Cụ thể, SeABank sẽ phát hành riêng lẻ thêm tối đa 94,6 triệu cổ phiếu, tương đương 4,6366% lượng cổ phiếu SSB đang lưu hành để chào bán cho 1 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, dự kiến là quỹ Norfund (The Norwegian Investment Fund for developing countries - Quỹ đầu tư Na Uy cho các nước đang phát triển).
Giá chào bán không thấp hơn giá trị sổ sách tại báo cáo tài chính riêng lẻ năm 2022 đã kiểm toán là 12.861 đồng/cp. Giá chào bán cao nhất dự kiến là 37.032 đồng/cp (là mức giá tính bằng 120% trung bình giá đóng cửa cổ phiếu SSB trong 30 phiên giao dịch gần nhất tính đến ngày 13/6/2023). Giá chào bán cụ thể do HĐQT quyết định phụ thuộc vào quá trình đàm phán, thỏa thuận với nhà đầu tư. Như vậy, thương vụ này sẽ đem về cho SeABank tối thiểu 1.217 tỷ đồng và tối đa là 3.503 tỷ đồng.
Trong khi đó, đóng cửa ngày 4/7, giá cổ phiếu SSB ở mức 27.100 đồng/cp, cao hơn nhiều so với mức giá tối thiểu mà SeaBank dự định chào bán. Ước tính theo mức giá này, việc phát hành 94,6 triệu cổ phiếu SSB của SeABank có thể giúp ngân hàng thu về 2.563 tỷ đồng.
Với số tiền thu được ngân hàng cho biết sẽ dùng để bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh và đầu tư cơ sở vật chất, phát triển hệ thống công nghệ thông tin, mở rộng mạng lưới.
Thời gian thực hiện việc chào bán riêng lẻ trong năm 2023 hoặc thời điểm khác do Hội đồng quản trị quyết định trên cơ sở điều kiện thị trường phù hợp.
Bên cạnh đó, SeABank cho biết, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại ngân hàng đang là 0,1885% trong khi tỷ lệ sở hữu tối đa của khối ngoại là 5%. Do đó, để đảm bảo việc chào bán cổ phiếu đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa, SeABank sẽ thực hiện khóa room ngoại ở mức 1,2877% và/hoặc các thủ tục khác để đảm bảo tỷ lệ sở hữu nước ngoài không vượt quá mức quy định.