Mới đây, trong một cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức quản lý tài chính cá nhân, một cô bạn mới đi làm khoảng 2 năm đã có những tâm sự được nhiều người đồng cảm
Cụ thể, cô bạn này thắc mắc với thời gian đi làm ít ỏi như vậy, thì việc không có 100 triệu tiết kiệm có phải là đang "tuột" lại hay không? Sở dĩ cô có suy nghĩ này vì khi mẹ cần mượn 100 triệu nhưng cô không có, mẹ đã bật ra lời nói: "Đi làm mấy năm mà không dư nổi 100 triệu". Câu nói này khiến cô bạn mất tự tin và hoài nghi vào năng lực bản thân.
Trong phần bình luận của bài đăng, phần lớn mọi người đều khuyên cô nàng rằng người mới đi làm mà không để dành được 100 triệu là chuyện bình thường. Thất bại hay thành công của ai đó không nên được định nghĩa chỉ bởi số năm kinh nghiệm hay số dư trong tài khoản.
Một số bình luận bên dưới bài đăng:
- Mình đi làm 5 năm còn không dư được 100 triệu này bạn ơi. Nhưng quan trọng là mình có công việc ổn định là được rồi, số dư tài khoản lớn hay nhỏ có quan trọng gì đâu.
- Tới giờ 32 tuổi tui còn chưa có được cái sổ tiết kiệm 100 triệu.
- Sinh viên mới ra trường được 2 năm thì làm gì có nhiều tiền, bố mẹ không phải nuôi nữa là tốt rồi. Nếu con cái tiết kiệm được vài chục triệu đã là mừng lắm. Bởi vì nó phải đầu tư cho bản thân nữa. Đấy là mình nghĩ như vậy.
- Đi làm 2 năm có bao nhiêu mới ổn? Câu hỏi này không ai trả lời được, vì mỗi cá nhân có suy nghĩ về việc có 1 khoản ổn là khác nhau. Người thì nghĩ sau 2 năm có 100 triệu là ổn, người thì 5 triệu là ổn, người thì 1 tỷ là ổn, người như chị thì sau 2 năm mà vẫn tự nuôi thân, không ăn bám gia đình, không đợi gia đình chu cấp ngược là ổn.
Rồi tùy công việc, người thì có công việc với mặt bằng lương chung cao, người thì công việc với mặt bằng chung lương thấp. Mà trong khi vật giá chi tiêu thì lại như nhau cho cả người thu nhập cao và thấp. Vậy thì nếu có mức lương thấp thì sao để dành được nhiều sau 2 năm?
Nghe mẹ nói vậy áp lực cũng được, nhưng áp lực để cố gắng, chứ đừng áp lực rồi stress, trầm cảm là được.
- 2 năm mới chập chững tự ra đời. Làm đủ nuôi thân, dư ra tí là may lắm rồi bạn. Mẹ bạn nói câu đúng buồn cười.
Làm sao để tiết kiệm 100 triệu sau vài năm đi làm?
Có nền tảng tài chính vững chắc khi còn trẻ có lẽ là mục tiêu của rất nhiều người. Cũng vì thế, nhiều bạn đặt cột mốc có 100 triệu tiết kiệm càng sớm càng tốt sau khi vừa ra trường. Tất nhiên, nếu không hoàn thành mục tiêu này đúng kế hoạch sẽ không phản ánh bạn là người thất bại hay tương lai về sau không dư dả tài chính.
Thế nhưng, với những ai đang nỗ lực trên hành trình đạt được 100 triệu đầu tiên, lời chia sẻ của những người trẻ dưới đây là dành cho bạn.
Thu Trà (23 tuổi, Hà Nội) có khoản tiết kiệm dao động trong khoảng 80 - 100 triệu đồng. Thu Trà chia sẻ rằng bản thân đã có thói quen tiết kiệm từ thời đại học. Tuy nhiên, do sống cùng gia đình và lịch học khá dày đặc nên đến năm 3 cô bạn mới bắt đầu đi làm và có thể dành dụm nhiều hơn. Tính đến nay, cô đã đi làm được khoảng 2 năm.
