The Coffee House trước tin đồn 'bán mình' cho Golden Gate: Đóng gần 1/2 số cửa hàng so với thời hoàng kim, chìm trong lỗ lũy kế, bị các 'ông lớn' F&B cạnh tranh thị phần

Thảo Vân | 15:27 19/02/2025

Cựu CEO Nguyễn Hải Ninh gọi The Coffee House là “phần đẹp nhất trong tuổi thanh xuân”, trong khi Nikkei Asia từng đánh giá đây là startup mô hình cà phê phát triển nhanh nhất. Tuy nhiên, sau giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ, The Coffee House dần đánh mất hào quang, rơi vào thua lỗ, thu hẹp thị phần.

The Coffee House trước tin đồn 'bán mình' cho Golden Gate: Đóng gần 1/2 số cửa hàng so với thời hoàng kim, chìm trong lỗ lũy kế, bị các 'ông lớn' F&B cạnh tranh thị phần

Ngày 19/2, Deal Street Asia đưa tin Golden Gate – ông trùm ngành F&B tại Việt Nam được cho là đã mua lại chuỗi The Coffee House từ Seedcom.

Từng được miêu tả là startup cà phê phát triển nhanh nhất Việt Nam năm 2018, gần 7 năm sau, The Coffee House đang phải đối diện với những câu chuyện khác – thu hẹp thị phần, lỗ lũy kế.

‘4 năm của The Coffee House nhanh hơn 10 năm của Starbucks’

Hơn 10 năm trước, Nguyễn Hải Ninh – nhà sáng lập The Coffee House – nảy ra ý tưởng xây dựng thương hiệu khi nhìn thấy khoảng trống ở phân khúc 40.000-60.000 đồng vẫn chưa được khai thác. Trong khi, các chuỗi cà phê ngoại nhập như Starbucks, The Coffee Bean & Tea Leaf có giá khá cao, khó có thể trở thành điểm đến quen thuộc hằng ngày của người Việt, đặc biệt là giới trẻ.

Không chỉ dừng lại ở việc mở quán cà phê, ông còn ấp ủ một giấc mơ tạo ra một "ngôi nhà cà phê" - nơi có thể kiểm soát được chất lượng nguyên liệu từ nông trại đến ly cà phê. Để hiện thực hóa giấc mơ này, từ ba năm trước khi The Coffee House ra đời, Nguyễn Hải Ninh đã âm thầm đầu tư 33 hecta đất trồng cà phê tại Cầu Đất, Đà Lạt.

Ngoài nguyên liệu, không gian quán cũng là một trong những yếu tố tạo “điểm chạm” cho The Coffee House với khách hàng. Chuỗi này đặc biệt quan tâm đến từng chi tiết trong thiết kế cửa hàng, từ bài trí nội thất đến chiều cao bàn ghế, nhằm mang lại sự thoải mái tối đa cho khách hàng mục tiêu – những người đến The Coffee House để làm việc.

screenshot-2025-02-19-at-15.23.16.png
Ông Nguyễn Hải Ninh – Nhà sáng lập kiêm cựu CEO The Coffee House

Nhờ khả năng tạo ra nhiều “điểm chạm” đến khách hàng mục tiêu, sau 4 năm thành lập, đến 2018, chuỗi này chính thức vượt mốc 100 cửa hàng - điều mà Starbucks mất 10 năm mới làm được ở Việt Nam.

Sự tăng trưởng vượt bậc về quy mô cửa hàng giúp The Coffee House được Nikkei Asia đánh giá là chuỗi cà phê phát triển nhanh nhất trong số các startup ngành này tại Việt Nam.

Còn khảo sát của Q&Me năm 2018 lại chỉ ra, The Coffee House là thương hiệu được yêu thích nhất, chỉ đứng sau Starbucks và Highlands Coffee về khả năng thuyết phục khách hàng chi tiêu tại cửa hàng.

Đến năm 2020, thương hiệu này không ngừng mở rộng, đạt 175 cửa hàng tại 18 tỉnh, thành trên cả nước. Đây là chuỗi cà phê đứng thứ ba về quy mô điểm bán chỉ sau Highlands và Trung Nguyên. 

Còn xét theo định giá, thời điểm năm 2021, Hãng Kiểm toán và Định giá ASCO xác định, giá trị của The Coffee House khoảng 1.171 tỷ đồng.

The Coffee House đánh mất hào quang như thế nào?

Sau giai đoạn mở rộng mạnh mẽ, "bão" bắt đầu xuất hiện tại The Coffee House khi ông Nguyễn Hải Ninh rời ghế CEO. Thay vì liên tục mở rộng, The Coffee House bắt đầu thu hẹp hoạt động và phải vật lộn với bài toán lợi nhuận. 

Năm ngoái, chuỗi này công bố đóng loạt chi nhánh tại Đà Nẵng và Cần Thơ sau hơn 7 năm hoạt động. Bên cạnh đó, một số cửa hàng tại Hà Nội và TP HCM cũng lặng lẽ rời khỏi thị trường.

Từng đứng thứ ba về số lượng điểm bán với 175 cửa hàng vào năm 2020, đến tháng 2/2023, chuỗi này có 157 cửa hàng. Cuối năm ngoái, số lượng điểm bán thu hẹp còn 117 cửa hàng. Theo công bố mới nhất trên website, tính đến tháng 2/2024, The Coffee House chỉ duy trì 93 điểm bán trên toàn quốc.

0cd8bc_6c601fcec97149b4aa29b04a773ffb85-mv2.png

Lý giải về việc thu hẹp quy mô, đại diện The Coffee House cho biết, tối ưu chi phí để cải thiện hiệu quả hoạt động là ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh thị trường hiện tại. Việc điều chỉnh phạm vi hoạt động nhằm giúp chuỗi thích ứng với điều kiện kinh doanh thay đổi và duy trì hiệu quả toàn hệ thống.

Trong cuộc đua khốc liệt về thị phần và doanh thu với Highlands Coffee, Phúc Long và Starbucks, The Coffee House ngày càng hụt hơi, thậm chí bị đe dọa bởi Katinat.

0cd8bc_35b09528c3804a77b2458ea2a8a3f625-mv2(1).png

Theo dữ liệu của Vietdata, thị phần của The Coffee House năm 2023 giảm so với 2022, quay về gần mức của năm 2021 (2,02%).

Về doanh thu, The Coffee House ghi nhận biến động mạnh giai đoạn 2021 - 2023. Cụ thể, doanh thu tăng 67% vào năm 2022, nhưng đến 2023 lại giảm 11%, xuống còn 700 tỷ đồng.

Xét về hiệu quả kinh doanh, thương hiệu này tiếp tục gánh lỗ lũy kế. Năm 2020, lợi nhuận sau thuế âm 111 tỷ đồng, đến 2021 mức lỗ tăng 124%, và năm 2022 giảm xuống gần âm 150 tỷ đồng.


(0) Bình luận
Có thể bạn quan tâm
Bộ Chính trị yêu cầu nghiên cứu sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, bỏ cấp huyện
Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành kết luận số 126 về một số nội dung, nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025, trong đó giao Đảng ủy Chính phủ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Đảng ủy Quốc hội, cấp ủy, tổ chức có liên quan thực hiện nhiệm vụ nêu trên; báo cáo Bộ Chính trị trong quý III/2025.
The Coffee House trước tin đồn 'bán mình' cho Golden Gate: Đóng gần 1/2 số cửa hàng so với thời hoàng kim, chìm trong lỗ lũy kế, bị các 'ông lớn' F&B cạnh tranh thị phần
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO