Với mục đích vực dậy nền kinh tế sau khi giành độc lập năm 1965, mức thâm hụt ngân sách của Singapore lên tới khoảng 14 triệu SGD. Với một nền kinh tế kém phát triển và phần lớn cơ sở hạ tầng đang xuống cấp, hoạt động đầu tư là cực kỳ cấp bách đối với quốc đảo này. Khi đó, nhiều người cho rằng Singapore sẽ không thể tồn tại với tư cách là quốc gia độc lập trong vài năm.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo thời kỳ đầu của Singapore không muốn chấp nhận tương lai u tối đó, họ quyết định Singapore phải vượt qua khó khăn để tồn tại, bắt đầu nhiệm vụ cải cách nền kinh tế. Với một loạt chính sách kinh tế mới, năm 1969, tài sản của Singapore đã tăng lên 3,3 tỷ SGD và nền kinh tế phát triển với tốc độ nhanh nhất Đông Nam Á.
Nhận thấy nhu cầu quản lý tài sản công đang tăng lên, chính phủ Singapore đã quyết định thúc đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp quốc doanh. Do đó, Temasek Holdings đã “ra đời” vào năm 1974, được sáng lập bởi Phó Thủ tướng Singapore lúc bấy giờ là ông Goh Keng Swee.
Ở thời điểm đó, Temasek kiểm soát gần như hoàn toàn các khoản đầu tư ban đầu vào các GLC, cùng các ngành mũi nhọn trong nước như vận tải biển, tiện ích công hay viễn thông. Song, điểm khác của Temasek với các quỹ đầu tư quốc gia thông thường là họ quản lý danh mục đầu tư, đầu tư vốn của cổ đông và gọi vốn để mở rộng quy mô.
Trong thời kỳ đầu, lợi nhuận của Temasek chủ yếu đến từ việc tư nhân hoá tài sản mà họ sở hữu. Là cổ đông chi phối của các GLC trong nước, quỹ đã đầu tư mạnh vào 35 khoản đầu tư ban đầu cho các doanh nghiệp có tầm quan trọng chiến lược của Singapore. Họ chỉ giữ lại các khoản đầu tư quan trọng về mặt chiến lược, còn các khoản đầu tư bên ngoài được bán ra hầu như là của các startup.
Năm 1980, Temasek đã “bắt tay” vào một loạt các đợt thoái vốn và thực hiện các đợt IPO cho những doanh nghiệp trong danh mục. Một trong những doanh nghiệp đáng chú ý đó là Singapore Airlines và Singtel.
Không lâu sau đó, Temasek chính thức bước chân ra khỏi biên giới để đầu tư vào thị trường châu Á. Trong những năm qua, tập đoàn tiếp tục phát triển danh mục đầu tư và tận dụng cơ hội đầu tư không chỉ ở châu Á mà còn những khu vực xa hơn.
Theo số liệu trên trang web của Temasek, quỹ hiện đang quản lý danh mục đầu tư có giá trị khoảng 382 tỷ SGD, tăng 167 tỷ SGD trong thập kỷ qua, tính đến ngày 31/3. Tài sản ở Singapore chiếm tỷ trọng 28% trong danh mục, khu vực châu Á chiếm 35% và các khu vực còn lại trên thế giới là 37%.
Quỹ đầu tư của Singapore “đổ tiền” vào rất nhiều lĩnh vực, từ viễn thông, công nghệ, khoa học cho đến dịch vụ tài chính, bất động sản, năng lượng… Vận tải và công nghiệp (bao gồm cả năng lượng) là mảng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục của Temasek, được phân bổ với tỷ lệ 23%.
Tháng trước, Temasek công bố tổng lợi nhuận của cổ đông (TSR) trong năm tài khoá kết thúc ngày 31/3 là -5,07%. Các công ty Singapore trong danh mục đầu tư của Temasek vẫn có kết quả hoạt động khả quan dù thị trường vĩ mô có nhiều biến động.
Song, các khoản đầu tư trực tiếp toàn cầu của Temasek đã lại gặp khó khăn, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, chăm sóc sức khỏe và thanh toán, do định giá giảm trong môi trường lãi suất cao hơn.
Nhìn chung, danh mục đầu tư của Temasek vẫn đang tiếp tục phục hồi từ mức thấp nhất trong thời kỳ đại dịch, với TSR trong 3 năm là 8%. TSR của Temasek kể từ khi thành lập vào năm 1974 vẫn duy trì ở mức cao 14%, trong khi TSR trong 20 năm và 10 năm là 9% và 6%.
Temasek đã công bố kế hoạch mở văn phòng mới ở Paris để tiếp cận nhiều hơn với các cơ hội đầu tư trên thế giới. Cùng với các văn phòng ở London và Brussels, văn phòng mới của Temasek ở Paris sẽ củng cố mạng lưới toàn cầu của Temasek và phát triển đội ngũ nhân tài tại châu Âu.
Trong khi đó, châu Á và Đông Nam Á nói riêng cũng là một “điểm đến” đầy tiềm năng đối với quỹ đầu tư của Singapore. Đầu năm nay, Temasek đã mua lại 41% cổ phần của chuỗi bệnh viện ở Ấn Độ là Manipal Health Enterprises.
Kể từ năm 2007, Temasek tiếp cận nhiều hơn với thị trường Việt Nam khi mua 10% cổ phần của Tập đoàn Thuỷ Hải sản Minh Phú. Khoản đầu tư nhận được nhiều sự chú ý khác được thực hiện vào tháng 6/2020, do quỹ KKR của Mỹ đứng đầu, với giao dịch mua hơn 200 triệu cổ phiếu VHM của Vinhomes.
Ngoài ra, Temasek cũng đầu tư vào một loạt các doanh nghiệp Việt khác, bao gồm VNG thông qua Seletar Investments, rót vốn cho công ty mẹ của Công ty Cổ phần Dịch vụ Giao hàng nhanh. (GHN) và Công ty Cổ phần Dịch vụ tức thời (Ahamove). Tại Việt Nam, Temasek tính đến năm 2021 đã giải ngân trực tiếp hơn 1 tỷ USD.
Tổng hợp