Quy hoạch điện VIII: Lời giải cho phát triển năng lượng tái tạo?

Dương Trang | 10:45 17/05/2023

Quy hoạch điện VIII không chỉ đem tới kỳ vọng về phát triển năng lượng tái tạo tới năm 2050 mà trước mắt là gỡ khó cho các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp, để tránh lãng phí hàng nghìn MW.

Quy hoạch điện VIII: Lời giải cho phát triển năng lượng tái tạo?
Quy hoạch điện VIII được kỳ vọng gỡ khó cho bài toán phát triển năng lượng tái tạo.

Hồi tháng 3/2023, 36 nhà đầu tư điện sạch đã cùng ký văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về những bất cập trong cơ chế giá phát điện với điện gió, điện mặt trời làm cho 34 nhà máy điện, với tổng công suất phát điện 2.090,97 MW, đã đầu tư xong nhưng không thể bán điện cho EVN.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cho biết trong những năm qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19, có 84 dự án điện tái tạo với công suất khoảng 4.676,62 MW đã bị chậm tiến độ vận hành thương mại so với kế hoạch (các dự án chuyển tiếp).

Dù Chính phủ đã vào cuộc song tiến độ đàm phán vẫn rất chậm và 85.000 tỷ đồng đầu tư các dự án điện mặt trời, điện gió vẫn đang nằm “đắp chiếu” chờ cơ chế.

Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, hiện có 85 dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp. Thời gian qua, EVN đã chỉ đạo Công ty Mua bán điện thuộc EVN mời chủ đầu tư tới trao đổi triển khai Quyết định 21, Thông tư 15 liên quan tới khung giá.

Đến nay, có 31 chủ đầu tư dự án làm việc với Công ty Mua bán điện, trong đó có 15 dự án thống nhất với công ty về cơ chế giá, 11 dự án chưa đủ hồ sơ, 5 dự án mới tiếp nhận.

Ngay sau khi Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TS. Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Năng lượng và Phát triển xanh, chỉ ra thách thức lớn nhất để thực hiện là làm sao vừa đảm bảo các cam kết của Việt Nam với quốc tế về giảm phát thải điện, giảm khí nhà kính... trong khi vẫn phải đảm bảo an sinh xã hội, an ninh năng lượng, đặc biệt là điều chỉnh chi phí liên quan cung ứng điện năng sao cho phù hợp tình hình quốc tế và khả năng chi trả của người dân.

Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật năng lượng giai đoạn 2016 – 2021 mới đây cũng cho thấy một con số đáng chú ý là phát triển nguồn năng lượng tái tạo vượt mức 480%. Sự phát triển nhanh của các nguồn năng lượng tái tạo trong thời gian đầu đã hỗ trợ bổ sung thêm nguồn cung cho hệ thống, góp phần giảm nguy cơ thiếu điện trong các năm 2018 – 2019, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia…

Bên cạnh những tác động tích cực khi phát triển năng lượng tái tạo, Chính phủ cũng chỉ ra khi tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo trong hệ thống ở mức cao và chưa có chính sách để phát triển đồng bộ các loại hình nguồn điện cung cấp dịch vụ phụ trợ, đã có một số ảnh hưởng nhất định đến công tác vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện quốc gia.

Phát triển năng lượng tái tạo là chìa khoá chuyển đổi năng lượng và thực hiện mục tiêu trung hoà khí nhà kính vào năm 2050. Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) đánh giá, ba yếu tố ảnh hưởng quyết định một dự án năng lượng gồm: vốn, cơ chế chính sách và chỉ đạo từ trung ương tới địa phương, các nhà đầu tư, nhà thầu.

Đồng thời nhấn mạnh năng lượng tái tạo tới đây vẫn là chìa khoá chuyển đổi năng lượng, thực hiện mục tiêu phát thải ròng về 0 vào 2050. Do đó, việc phát triển cần có chọn lọc hơn loại năng lượng này. Một trong số giải pháp Chủ tịch VEA đề cập là, cơ quan quản lý nhà nước cần sớm ban hành cơ chế đấu thầu để chọn nhà đầu tư và "tránh năng lượng tái tạo phát triển ồ ạt như vừa qua".

Về giá mua điện, GS. Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam cho rằng, đây là yếu tố quan trọng quyết định các nhà đầu tư rót vốn vào điện mặt trời, điện gió. Nếu giá điện đảm bảo lợi nhuận hợp lý thì họ đầu tư, còn đầu tư không có lời thì khó thu hút vốn tư nhân.

“Về giá bán điện, nếu đã nói kinh tế thị trường thì EVN phải tính toán đầy đủ yếu tố đầu vào từ đó tạo ra giá phát điện, truyền tải, phân phối, dịch vụ phụ trợ bao nhiêu. Nếu tính đủ mà cần thiết thấy rằng phải tăng giá thì Nhà nước cũng cần xem xét để điều chỉnh. Ngược lại, nếu chi phí đầu vào giảm, điều kiện thời tiết thuận lợi, thủy điện, năng lượng tái tạo phát được nhiều điện, thì giá điện cũng cần được điều chỉnh giảm”, GS. Trần Đình Long nói.


(0) Bình luận
Quy hoạch điện VIII: Lời giải cho phát triển năng lượng tái tạo?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO