ bản. Lãi suất tăng làm giảm sức hấp dẫn của vàng.
Đồng tăng do nhu cầu phục hồi
Giá đồng tăng do dấu hiệu nhu cầu mạnh lên, bớt lo lắng về lĩnh vực ngân hàng toàn cầu và hy vọng rằng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ giảm quy mô tăng lãi suất.
Đồng giao sau ba tháng trên sàn giao dịch kim loại London tăng 1% lên 8.786,5 USD/tấn.
Tâm lý đang phục hồi do cổ phiếu toàn cầu tăng sau khi giải cứu ngân hàng Credit Suisse đã ngăn chặn đà giảm của cổ phiếu ngân hàng.
Nhu cầu tại Trung Quốc cũng có những dấu hiệu phục hồi từ một khởi đầu chậm chạp và triển vọng dài hạn vẫn mạnh mẽ.
Chỉ số USD giảm, các nhà đầu tư dự kiến khủng hoảng lĩnh vực ngân hàng ngăn Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nâng lãi suất tiếp. USD yếu hơn khiến các hàng hóa định giá bằng đồng tiền này rẻ hơn cho người mua bằng ngoại tệ khác.
Hợp đồng đồng giao ngay trên LME giao dịch cao hơn 13 USD/tấn so với hợp đồng giao sau ba tháng, cho thấy nguồn cung khan hiếm trong ngắn hạn.
Quặng sắt Đại Liên giảm do lo ngại sự can thiệp của Trung Quốc
Giá quặng sắt Đại Liên tiếp tục giảm do nhà đầu tư lo lắng sự can thiệp hơn nữa của chính phủ sau khi Trung Quốc cảnh báo mới nhất về hoạt động đầu cơ và việc hạn chế sản xuất tiếp tục tại một số thành phố sản xuất thép chính.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 5 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa giảm 2,22% xuống 879 CNY (127,8 USD)/tấn, sau khi giảm 2,48% trong phiên liền trước.
Yếu tố chính gây sức ép lên giá quặng sắt là việc hạn chế sản xuất để bảo vệ môi trường tại các nhà máy thép ở miền bắc Trung Quốc và chính sách kiểm soát để đối phó với giá cao.
Các thành phố Hàm Đan và Đường Sơn, hai trung tâm sản xuất thép lớn, đã thực hiện ứng phó với khẩn cấp mức độ 2 lần lượt vào ngày 17/3 và 20/3 sau khi dự báo ô nhiễm không khí nặng trong những ngày tới.
Tại Singapore, quặng sắt giao tháng 4 giảm 0,6% xuống 124,75 USD/tấn, thấp nhất kể từ 6/3.
Giá thép tiếp tục xu hướng giảm trong bối cảnh giá nguyên liệu thô yếu. Thép cây tại Thượng Hải giảm 1,82% xuống 4.156 CNY/tấn, thép cuộn cán nóng giảm 1,63%, thép không gỉ không đổi.
Đậu tương, lúa mì và ngô giảm
Đậu tương Chicago đảo chiều đóng cửa giảm, bởi ước tính sản lượng của Brazil tăng, trong khi ngô và lúa mì giảm do thị trường thận trọng với dự kiến Fed tăng lãi suất.
Đà giảm của lúa mì và ngô bị hạn chế bởi việc gia hạn hành lang xuất khẩu Biển Đen từ Ukraine, trong khi tình trạng lúa mì được cải thiện tại một số bang của Mỹ và mưa dự kiến tại Brazil.
Đậu tương bị giảm sau khi công ty tư vấn kinh doanh nông nghiệp Agroconsult của Brazil nâng ước tính sản lượng đậu tương của nước này lên kỷ lục 155 triệu tấn từ 153 triệu tấn trước đó.
Giá đậu tương CBOT đóng cửa giảm 19 US cent xuống 14,67 USD/bushel, thoái lui sau khi tăng lên 14,97 USD trong phiên này.
Lúa mì CBOT giảm 17-1/2 US cent xuống 6,83-1/4 USD/bushel, trong khi ngô giảm 3 US cent xuống 6,3 USD/bushel.
Cà phê, đường tăng
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 5 đóng cửa tăng 43 USD hay 2,1% lên 2.130 USD/tấn sau khi xuống mức thấp nhất 5 tuần tại 2.023 USD trong phiên liền trước.
Dự kiến thiếu hụt trong niên vụ này đã hỗ trợ giá robusta, mặc dù các đại lý cho biết có một số áp lực ngắn hạn do dự trữ cà phê trên sàn ICE tăng.
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 5 tăng 1% lên 1,8030 USD/lb, giá đã giảm xuống mức thấp nhất 6 tuần tại 1,7105 USD trong tuần trước.
Đường thô kỳ hạn tháng 5 tăng 0,32 US cent hay 1,6% lên 20,8 US cent/lb.
Các đại lý cho biết đường được hỗ trợ bởi nguồn cung khan hiếm trong ngắn hạn.
Đường trắng kỳ hạn tháng 5 tăng 9,2 USD hay 1,6% lên 589,80 USD/tấn.