Hàng loạt thay đổi lớn đã và đang diễn ra tại Tổng CTCP Bưu chính Viettel (Viettel Post) trong một năm qua. Toàn bộ nhận diện thương hiệu được thay đổi, các gói cước, dịch vụ mới liên tục được ra mắt... Những điều này đang cho thấy sự chuyển mình mạnh mẽ của "anh bưu tá" ngày nào.

Nhưng không dừng ở đó, khát vọng của Viettel Post là xây dựng một hạ tầng logistics xuyên biên giới. Tổng giám đốc VTPost Hoàng Trung Thành khẳng định: "Trong 5 năm tới, doanh thu của Viettel Post sẽ gấp 10 lần so với năm 2023…".

w_04.png

Lợi nhuận sau thuế quý III/2023 của Viettel Post tăng hơn 80% so với cùng kỳ, với biên lợi nhuận gộp cũng tăng rất mạnh mặc dù tổng doanh thu giảm 7%. Điều gì đứng đằng sau các con số đó?

Tổng doanh thu của Viettel Post (VTP) sụt giảm vì chúng tôi đã điều tiết, cắt giảm một số hoạt động kinh doanh không mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, doanh thu của hoạt động cốt lõi, bao gồm dịch vụ chuyển phát và chuỗi cung ứng lại tăng mạnh.

Doanh thu ước tính cả năm 2023 sẽ tăng 30%. Lợi nhuận cả năm dự kiến tăng tới 47%, riêng quý III/2023 thì tăng cao hơn. Lợi nhuận tăng mạnh là nhờ tối ưu chi phí khi chúng tôi đưa công nghệ mới vào hoạt động.

w_06.png

Hệ thống giám sát tập trung - NOC đưa ra cảnh báo các vấn đề phát sinh theo thời gian thực để các sai sót sẽ được phát hiện và tiến hành xử lý ngay. Cụ thể, các phương tiện di chuyển trên đường nhờ có hệ thống sẽ hỗ trợ giảm thiểu các tuyến đường di chuyển và vận hành, giảm 20-30% chi phí vận hành

Giải pháp công nghệ tích hợp Robot AGV - Matrix - Crossbelt được sử dụng tại các Trung tâm Khai thác: giúp đảm bảo chia chọn tự động 100% các loại hàng hóa, từ tải kiện, mỏng nhẹ đến hàng có dáng đặc thù, tròn lăn, rút ngắn thời gian chuyển phát toàn trình từ 8-10 giờ, tăng 3.5 lần sản lượng, tối ưu 60% chi phí nhân sự.

Hệ thống băng chuyền crossbelt áp dụng công nghệ mới giúp giảm thời gian chia hàng, giảm nhân công và tối ưu chi phí. Thời gian xử lý một đơn hàng trong mega hub giảm khoảng 4 tiếng đồng hồ so với trước. Đồng thời, tỷ lệ chia sai sót cũng giảm từ 8% xuống chỉ còn 0,1- 0,2%, tương đương với những công nghệ đầu ngành trên thế giới.

Bên cạnh các hệ thống trên, các quy trình quản trị, phần mềm vận hành đều áp dụng CNTT nhằm gia tăng hiệu quả quản trị, năng suất lao động; đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ với đơn hàng giao nhanh hơn, chính xác hơn.

w_08.png

Những thay đổi về công nghệ sẽ phục vụ cho mục tiêu nào khác của VTP ngoài việc cải thiện hiệu quả và tăng trưởng?

Dài hơi hơn, định vị định hướng cho VTP cũng giống như viễn thông. Đầu tiên chúng tôi sẽ mua công nghệ, mua thiết bị về sử dụng; sau đó là học, tìm hiểu nguyên lý hoạt động. Đến một thời điểm, chúng tôi sẽ tự chủ được giải pháp phần mềm điều khiển và sau đó nữa là tự chủ sản xuất được phần cứng.

Đối với robot AGV, trước đây VTP phải mua toàn bộ cả phần cứng lẫn giải pháp phần mềm. Còn hiện nay đội ngũ kỹ sư VTP đã chủ động được hoàn toàn phần mềm và hệ thống điều khiển. Tiến tới sau này là hợp tác với các đơn vị khác trong Tập đoàn Viettel để sản xuất cả phần cứng.

Hiện nay, VTP là doanh nghiệp logistics đầu tiên tại Việt Nam sử dụng công nghệ Robot AGV trong chia chọn tại các trung tâm khai thác và chúng tôi đã tiến đến việc phát triển, làm chủ giải pháp để điều khiến Robot AGV.

Việc tiên phong về công nghệ logistic tại Việt Nam tạo cho VTP lợi thế cạnh tranh tốt hơn. Điều này tạo thuận lợi cho chúng tôi đang thực hiện bước tiếp theo là "go global" và mở rộng sang các lĩnh vực khác mà VTP xác định cần làm để xây dựng hạ tầng logistics xuyên biên giới, trở thành chủ lực đưa Việt Nam trở thành trung tâm logistics của khu vực và thế giới.

w_11.png

Việc VTP đầu tư mạnh cho hạ tầng Supply Chain (chuỗi cung ứng đầu cuối) trong năm 2023 cũng hướng tới mục tiêu trở thành hạ tầng logistics quốc gia?

Hiện nay, VTP đang quy hoạch lại hạ tầng Supply Chain từ hệ thống kho cho đến phương tiện cùng công nghệ khai thác tối ưu để phục vụ cho các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng chuỗi cung ứng toàn trình. Chi phí đầu tư cho chuỗi cung ứng chiếm 5-6% doanh thu của các doanh nghiệp, có thể lên tới 4.000 – 5.000 tỷ đồng/năm.

VTP đầu tư Supply Chain giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được vài % trong con số 5% đó, cũng là hàng chục, hàng trăm tỷ đồng rồi. Thực tế, với lợi thế về hạ tầng kho bãi cấp quốc gia, cấp huyện, đa phương tiện, công nghệ… chúng tôi có khả năng xây dựng một hệ thống Supply Chain hiệu quả, giúp các chuỗi bán hàng tối ưu chi phí.

w_14.png

Năm 2023, mặc dù mới bắt đầu nhưng VTP đã có những khách hàng lớn như Guardian, Unilever…Dù là những bước đi đầu tiên nhưng doanh thu của lĩnh vực này đã tăng trưởng khoảng 70-80% so với năm ngoái, mang về cho VTP từ 1.200 – 1.300 tỷ đồng.

Hiện tại, VTP có tổng diện tích trung tâm khai thác khoảng 1 triệu m2. Chúng tôi đang khảo sát phương án xây dựng hệ thống kho ngoại hải quan tại các cửa khẩu quốc tế đường bộ, đường biển, đường sắt và đường hàng không. Trong đó, hệ thống vận hành kiểm soát kho, cảng cạn ICD, trung tâm trung chuyển hàng hóa liên vận… sẽ giúp VTP thực sự đóng vai trò chủ lực trọng việc kiến tạo hạ tầng logistics quốc gia, góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm kết nối logistics của khu vực Đông Nam Á với Trung Quốc. Điều này cũng chuẩn bị cho việc đẩy mạnh "go global" của chúng tôi. 

w_16.png

Viettel Post xác định mục tiêu xây dựng hạ tầng logistics xuyên biên giới nhằm kết nối Asean - Việt Nam - Trung Quốc. Chiến lược này rõ ràng hơn khi Viettel Post đã đẩy mạnh hoạt động kinh doanh tại Myanmar, Campuchia, sắp tới là Lào. Chiến lược xây dựng hạ tầng logistics như vậy sẽ đem lại những lợi ích gì?

Khái niệm hạ tầng logistics quốc gia của VTP nhắm đến 2 mục tiêu.

Thứ nhất là xây dựng một hạ tầng logistics giúp kết nối thị trường cho hàng hóa lưu chuyển trong nước.

Thứ 2 là kết nối thị trường 1 tỷ dân của Trung Quốc với thị trường 700 triệu dân của ASEAN. Trên đường kết nối đó, Việt Nam có vị trí địa lý đặc biệt thuận lợi giúp cho việc vận chuyển nhanh nhất với chi phí thấp nhất. Đó là những điểm quan trọng tạo ra lợi thế cho lĩnh vực logistics đường bộ và đường sắt.

Theo thông tin từ Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), chi phí logistics của Việt Nam hiện rất cao, 16,8 - 17% GDP, cao hơn nhiều so với mức bình quân chung là 10,6% của thế giới. Nguyên nhân là do vận tải đường bộ vẫn là phương thức vận tải phổ biến nhất, chiếm tỷ lệ 73%. Tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển qua hình thức vận tải đường biển chỉ chiếm 5,2%, đường sắt 0,2% và đường hàng không 0,01%. Bên cạnh đó, hạ tầng trung tâm logistics để kết nối các vùng nuôi trồng, nhà máy sản xuất cũng chưa được quy hoạch đồng bộ.

w_18.png

Vậy VTP đã và đang làm gì?

Với ngành đường sắt, sản lượng hàng hoá của Viettel Post chiếm 75% sản lượng vận chuyển bằng tàu nhanh trên toàn quốc. Và chúng tôi sẽ cùng đồng hành với ngành vận tải đường sắt để gia tăng năng lực và tỉ trọng tổng lượng hàng hoá vận chuyển qua đường sắt trong thời gian tới.

Với đường bộ, VTP sẽ mở rộng hạ tầng logistics bằng cách tích hợp hệ thống kho bãi, hệ thống thiết bị xếp dỡ container, hệ thống công nghệ bảo quản sau thu hoạch với hệ thống các điểm dừng chân, dịch vụ cho hành khách trên đường cao tốc để dễ dàng kết nối các vùng nuôi trồng, các khu công nghiệp với các tuyến đường bộ, đường sắt, đường biển.

VTP sẽ sử dụng hạ tầng này đẩy mạnh mục tiêu "go global".

w_21.png

Tại sao đến bây giờ VTP mới đặt ra mục tiêu trở thành hạ tầng logistics quốc gia?