Từ thời sinh viên, mỗi tháng cô tiết kiệm cỡ 1-2 triệu, đủ để đi du lịch 1-2 lần/năm. Sau khi đi làm chính thức một thời gian, tổng số tiền tiết kiệm được sau khi trừ đi những khoản đầu tư lớn như điện thoại, máy tính dao động khoảng 80-100 triệu đồng.
Thu Trà chia sẻ: "Do sống với bố mẹ, mình cũng đỡ phần nào chi phí chẳng hạn nhà cửa hay ăn uống. Có những tháng mình tiết kiệm được 50-70% lương thực nhận. Mình tiết kiệm từ khi bắt đầu có thu nhập, dù là thu nhập nhiều hay ít, mình vẫn luôn cố gắng để ra 1 khoản vào quỹ tích trữ cá nhân".
Một trường hợp khác, Phúc Minh (27 tuổi) đã có khoản tiết kiệm 100 triệu đầu tiên vào sinh nhật lần thứ 24. Cậu bạn đã từng rơi vào trạng thái khủng hoảng tài chính ở tuổi 22 do yếu kém trong quản lý chi tiêu cùng thất bại trong kinh doanh. Mất 1 năm vượt qua giai đoạn này, Phúc Minh dần dần tích góp hiệu quả hơn cũng như hiểu được giá trị của việc tích lũy tiền bạc thông minh.
Có số tiền tích lũy lên đến trăm triệu trước năm 25 tuổi không phải là điều dễ dàng. Với Phúc Minh, có 2 điều vô cùng quan trọng để tích lũy tiền đó là:“Xây dựng kế hoạch tài chính cá nhân ngắn hạn/dài hạn” và “Ghi chép tỉ mỉ hàng ngày những khoản thu/chi cá nhân”.
Lập kế hoạch tài chính cá nhân là bước khởi đầu không thể thiếu giúp bản thân tránh rơi vào việc chi tiêu mất kiểm soát và không bị “cháy ví” mỗi khi cuối tháng.
Về khoản chi tiêu và tiết kiệm, Phúc Minh sẽ áp dụng công thức: Số dư = Tổng thu nhập - (khoản tiết kiệm cho các mục tiêu trong tương lai gần) - (khoản chi cố định hàng tháng) - (khoản dự trù cho các việc phát sinh). Số dư chính là khoản để phục vụ nhu cầu giải trí, hưởng thụ và cả tiết kiệm.
Đối với Phúc Minh, cậu bạn sẽ ưu tiên 80% số dư vào việc tiết kiệm. 20% còn lại để “tự thưởng” bản thân, chẳng hạn xem phim, liên hoan với bạn bè, mua sắm quần áo, mua sách.
Được biết, thu nhập trung bình năm 23 tuổi của Phúc Minh là 20 triệu/tháng. Số dư hàng tháng là 10 triệu. Trong khoản này, cậu trích riêng 8-9 triệu để tiết kiệm. Cứ như thế, sau 1 năm Phúc Minh đã tiết kiệm được 100 triệu cho bản thân. Để thực hiện đúng theo kế hoạch tài chính đã đề ra, cậu bạn còn sử dụng phần mềm quản lý chi tiêu để theo dõi thu chi của mình.
Theo kinh nghiệm của bản thân, cậu bạn không cho rằng tiết kiệm được nhiều tiền hoàn toàn dựa vào mức thu nhập cao, mà phụ thuộc vào cách tích lũy của mỗi người.
"Mình đã từng thấy nhiều người thu nhập 10 triệu/tháng nhưng vẫn có thể tiết kiệm được 5 triệu/tháng. Cũng có những người thu nhập gấp 5 lần nhưng chẳng tích lũy được đồng nào. Do vậy, theo mình, để tiết kiệm mỗi người phải luôn có sự kỷ luật, tuân theo kế hoạch tài chính đã đề ra. Cắt giảm những khoản chi không cần thiết và đặt việc tiết kiệm lên hàng đầu, thay vì chỉ tập trung giải trí và thỏa mãn bản thân", cậu bạn bày tỏ.