Sau 4 năm sinh viên vừa làm thêm vừa ki cóp, ra trường tôi có 190 triệu tiền tiết kiệm: Các tân sinh viên đừng nghĩ rằng "tiết kiệm" là cuộc chơi của những người đã đi làm!

Ngọc Linh | 16:28 08/07/2024

Học cách tiết kiệm và quản lý chi tiêu từ sớm là yếu tố có tác động không nhỏ tới cuộc sống hiện tại của Thu Thảo.

Sau 4 năm sinh viên vừa làm thêm vừa ki cóp, ra trường tôi có 190 triệu tiền tiết kiệm: Các tân sinh viên đừng nghĩ rằng "tiết kiệm" là cuộc chơi của những người đã đi làm!

Tính đến nay, Thu Thảo (sinh năm 1996) đã tốt nghiệp Đại học được gần 7 năm. Nhìn lại những năm tháng trên giảng đường Đại học, Thu Thảo cho biết yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất tới cuộc sống của cô lúc này hoàn toàn không phải tấm bằng Cử nhân, mà chính là mục tiêu kiếm tiền, tiết kiệm và thói quen quản lý chi tiêu ngay từ khi mới chân ướt chân ráo từ quê, ra Hà Nội nhập học.

Đi làm thêm được bao nhiêu tiền đều… tiết kiệm cho bằng hết

Xuất thân là học sinh chuyên tiếng Trung, nên từ năm nhất Đại học, Thu Thảo đã đi làm thêm. Hành trình tiết kiệm của Thảo cũng bắt đầu từ đó.

"Mình học chuyên tiếng Trung từ hồi cấp 3. Ban đầu mình cũng không định học tiếp tiếng Trung khi lên Đại học, nhưng vì hồi đó không đủ điểm đỗ nguyện vọng 1, nên đành phải tiếp tục học Ngôn ngữ Trung thêm 4 năm nữa. Lúc ấy cũng chán lắm, nhưng giờ nghĩ lại mới thấy việc này giúp mình kiếm được tiền từ sớm" - Thu Thảo chia sẻ.

untitled-design-2024-07-08t162418.934(1).png
Ảnh minh họa

Vì khả năng đọc hiểu khá tốt nên từ giữa năm nhất Đại học, Thảo đã tìm được công việc biên dịch cho một công ty xuất khẩu lao động với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Tới năm 2, sau khi trau dồi thêm kỹ năng giao tiếp, Thảo bắt đầu xin được công việc phiên dịch viên cho các tour thăm quan của các công ty du lịch ở Hà Nội.

"Từ năm 2 Đại học, trung bình 1 tháng mình đã kiếm được 6-7 triệu rồi. Hồi đó (những năm 2015-2016, tiếng Trung vẫn chưa hot như bây giờ nên chuyện tìm việc làm thêm cũng không quá khó khăn, chưa kể mình cũng may mắn, cứ làm cho người này một thời gian thì họ lại giới thiệu cho mình thêm các việc khác".

Dù ham kiếm tiền, thi thoảng cũng cúp học đi phiên dịch nhưng Thảo chưa từng phải học lại 1 môn nào, thậm chí có kỳ còn được học bổng nên vấn đề học phí cũng không phải áp lực tài chính quá lớn, bố mẹ vẫn lo được cho cô. Ngoài tiền học phí, mỗi tháng, bố mẹ cũng chi viện cho Thảo khoản tiền 3 triệu đồng để chi tiêu cá nhân.

"Mình ở KTX suốt 4 năm Đại học, chi phí sinh hoạt, ăn uống, xăng xe hồi ấy chỉ hết khoảng 2,5-2,7 triệu đồng/tháng. Tiền bố mẹ cho thôi cũng đủ trang trải rồi, thậm chí có tháng còn dư, nên tiền làm thêm là mình tiết kiệm hết. Mình cứ để trong tài khoản, bao giờ đủ 20 triệu thì mình ra ngân hàng làm sổ tiết kiệm 1 lần. Hồi đó còn chưa có tiết kiệm online như bây giờ. Đến lúc tốt nghiệp Đại học, mình tự mua được xe máy và vẫn còn 8 sổ tiết kiệm, mỗi sổ 20 triệu, tính cả tiền lãi thì được hơn 190 triệu 1 chút" - Thảo chia sẻ.

Lời khuyên, bài học “xương máu” dành cho tân sinh viên

Bản thân tốt nghiệp Đại học và đi làm được gần 2 năm thì em gái của Thu Thảo cũng vào Đại học. Có gần 200 triệu phòng thân, cộng thêm nguồn thu nhập khá ổn do làm nhiều việc một lúc, Thảo chủ động nhận trách nhiệm nuôi em học Đại học. Bố mẹ chỉ hỗ trợ một phần tiền học phí của em, còn lại, Thảo sẽ lo hết.

2cb88b2ee32d3da18722cf007ca81289.jpg
Ảnh minh họa

“Mình thấy vui vì có thể tự lo cho bản thân và hỗ trợ bố mẹ nuôi em ăn học. Nếu hồi còn học Đại học, mình không quyết tâm, không cố gắng, chắc giờ mình chẳng làm được thế đâu” - Thu Thảo chia sẻ.

Sự “quyết tâm, cố gắng” mà Thu Thảo đề cập không chỉ đơn thuần nằm ở việc tiết kiệm, mà còn là 3 mục tiêu rất rõ ràng khác. Đây cũng chính là lời khuyên, là bài học “xương máu” mà Thảo thấy vô cùng hữu ích.

1 - Có tiền thì học thêm ngoại ngữ chứ đừng chỉ chăm chăm nghĩ đến việc ăn chơi

Ngoài tấm bằng cử nhân tiếng Trung, Thảo còn có bằng Ielts 6.5 khi tốt nghiệp Đại học. Thảo dùng tiền đi làm thêm hồi sinh viên để đăng ký học ôn thi Ielts và nộp lệ phí thi lấy chứng chỉ này.

“Có 2 ngoại ngữ là lợi thế cực mạnh khi đi xin việc full-time. Ngoài ra việc có thể đọc hiểu, thông thạo biên dịch tiếng Trung và tiếng Anh cũng giúp mình tìm được 2 công việc freelance với mức lương tốt hơn hẳn mặt bằng chung. Muốn có thu nhập tốt, mình nghĩ không có cách nào khác ngoài việc đầu tư học hỏi từ sớm. Chứ đợi đến lúc ra trường mới đi học thêm ngôn ngữ mới thì cũng là hơi muộn so với người khác rồi” - Thu Thảo chia sẻ.

2 - Bây giờ chịu khổ, sau này sẽ sướng!

Xây dựng thói quen tiết kiệm chưa bao giờ là việc đơn giản, dù ở bất kỳ độ tuổi nào đi chăng nữa. 10 năm trước khi tự kiếm được những đồng tiền đầu tiên và ép mình duy trì thói quen tiết kiệm, Thu Thảo cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

3d4459f091d3483a270753e07eefb4b3.jpg
Ảnh minh họa

“Mình cũng muốn mua quần áo, giày dép rồi đồ trang điểm, đồ dưỡng da chứ. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại xong vẫn thôi, không mua sắm mấy thứ đó. Suốt cả 4 năm đại học, mình chỉ có đúng 2 thỏi son, mua 4 đôi giày, 6 bộ quần áo. Không có đồ trang điểm, đồ dưỡng da cũng chỉ dùng hàng bình dân. Động lực tiết kiệm của mình khi ấy là để dành tiền đi học, đi thi Ielts. Lấy được bằng Ielts rồi thì lại có mục tiêu tiếp theo là mua xe máy. 

Người ta bảo khổ trước sướng sau là đúng thật đấy” - Thu Thảo khẳng định.

3 - Phải tiết kiệm được từ khi còn là sinh viên, thì đến lúc đi làm mới không dính bẫy “lạm phát lối sống”

Thu Thảo của hiện tại đương nhiên đã không còn ở KTX nữa. Cô đang thuê trọ cùng em gái. Đây chính là thay đổi lớn nhất của Thu Thảo so với thời sinh viên. Còn lại, mức chi tiêu cũng không chênh lệch là bao, luôn chi tiêu tối thiểu, tiết kiệm tối đa.

Để làm được việc này, Thu Thảo cho biết bản thân chẳng có bí quyết gì cao siêu, cũng không cần nỗ lực quá nhiều.

“Mình tiết kiệm từ hồi còn là sinh viên năm nhất mà, nên thói quen tiết kiệm nó cũng ngấm vào máu rồi. Đến lúc đi làm, thu nhập cao hơn thì mình chỉ đầu tư cho mua máy tính bảng và  laptop - 2 công cụ giúp mình tối ưu thời gian lẫn năng suất làm việc. Những khoản khác như mua sắm quần áo, đồ dùng cá nhân vẫn ít lắm”.

Thu Thảo chia sẻ và khẳng định nếu thời sinh viên không tiết kiệm được, khả năng cao lúc đi làm, khi thu nhập đã dư dả hơn, người ta dễ dính bẫy “lạm phát lối sống”, hiểu nôm na chính là kiếm bao nhiêu, tiêu từng ấy; lương cao hay thấp đều không thể tiết kiệm.


(0) Bình luận
Sau 4 năm sinh viên vừa làm thêm vừa ki cóp, ra trường tôi có 190 triệu tiền tiết kiệm: Các tân sinh viên đừng nghĩ rằng "tiết kiệm" là cuộc chơi của những người đã đi làm!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO