Nội dung chính:
- Tòa nhà trụ sở của Công ty Tổ chức Nhà Quốc gia (National Housing Organization - N.H.O) là một dự án mới đạt chứng nhận công trình xanh.
- Tiêu chuẩn công trình xanh không chỉ giúp các doanh nghiệp nâng cao vị thế, tạo được niềm tin với khách hàng, đối tác, mà còn góp phần dịch chuyển ngành bất động sản theo hướng phát triển bền vững.
Ngày 10/11 vừa qua, tòa nhà trụ sở của Công ty Tổ chức Nhà Quốc gia (N.H.O) đã được USGBC trao Chứng chỉ LEED, ghi nhận công trình có thiết kế, xây dựng và vận hành thân thiện môi trường.
Ông Park Seung Hoon - Phó Giám đốc Điều hành N.H.O nhận chứng chỉ LEED.
LEED (Leadership In Energy And Environmental Design) là một bộ tiêu chuẩn trong thiết kế về năng lượng và môi trường do Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ (USGBC) phát triển từ năm 1995, nhằm tạo ra những công trình tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường sống của con người. Chứng nhận của chuẩn LEED xếp theo các cấp độ: Certified, Silver, Gold, Platinum.
Tiêu chí khắt khe
Để đạt được chứng chỉ LEED cấp độ Silver, Trụ sở chính của N.H.O phải đáp ứng đủ 7 tiêu chí khắt khe nhất từ thiết kế tới vận hành, bao gồm: Sự đổi mới trong thiết kế, Chất lượng không khí trong nhà, Vật liệu và tài nguyên, Vị trí và kết nối giao thông, Vị trí bền vững, Năng lượng và khí quyển, Hiệu quả sử dụng nguồn nước.
Trụ sở N.H.O gồm 3 tầng với tổng diện tích sàn 450m2, có khả năng tiết kiệm đến 27,9% tổng năng lượng tiêu thụ hàng năm (kWh/năm) so với mức cơ bản nhờ các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả như: lắp đặt hệ thống VRF với hiệu suất cao cung cấp khả năng làm mát cho tòa nhà, hệ thống đèn LED cảm biến chuyển động, kính cản nhiệt có khả năng kiểm soát tốt năng lượng bức xạ mặt trời, dùng vật liệu cách nhiệt, lắp đặt hệ thống quạt để cấp gió tươi cho không gian tòa nhà cùng cảm biến áp suất theo dõi trạng thái hoạt động của quạt…
Đặc biệt, trụ sở có khả năng tiết kiệm đếm 40,15% tổng lượng nước tiêu thụ hàng năm so với mức cơ bản nhờ vào việc lắp đặt các thiết bị vệ sinh lưu lượng thấp để tối ưu lượng nước tiêu thụ tại nguồn, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt giúp tiêu thụ ít nước và tiết kiệm sức lao động…
Về việc xử lý chất thải, trụ sở dành riêng một khu vực để phân loại, thu gom và lưu trữ 5 loại vật liệu có thể tái chế (giấy trộn, bìa cứng, thủy tinh, nhựa và kim loại), cũng như sắp đặt khu vực chất thải nguy hại và khu vực chất thải hữu cơ.
Diện tích cây xanh trong tòa nhà chiếm 20% tổng diện tích với điểm nhấn các vườn cây xanh ngay trước mặt tiền ở cả 3 tầng của tòa nhà. Các loại cây được trồng là cây bản địa, chịu hạn tốt, chịu nhiệt tốt…
Với tư cách là nhà thầu chính của dự án xây dựng trụ sở chính cho N.H.O, Công ty Cổ phần Kỹ thuật & Xây dựng Handong (Handong E&C) luôn nỗ lực hết mình để hoàn thành dự án cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của “LEED”. Handong E&C rất vui khi được đồng hành cùng Chủ đầu tư N.H.O kiến tạo những mảng xanh đô thị và cũng tạo ra giá trị cho con người, cho xã hội thông qua sự phát triển bền vững.
Ông Park Seung Hoon - Phó Giám đốc Điều hành N.H.O phát biểu: “Chúng tôi hy vọng cột mốc quan trọng này sẽ tạo ra tác động tích cực không chỉ đến môi trường của chúng tôi mà còn đến cuộc sống của nhân viên, cư dân, đối tác trong cộng đồng của chúng tôi. Và chúng tôi thực sự hy vọng rằng càng ngày càng có nhiều công ty tham gia vào xu hướng thay đổi tích cực này.”
Ông Han Hyun Jin - Giám đốc Công ty TNHH ADU (đơn vị thiết kế kiến trúc tòa nhà) chia sẻ: “Trước khi lên phương án thiết kế, đội ngũ kiến trúc sư của chúng tôi đã nghiên cứu đánh giá tổng quan vị trí của dự án. Từ đó, đưa ra giải pháp thiết kế, cấu trúc thích ứng một cách tối ưu với mặt bằng có sẵn, các kiến trúc và môi trường xung quanh hiện hữu. Các kiến trúc sư đã khắc phục tối đa sự khô cứng của những mảng tường, những khối bê tông bằng các hệ lam và vườn cây xanh ngay bên trong tòa nhà, mang đến cho công trình sự mềm mại và mát mẻ. Các nhân viên làm việc tại đây hoàn toàn cảm nhận được một không gian rộng mở và trong lành ngay bên trong tòa nhà, giữa một khu dân cư đông đúc tại TP.HCM.”
Công trình xanh tại Việt Nam: đã có nhưng chưa đủ
Sau 15 năm kể từ lần đầu xuất hiện “chứng nhận công trình xanh”, đến nay Việt Nam mới chỉ có 242 dự án đạt được chứng nhận này.
Theo Báo cáo Savills Impacts 2022, bất động sản chịu trách nhiệm cho 40% lượng khí thải carbon toàn cầu.
Ở Việt Nam, các tòa nhà sử dụng 17% lượng nước ngọt, 1/4 sản lượng gỗ khai thác, 30 - 40% sản xuất năng lượng và một nửa nguyên liệu thô của đất nước.
Tại Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2022 diễn ra trung tuần tháng 10, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho rằng để trở thành quốc gia phát thải ròng bằng 0 thì phải bắt đầu từ những "tế bào" nhỏ nhất, đó là từ những viên gạch, mỗi toà nhà, mỗi hộ gia đình, mỗi doanh nghiệp, mỗi nhà máy… phải đạt tiêu chí phát thải ròng bằng 0.
Hiện nay, Việt Nam đang có 3 hệ thống chứng nhận công trình xanh, bao gồm: LEED - Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ (USGBC), EDGE - Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC), LOTUS - Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC).
Các chứng nhận này xuất hiện lần đầu tiên tại Việt Nam từ năm 2007. Đến hết quý III/2022, tức sau 15 năm, Việt Nam mới chỉ có 242 dự án đạt được một trong ba chứng chỉ này. Con số này còn khiêm tốn so với số lượng công trình được xây dựng và đưa vào hoạt động trong thập kỷ qua.
Tòa nhà Viettel tại Hà Nội là một trong số ít trụ sở đạt chuẩn LEED tại Việt Nam.
Ngoài ra, số liệu của Savills Impacts 2022 cho thấy chỉ khoảng 22% các tòa nhà văn phòng trên thế giới đạt chứng chỉ xanh quốc tế.
Giảm lượng khí thải carbon liên quan đến lĩnh vực bất động sản bằng cách xây dựng các công trình theo tiêu chuẩn “xanh” là điều kiện cần thiết để đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.