Hiện tại là thời điểm thích hợp bởi sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) đang đặt ra những đòi hỏi về việc thay đổi hạ tầng mạng lưới, cách thức khai thác phần last mile (chặng cuối).

Thêm vào đó, Chính phủ đã đưa ra các chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển của logistics với các chính sách quy hoạch về đường cao tốc, sân bay, cảng biển, đường sắt; hay tháo gỡ các điểm nghẽn logisics...

Tại Viettel, Ban lãnh đạo Tập đoàn đã xác định Logistics là một trong 4 lĩnh vực chủ chốt đóng góp vào sự phát triển của Tập đoàn trong tương lai.

Nếu VTP chỉ dừng lại ở việc làm last miles delivery (giao hàng chặng cuối), chúng vẫn chỉ là shipper thôi, như từ trong nội bộ chúng tôi gọi là "anh bưu tá", còn nếu làm được những thứ này thì mới trở thành doanh nghiệp logistics. Và chỉ có như vậy, VTP mới đóng góp lớn cho sự phát triển của nền kinh tế, cho giao thương của đất nước.

w_24.png

Tốc độ phát triển của Viettel Post ước tính sẽ như thế nào để khẳng định vị trí là một trong 4 trụ cột phát triển của Tập đoàn Viettel cũng như là một "tay chơi" quan trọng trên thị trường logistics Việt Nam?

Chúng tôi đặt ra mục tiêu trong 5 năm tới, doanh số phải gấp 10 lần so với năm nay, có nghĩa là tăng trưởng 60-65%/năm cho cả hoạt động cốt lõi và lĩnh vực mới. Năm nay, VTP tăng 30% riêng trong lĩnh vực cốt lõi thì các năm tiếp theo phải tăng 40-42%. Đây là một mục tiêu khả thi và nếu thuận lợi, VTP sẽ có kết quả đột phá.

2023 là năm mà Ban Tổng giám đốc VTP xác định: tập trung im lặng làm, nói ít, để kết quả bằng số liệu tự lên tiếng. Thời điểm nay, chúng tôi cũng muốn chia sẻ với nhà đầu tư, công chúng số liệu thực tế và cách làm để mọi người hiểu bộ máy và nhân sự của VTP đủ tri thức, đủ khát khao, đủ nhiệt huyết và sẵn sàng chiến đấu cho những mục tiêu lớn.

Chúng tôi cũng muốn chứng minh lĩnh vực này tiềm năng như thế nào, lợi thế của Viettel ra sao và cách làm của mình như thế nào để có thể đạt được mục tiêu đấy.

w_26.png

Nhiều năm làm Tổng giám đốc tại các thị trường nước ngoài của Viettel, chủ yếu điều hành kinh doanh viễn thông (gần nhất là Mytel, thương hiệu viễn thông tại thị trường Myanmar), trở về Việt Nam với một lĩnh vực mới là chuyển phát và logistics, ông phải thay đổi điều gì?

Một trong 8 giá trị cốt lõi của người Viettel là "Thích ứng nhanh là sức mạnh cạnh tranh". Chiến lược tốt nhất của doanh nghiệp logistics và TMĐT hiện nay – nơi tôi đang làm việc cũng là thích ứng.

Việc theo đuổi một chiến lược cứng trong 5 năm không còn khả thi nữa, dù việc định hình chiến lược 5 năm có thể giúp cho doanh nghiệp chuẩn bị dần về nguồn lực và phương pháp, nhưng chiến lược phải liên tục được điều chỉnh.

Còn khi điều chuyển từ lĩnh vực này sang lĩnh vực kia, đối với tôi, có 2 thứ năng lực không thể thiếu, đó là học cái mới và quản trị. Bộ gen của người Viettel định hình sẵn trong đó khả năng sẵn sàng học bất kỳ cái gì mới để có thể làm được. Để thành công, chúng tôi đặt ra cho mình kỷ luật khắt khe để vận hành bộ máy lớn một cách linh hoạt, điều đó thể hiện ở năng lực quản trị.

Nhiều người ở Viettel Post cũng giống như tôi, bắt đầu bằng việc đi làm viễn thông, có thể là dân kỹ thuật, hoặc kinh doanh, đi bán SIM, bán thẻ cào điện thoại. Thế nhưng, chúng tôi không định vị mình trong một vùng an toàn nào cả.

w_29.png

Khi cần sang làm logistics, khi cần làm TMĐT, chúng tôi lao vào học. Cả bộ máy của chúng tôi, cũng như tất cả cán bộ công nhân viên cũng sẵn sàng lao vào học cái mới. Tìm mọi cách phải học bằng được và học thật nhanh, đó là việc sống còn.

Còn sau đó, khi chuyển sang một lĩnh vực khác, mình đã học được tri thức, kết hợp với khả năng thích ứng nhanh, vận hành bộ máy trên quy mô lớn luôn tuân theo kỷ luật và quyết liệt của người Viettel thì mọi việc sẽ ổn thôi.

Cảm ơn ông!

Bài: Lan Hạ

Ảnh: Việt Hùng

Thiết kế: Hương Xuân

POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO