Cô gái họ Huang (26 tuổi), có bằng thạc sĩ báo chí tại Đại học Bắc Kinh vào năm 2022, song lại chọn làm việc tại căng tin trường ngay sau khi tốt nghiệp. Quyết định khiến người quen của Huang vô cùng bất ngờ bởi trước đó, cô từng thực tập tại các công ty Internet có tiếng.
“So với những công việc đó, làm cô bán hàng ở căng tin đem lại cho tôi nhiều niềm vui hơn”, cô nói.
Được sinh viên trìu mến gọi là “mẹ Huang”, cô gái 26 tuổi bắt đầu ca làm việc từ sáng sớm và phải đứng liên tục nhiều giờ mỗi ngày. Nhiệm vụ chính chỉ đơn thuần là múc canh hoặc cháo và thái một lượng lớn rau, theo SCMP.
“Tôi nhớ có lần tôi thái cả một rổ ớt cay. Chúng làm tay tôi sưng lên. Tôi phải chịu đựng cơn đau, nhưng rồi hôm sau thì hết. Lúc đầu, tôi cũng thấy công việc này mệt mỏi nhưng chỉ cần một giấc ngủ ngon là nhanh chóng hồi sức”, cô nói.
Công việc của Huang hiện tại khác biệt đáng kể so với khoảng thời gian trước đây tại các công ty công nghệ - nơi cô phải đối mặt với các chỉ số đo lường hiệu suất nghiêm ngặt (KPI). Thời gian đó, tâm trí Huang chỉ nghĩ đến công việc.
Xuất thân từ một vùng nông thôn ở tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc), bố mẹ Huang đều là tài xế xe buýt. Cả hai không ủng hộ quyết định làm việc tại căng tin của con gái vì sợ Huang phải làm công việc tay chân vất vả, thu nhập lại tương đối thấp.

“Khi những người khác hỏi bố mẹ xem tôi làm việc ở đâu, họ chỉ nói rằng tôi làm ở Đại học Bắc Kinh. Nhiều người còn tưởng tôi là giáo sư ở đó”, Huang nói và cho biết mong muốn hiện tại chỉ đơn giản là trở thành quản lý căng tin. Hiện cô kiếm được 6.000 nhân dân tệ (820 USD)/tháng.
“Có bạn cùng lớp đại học của tôi kiếm được khoảng 20.000 nhân dân tệ (2.700 USD)/tháng, nhưng điều đó không làm tôi bận tâm. Làm việc ở căng tin là lựa chọn của tôi vì nó khiến tôi hạnh phúc”, cô cho biết.
Câu chuyện của Huang thu hút nhiều phản ứng trái chiều trên mạng xã hội Trung Quốc. Nhiều người cho rằng cô ăn học đàng hoàng, ra trường làm phục vụ chân tay sẽ rất thiệt.
“Đây là sự lãng phí nguồn lực giáo dục, câu chuyện của cô ấy không nên được lan truyền”, một người bình luận.
“Cứ làm theo trái tim mình. Đừng lo lắng về những gì người khác nghĩ”, số khác lại nghĩ. “Cô ấy khôn ngoan đấy, vì không có gì quan trọng hơn hạnh phúc của bản thân đâu”.
Huang không phải người duy nhất chọn làm công việc chân tay dù có bằng đại học danh giá. Mã Nhã, 25 tuổi, từng tốt nghiệp Đại học ngoại ngữ Nam Kinh, cũng quyết định làm việc tại Sở thú Thượng Hải. Công việc bắt đầu lúc 8 giờ sáng, bao gồm kiểm tra khu vực động vật ăn cỏ, quan sát tình trạng sức khỏe và dọn dẹp chuồng trại.

“Mặc dù phân của động vật ăn cỏ không quá hôi, nhưng số lượng lại rất nhiều. Khi xong việc, cũng vừa đến giờ cho chúng ăn trưa”, thạc sĩ này nói.
Buổi chiều, công việc bận rộn hơn. Cô phải kiểm tra sức khỏe động vật, trao đổi với bác sĩ thú y, thuyết minh và theo dõi khách tham quan để đảm bảo họ cho động vật ăn đúng cách. Nếu có thay đổi trong khu vực triển lãm, cô cũng tham gia thiết kế và quy hoạch. Trước khi tan ca 5h chiều, cô đưa động vật về chuồng.
Chia sẻ hồi mới chăm sóc voi, hằng ngày, Nhã phải nâng những thùng thức ăn đầy cỏ lên một độ cao nhất định. Công việc vốn dành cho nam giới khỏe mạnh nhưng khi đó, nhóm chỉ có duy nhất cô là phụ nữ.
Dọn phân cũng là một thử thách đòi hỏi sức lực và kỹ năng. Không phải khu vực nào cũng có vòi xịt áp lực cao. Đôi khi cô phải dọn bằng tay.
Công việc vất vả là vậy, song Mã Nhã cho biết bản thân học được rất nhiều điều. Nhờ kinh nghiệm du học, cô cũng đã góp phần thiết kế khu triển lãm gấu trúc đỏ được tổ chức quốc tế công nhận là một trong những khu trưng bày xuất sắc.
“Đây là thành tựu lớn nhất của tôi sau một năm làm việc”, cô tự hào nói.
Trước câu chuyện về cô thạc sĩ tình nguyện đi dọn phân động vật mỗi ngày, cư dân mạng Trung Quốc được dịp dậy sóng. Một số người cho rằng những người trẻ tài năng như Mã Nhã đang lãng phí công sức, tiền bạc ăn học trước đây. Cũng có quan điểm cho rằng cô đang làm đúng chuyên môn và đam mê của mình.
Đại diện sở thú cho biết, ngoài Mã Nhã, tại đây còn có nhiều nhân viên tốt nghiệp từ các trường danh tiếng như Đại học Cornell (Mỹ), Đại học Melbourne (Australia). Tất cả đều phải trải qua ít nhất 6 tháng thử thách ở vị trí nhân viên chăm sóc động vật mới được nhận vào làm chính thức.
Theo: SCMP, Sixth Tone