Thành phố tên dài nhất Việt Nam dự kiến lên đô thị loại 1

Dy Khoa | 11:14 21/12/2024

Cách đây 4 năm, thành phố này đã được công nhận đô thị loại 2.

Thành phố tên dài nhất Việt Nam dự kiến lên đô thị loại 1

Theo VnExpress, Phan Rang - Tháp Chàm là thành phố có tên dài nhất Việt Nam. Đây là thành phố tỉnh lỵ, thành phố thuộc tỉnh, của tỉnh Ninh Thuận.

Thành phố Phan Rang – Tháp Chàm là đô thị đồng bằng ven biển Nam Trung Bộ, diện tích tự nhiên 79,38 km2, có 16 đơn vị hành chính gồm 15 phường và 1 xã, với dân số toàn thành phố khoảng 161.150 người, theo trang thông tin điện tử của TP Phan Rang - Tháp Chàm.

Địa phương này có vị trí là đầu mối tại khu vực ngã ba giữa trục giao thông quốc lộ 1A với quốc lộ 27 đi Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), đồng thời có tuyến đường sắt thống nhất Bắc - Nam đi qua ga Tháp Chàm, rất thuận lợi cho vận chuyển hành khách và hàng hoá bằng đường bộ và đường sắt.

tp-phan-rang-thap-cham-1-1500.jpg.jpg

Phan Rang - Tháp Chàm cách cảng biển và cảng hàng không quốc tế Cam Ranh 60km và TP Nha Trang 100km về phía Bắc, cách TP Hồ Chí Minh 350 km về phía Nam, cách TP Đà Lạt 110 km về phía Tây, hình thành tam giác phát triển Đà Lạt- Phan Rang - Nha Trang.

TP Phan Rang-Tháp Chàm là trung tâm chính trị, kinh tế , văn hoá và khoa học kỹ thuật của tỉnh Ninh Thuận; đồng thời là đô thị hạt nhân kết nối các huyện trong tỉnh và các tỉnh khác, thuận lợi cho việc phát triển kinh tế-xã hội.

Cũng theo trang thông tin của thành phố, Phan Rang bắt nguồn từ địa danh Chăm cổ là Pangdarang hay Pandaran. Địa danh hành chính ghép Phan Rang - Tháp Chàm xuất hiện năm 1948 do chính quyền cách mạng ở tỉnh đặt. Cụ thể, vào tháng 8/1948, vùng 5 được đổi thành thị xã Phan Rang – Tháp Chàm. Tên gọi Phan Rang – Tháp Chàm chính thức được biết đến từ đó.

Ngày 26/2/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 252/QĐ-TTg công nhận thành phố Phan Rang - Tháp Chàm là đô thị loại 2 trực thuộc tỉnh Ninh Thuận.

Phan Rang - Tháp Chàm sẽ là đô thị hỗn hợp, đa dạng

Giữa năm nay, UBND tỉnh Ninh Thuận lên kế hoạch triển khai thực hiện Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng TP Phan Rang - Tháp Chàm đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, quy hoạch định hướng phát triển  Phan Rang - Tháp Chàm là đô thị hỗn hợp, đa dạng, lấy du lịch làm động lực phát triển, hướng tới đô thị thông minh, đô thị du lịch, đô thị biển, đô thị xanh và hướng đến hình thành đô thị loại 1 trong tương lai; đồng thời đáp ứng mục tiêu lấy phục vụ con người làm trung tâm, phát triển xanh, bền vững và thân thiện.

tp-phan-rang-thap-cham-1-9886.jpg.jpg

Với các vùng động lực phát triển đô thị đặc trưng, sơ đồ cấu trúc phát triển không gian TP Phan Rang - Tháp Chàm được phân thành 5 phân vùng lớn.

Cụ thể, phân vùng 1 là khu vực phát triển đô thị di sản. Trọng tâm là các không gian xung quanh tháp Po Klong Garai và cộng đồng xung quanh. Khu vực này được chỉnh trang và xây dựng một công viên lịch sử cạnh sông Dinh. Tăng tính kết nối giữa không gian di sản đến không gian mới, ý tưởng nối kết từ quá khứ đến tương lai.

Phân vùng 2 là khu vực phát triển đô thị ven biển. Đặc trưng của khu vực này là phát triển du lịch, vui chơi giải trí biển. Đặc điểm quan trọng sẽ bao gồm một đường đi dạo ven biển, quảng trường biển, những khách sạn cao tầng, các resort và dịch vụ hướng biển nhằm thể hiện hình ảnh của một thành phố biển.

Quy hoạch định hướng phát triển tại khu vực phía Bắc và Nam sông Dinh, trọng tâm là khu vực thôn Phú Thọ và cảng Cá Đông Hải. Theo đó, đặc trưng của khu vực này là phát triển du lịch làng nghề truyền thống kết hợp khai thác dịch vụ thương mại dọc bờ kè biển, chỉnh trang đô thị và xây dựng các không gian công cộng nối kết.

vai-net-ve-ninh-thuan.jpg

Phân vùng 3 là khu vực phát triển đô thị trung tâm. Đây là khu đô thị hiện trạng được cải tạo và tái thiết, hình thành đô thị nén khu vực trung tâm thành phố, tập trung phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch. Trọng tâm là khu vực Quảng trường trung tâm gắn với Trung tâm hành chính tỉnh, các công viên trung tâm, khu bảo tàng, trục thương mại đường 16 tháng 4 nối kết ra biển.

Xây dựng khu đô thị mới hình thành những tuyến phố trung tâm thương mại, dịch vụ, vui chơi, giải trí như khu đô thị Đông Văn Sơn - Bắc Bình Sơn, khu công viên trung tâm và văn hóa thể thao. Phát triển trung tâm hội nghị, hội thảo quốc tế. 

Phân vùng 4 là khu vực phát triển đô thị sông Dinh. Tại đây, phát triển các khu vực đô thị dọc Sông Dinh dựa trên giá trị đặc trưng, không gian sống, không gian sinh hoạt và mặt nước là giá trị trọng tâm của phân vùng đô thị sông Dinh.

Phân vùng 5 là khu vực phát triển đô thị kết nối (khu vực sân bay Thành Sơn). Đây là khu đô thị xây mới bởi sự tác động mạnh mẽ của hệ thống hạ tầng giao thông. Khu vực này tập trung phát triển đầu mối giao thông vùng, có các chức năng giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao chất lượng cao, y tế, logistic, dịch vụ thương mại. Các khu vực được kết nối với nhau bằng các không gian công cộng và mảng xanh.

Trọng tâm của phân vùng 5 là khu vực đầu mối hạ tầng giao thông (bến xe mới, nhà ga đường sắt mới..), công viên sáng tạo, Khu đô thị đại học, Trung tâm đổi mới sáng tạo, bệnh viện quốc tế, Khu Liên hợp thể thao. Các khu vực này tập trung phát triển theo hướng đô thị thông minh sáng tạo, hài hòa với thiên nhiên, trải nghiệm cuộc sống đô thị với các công trình hiện đại và không gian xanh công cộng rộng lớn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Thành phố tên dài nhất Việt Nam dự kiến lên đô thị loại 1
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO