Phát biểu tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm ngành ngân hàng hôm 14/7 vừa qua, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, trong 6 tháng đầu năm, dưới sự chỉ đạo sát sao và quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo.
Ngành Ngân hàng đã có những đóng góp quan trọng trong kết quả chung nêu trên. Trong đó, Vietcombank tiếp tục giữ vững được chất lượng và hiệu quả hoạt động; đặc biệt là tiếp tục tiên phong triển khai có hiệu quả các định hướng, chính sách của Chính phủ và NHNN.
Tính đến hết tháng 6 năm 2023, huy động vốn, tín dụng của VCB tăng trưởng lần lượt 6,6%, 2,6%; đạt quy mô tương ứng 1,3 và 1,2 triệu tỷ đồng; Chất lượng tín dụng được kiểm soát, tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,85%, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu ở mức trên 350%.
Trong bối cảnh nhiều khó khăn và thách thức, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo triển khai các giải pháp tổng thể, toàn diện để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Theo đó, bên cạnh việc ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, NHNN đã 4 lần cắt giảm các mức lãi suất điều hành, đưa mặt bằng lãi suất thị trường quay trở về mức trước đại dịch; ổn định tỷ giá, đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. NHNN cũng đã quyết liệt chỉ đạo các NHTM tiết giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay, cắt giảm tối đa các loại phí.
Thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, Vietcombank đã chủ động chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đồng hành, hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân. Cụ thể: Đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng theo phương châm an toàn, hiệu quả. Ngay từ đầu năm đã phân giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các chi nhánh ở mức khoảng 13% và đây là một KPI trọng yếu bên cạnh KPI về kiểm soát chất lượng tín dụng.
Triển khai nhiều giải pháp để tiết kiệm chi phí hoạt động, quản trị thanh khoản hiệu quả phù hợp với diễn biến của thị trường, tạo dư địa để hạ mặt bằng lãi suất cho vay và duy trì lãi suất cho vay ở mức thấp nhất thị trường.
Trong 6 tháng đầu năm, Vietcombank đã tiên phong thực hiện 10 đợt giảm lãi suất huy động, 5 đợt giảm lãi suất cho vay cho tất cả các phân khúc khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
Chủ động triển khai nhiều chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi cho các phân khúc, đối tượng ưu tiên: Chương trình cho vay ngắn hạn ưu đãi; Chương trình cho vay KH FDI; Chương trình cho vay lãi suất cố định 1-5 năm; Chương trình cho vay sản xuất kinh doanh ưu đãi cho KH SME, Hộ kinh doanh; Chương trình an tâm lãi suất…
Thực hiện nhiều đợt giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu của khách hàng. Lũy kế đến hết 30/06/2023, Vietcombank đã giảm gần 1.300 tỷ đồng tiền lãi cho hơn 242.000 lượt khách hàng với dư nợ lên tới hơn 1 triệu tỷ đồng, chiếm ~87% tổng dư nợ của Vietcombank.
Vietcombank cũng tiên phong thực hiện chính sách miễn toàn bộ phí quản lý và phí chuyển tiền trên kênh ngân hàng số Digibank, giúp hàng chục triệu KHCN tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng phí giao dịch mỗi năm, qua đó góp phần tích cực thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ.
Tích cực thực hiện Chương trình chuyển đổi số với nhiều sản phẩm dịch vụ ngân hàng đột phá, đẩy mạnh dịch chuyển khách hàng lên kênh số, giúp khách hàng thuận tiện trong giao dịch, tiết kiệm chi phí.
Vietcombank đang nghiên cứu số hóa toàn bộ quy trình cho vay KHCN nhỏ lẻ để rút giảm đáng kể thời gian xét duyệt và thẩm định cho vay, tạo điều kiện cho khách hàng có thể tiếp cận nhanh chóng, thuận lợi nhất với nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Trong thời gian tới đây, Vietcombank sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ và NHNN về việc đơn giản hoá và số hoá quy trình cho vay, tiếp tục tiết giảm chi phí để hạ lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất và đầu tư.