Câu chuyện khởi nghiệp của Ryan Bartlett được đăng tải trên CNBC đang nhận không ít sự chú ý, quan tâm từ nhiều người. Dù trước đó chưa từng kinh doanh, Ryan Bartlett vẫn quyết tâm làm giàu bằng lĩnh vực thời trang. Hiện tại, anh ấy đã thành công.
Doanh thu gấp 8 lần vốn bỏ ra chỉ sau 1 tháng khởi nghiệp
Bartlett được biết đến là 1 nghệ sĩ piano. Sau này anh gắn bó với lĩnh vực tiếp thị kỹ thuật số nhưng vẫn không thực sự suôn sẻ. Một lần, Bartlett nảy ra ý định kinh doanh khi nhận thấy những điểm chưa hài lòng ở chiếc áo sơ mi mình đang mặc. Anh luôn cảm thấy khó chịu vì chiếc áo không mấy vừa vặn với cơ thể và thường bị nhăn, co giãn sau 1 thời gian ngắn sử dụng.
Khi bắt đầu công việc kinh doanh của mình, Barlett đã rủ thêm 2 người bạn cùng góp vốn làm ăn. Nick Ventura và Matthew Winnick chính là cộng sự của Bartlett nhiều năm nay. Họ giúp anh rất nhiều trong việc xây dựng thương hiệu thời trang riêng và dần thành công trên "thương trường".
Cộng sự của Bartlett đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực thời trang, vì vậy họ trở thành 1 nhóm có chung chí hướng và mục tiêu. Năm 2019, họ quyết định bỏ ra 3.000 USD (khoảng 71 triệu đồng) để đặt mua mẫu áo phông đầu tiên, ra mắt thương hiệu quần áo nam True Classic.
Những chiếc áo từ hãng True Classic có nhiều màu sắc, mẫu mã và đủ size từ nhỏ đến lớn sớm gây ấn tượng với người dùng. Bartlett còn mở rộng kinh doanh sang cả áo polo, áo hoodie, quần thể thao, quần short... và các trang phục khác của phái mạnh. Nhờ định hướng giá cả hợp lý, phù hợp với túi tiền của nhiều người mà True Classic bước đầu được nhiều khách hàng tìm đến.
Bartlett cho biết công ty đã mang lại doanh thu hơn 26.000 USD (gấp hơn 8 lần vốn bỏ ra) chỉ trong tháng đầu tiên hoạt động.
Chiến lược “bỏ hết trứng vào 1 giỏ”
Dù không có kinh nghiệm kinh doanh từ trước nhưng Bartlett vẫn nắm chắc mấu chốt để quảng bá hiệu quả. CEO của True Classic cho biết: “Tôi xác định mình sẽ đặt tất cả trứng của mình vào giỏ Facebook”. Anh bắt đầu với số tiền 100 USD mỗi ngày cho các quảng cáo trên Facebook và đặt mục tiêu bỏ ra 100 USD để thu về 200 USD, 400 USD... mỗi ngày.
Dù không gian và hiệu suất tiếp thị đã trở nên khó khăn trong những năm qua nhưng Bartlett vẫn tin rằng Facebook là một kênh tuyệt vời để phát triển. Số tiền mà công ty Bartlett bỏ ra để tiếp thị trên Facebook chiếm tới 70% tổng chi phí tiếp thị.
Anh cho rằng kênh này luôn tìm ra những đối tượng khách hàng phù hợp với công ty. Vì thế anh vẫn quyết định “bỏ hết trứng vào 1 giỏ”, không thay đổi kênh tiếp thị.
Suýt thua lỗ chỉ vì quá tự tin
Thành lập năm 2019, True Classic luôn mang về doanh thu ổn định và có sự tăng trưởng ấn tượng. Tuy nhiên, chỉ vì 1 sai lầm của Bartlett cùng các cộng sự mà suýt chút nữa công ty này rơi vào ngõ cụt.
Vào năm 2021, Bartlett nhập về quá nhiều hàng mới. Anh đã đánh giá quá cao số lượng hàng mà doanh nghiệp có thể bán nên nhập về số lượng lớn sản phẩm. CEO này bỏ ra 40 triệu USD để nhập hàng mới trong khi sức bán không tương đồng với con số ấy. Anh khẳng định sai lầm này suýt khiến True Classic ngừng hoạt động.
Sau đó, CEO True Classic cùng 2 cộng sự mất tới hơn 1 năm để khắc phục sai lầm của mình. Đó là khoảng thời gian khủng hoảng đáng sợ mà họ phải trải qua. Bartlett xác định sẵn doanh thu sẽ giảm mạnh, phải vay tiền từ 1 nhà tài trợ để thanh toán cho các nhà cung cấp. Khi tình hình ổn hơn đôi chút, họ tìm mọi cách để quảng bá thêm và thúc đẩy hành vi mua của khách hàng.
Sau nhiều nỗ lực, công ty của Bartlett cũng vực dậy khỏi những khó khăn. Tuy nhiên đây vẫn luôn là bài học mà Bartlett nhớ mãi và chắc chắn sẽ không tiếp tục phạm sai lầm.
Theo CNBC