Trung Quốc đẩy mạnh giải cứu bất động sản
Tuần qua, Chính phủ Trung Quốc đã tuyên bố sẽ chấm dứt lệnh cấm huy động vốn từ phát hành cổ phần đối với các nhà phát triển bất động sản để cứu vãn tình trạng suy thoái của ngành này.
Theo Bloomberg, đây là một trong 5 biện pháp mới nhất mà Chính phủ Trung Quốc đưa ra để thúc đẩy ngành bất động sản. Qua việc phát hành thêm cổ phần, các công ty địa ốc sẽ có cơ hội để thu hút thêm vốn và trả nợ.
Thông qua biện pháp này, các công ty địa ốc có thể phát hành cổ phiếu để tăng vốn và mua lại tài sản bất động sản - điều đã bị hạn chế kể từ năm 2015. Các quan chức Trung Quốc cũng đang cân nhắc thêm về việc cho phép các công ty lựa chọn niêm yết cổ phiếu riêng sau khi sáp nhập, với điều kiện cả 2 chủ thể trong thương vụ đều là công ty bất động sản đã niêm yết từ trước đó.
Một điểm đáng chú ý trong quá trình giải cứu thị trường bất động sản của Trung Quốc là chính quyền nước này đang tức tốc tìm cách giúp người dân sớm mua được nhà.
Cụ thể, giới chức tài chính cần hỗ trợ các chính quyền địa phương để đưa ra một mức sàn “hợp lý” về số tiền trả trước và lãi vay thế chấp của người mua nhà. Không chỉ vậy, người mới đến thành phố cũng được tạo điều kiện để sở hữu căn nhà đầu tiên nhờ những chính sách riêng được tối ưu hóa cho đối tượng này.
Bên cạnh đó, các khoản vay thế chấp của người mua nhà cũng được các ngân hàng xem xét gia hạn nếu hợp đồng bị thay đổi, hủy bỏ hoặc người mua đang thất nghiệp vì Covid-19.
Cuối cùng, các quyết định liên quan đến việc hoàn trả tiền mua nhà cho người dân đã được giới chức Trung Quốc đưa ra. Cụ thể, điểm tín dụng của người mua nhà cần được đảm bảo. Đây từng là vấn đề chính dẫn đến làn sóng ngừng trả nợ ngân hàng của người mua nhà ở Trung Quốc vào tháng 7 năm nay.
Dù vậy, nguồn tin từ CNN cho biết các nhà phân tích đánh giá các động thái giải cứu thị trường bất động sản vẫn chưa thể tác động rõ rệt đến niềm tin của người mua nhà. “Thị trường bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi”, các nhà phân tích của Công ty Nomura cho biết trong một báo cáo nghiên cứu ngày 14/11.
Tuy nhiên, ở một góc nhìn tích cực hơn, CNN vẫn cho rằng ngành địa ốc quốc gia này sắp có bước ngoặt mới bởi giới chức Bắc Kinh đã quyết tâm chấm dứt cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản đang đè nặng lên nền kinh tế thứ 2 thế giới.
Tổ công tác của Thủ tướng về bất động sản sẽ tập trung rà soát các phân khúc nhà ở, tập trung nhà ở thương mại và nhà ở xã hội
Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Văn Sinh mới đây đã thông tin về hoạt động của Tổ công tác rà soát tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản. Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho hay thị trường đang đối diện với một số vấn đề, khó khăn vướng mắc liên quan đến thể chế, trong đó khó khăn được nhiều ý kiến phản ánh nhất liên quan đến pháp luật đất đai, về giao đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đấu giá đất, đấu thầu dự án sử dụng đất.
Tiếp đến là những khó khăn, vướng mắc về trình tự thủ tục đầu tư, xây dựng dự án nhà ở, dự án khu đô thị; nguồn lực tài chính của doanh nghiệp, trong đó có vấn đề về nguồn vay tín dụng, vay trái phiếu đến hạn phải trả.
Ngoài ra, khó khăn về triển khai giải quyết thủ tục hành chính, thủ tục phê duyệt dự án đầu tư phát triển nhà ở tại các địa phương cũng là vấn đề nóng cần giải quyết.
Đứng trước các ý kiến, thực trạng trên, Tổ công tác đã xác định thẩm quyền giải quyết từng nhóm vấn đề. Trong đó, các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp như đầu tư dàn trải thì doanh nghiệp phải chủ động xử lý, cơ cấu lại đầu tư.
Ông Sinh cũng cho biết tổ công tác đang bắt đầu triển khai và thời gian đầu sẽ làm việc với 5 thành phố trực thuộc trung ương là Hà Nội, TP. HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, trong các giải pháp Thứ trưởng Bộ Xây dựng đưa ra, giải pháp sắp tới cần tập trung là rà soát các phân khúc thị trường, tập trung vào nhà ở thương mại và nhà ở xã hội. Với các dự án bất động sản đang có mức giá cao, cần giảm giá hợp lý để người dân tiếp tục đầu tư, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Các thông tin đáng chú ý khác
Doanh nghiệp địa ốc mua lại 4.000 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 11
Tính đến ngày 30/11, có 19 doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản đã mua lại trái phiếu trước hạn, chiếm hơn một nửa số doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn trong tháng 11. Tổng giá trị trái phiếu được 19 doanh nghiệp này mua lại trước hạn lên đến hơn 3.960 tỷ đồng.
Công ty Hướng Dương Holdings, Đầu tư LDG, Bất động sản Phát Đạt và Hội An Invest đã mua lại trước hạn toàn bộ giá trị lô trái phiếu đã phát hành trước đó. Trong khi 15 doanh nghiệp còn lại mới chỉ mua lại trước hạn một phần.
Cổ phiếu bất động sản phục hồi mạnh
Dù thị giá vẫn thấp hơn 50-70% so với đầu năm, đà phục hồi mạnh trong nửa sau của tháng 11 đã giúp các nhà đầu tư cổ phiếu bất động sản có tháng giao dịch tích cực nhất từ đầu năm.
Tính đến 1/12, cổ phiếu L14 của CTCP Licogi 14 đã có phiên tăng trần thứ 12 liên tiếp sau chuỗi giảm liên tục kéo dài từ đầu năm. Với đà tăng này, mức giá L14 đã tăng một mạch hơn 209% chỉ sau nửa tháng, trở thành cổ phiếu có mức tăng mạnh nhất thị trường giai đoạn này.
Tương tự L14, mã CEO của Tập đoàn CEO cũng ghi nhận mức tăng gần 160% trong nửa sau của tháng 11, hiện giao dịch ở mức 20.000 đồng/cổ phiếu. Dù vẫn thấp hơn 74% so với giá giao dịch đầu năm, đà phục hồi mạnh trong hai tuần qua đã giúp CEO khép lại tháng 11 với mức tăng gần 42% và là tháng tăng giá đầu tiên sau 10 tháng giảm liên tiếp trước đó.
Tháng 11 khép lại cũng đánh dấu giai đoạn giao dịch tích cực nhất của một loạt nhà đầu tư cổ phiếu bất động sản với mã NLG của CTCP Đầu tư Nam Long với mức tăng hơn 60% so với đáy ghi nhận vào giữa tháng, HQC (Hoàng Quân) tăng gần 90% từ đáy; DIG (DIC Corp), SCR (Sacomreal) tăng 80%; DXG (Tập đoàn Đất Xanh) tăng hơn 70%; KDH (Khang Điền) tăng 55%; CII (Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM) tăng 48%...
Đà phục hồi của các cổ phiếu bất động sản diễn ra trong bối cảnh thị trường chung đi lên sau giai đoạn giảm liên tục từ đầu năm.
Giám đốc môi giới một công ty chứng khoán lớn tại Hà Nội nhận định những phiên tăng trần liên tiếp gần đây của cổ phiếu bất động sản chỉ mang tính chất “trả điểm” sau chuỗi giảm 80-90% từ đầu năm.
VNDirect cũng dự báo ngành bất động sản đang đối mặt với nhiều thách thức như chính sách thắt chặt tín dụng và giám sát chặt chẽ hơn trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Bên cạnh đó, lãi suất tăng ảnh hưởng đến quyết định mua nhà và các nút thắt về pháp lý bất động sản nhà ở khó có cải thiện đáng kể, ít nhất đến khi Luật đất đai sửa đổi hoàn thành trong quý IV/2023.
Trong khi đó, báo cáo mới của Chứng khoán BSC cho rằng sau khi giảm rất mạnh từ đầu năm, bất động sản, ngân hàng, tài nguyên cơ bản, vật liệu xây dựng, cảng biển đang là các nhóm ngành có định giá hấp dẫn so với mức bình quân 5 năm.
Hải Phòng đấu giá khu đất rộng gần 50 ha ở đảo Cát Bà
Thành phố Hải Phòng vừa thông báo tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất thuê và đấu giá tài sản công gắn liền với đất thực hiện dự án Khu du lịch, dịch vụ thương mại Vịnh trung tâm Cát Bà.
Khu đất dự án được đấu giá có tổng diện tích gần 50 ha tại thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải. Giá khởi điểm của dự án là hơn 2.125 tỷ đồng, trong đó, giá khởi điểm quyền sử dụng đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm là hơn 9,3 tỷ đồng.
Ngoài ra, giá khởi điểm quyền sử dụng đất thuê trả tiền thuê đất trả một lần cho cả thời gian thuê đất là hơn 2 tỷ đồng. Giá khởi điểm tài sản gắn liền với đất là hơn 23,8 tỷ đồng.
Dự án có các phân khu chính như khu thương mại, dịch vụ; quảng trường, công viên cây xanh... Chủ đầu tư trúng giá được xây dựng các khối nhà thấp tầng, căn hộ nghỉ dưỡng, khách sạn và các khối nhà cao tối đa 25 tầng có thể phục vụ cho khoảng 6.500 khách lưu trú.
Đà Nẵng chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà ở xã hội 1.737 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng vừa chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà ở xã hội tại khu đất chung cư số 5 thuộc khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng. Dự án dự kiến xây dựng tòa nhà gồm 1 tầng hầm , từ 12-15 tầng nổi với khoảng 1.236 căn hộ chung cư, tổng mức đầu tư dự kiến là 1.737 tỷ đồng.
Bình Định tìm nhà đầu tư cho Dự án khu đô thị và du lịch An Quang vốn 5.228 tỷ đồng
UBND tỉnh Bình Định vừa phê duyệt yêu cầu sơ bộ năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị và du lịch An Quang, tại xã Cát Khánh, huyện Phù Cát. Tỉnh Bình Định yêu cầu vốn chủ sở hữu tối thiểu của nhà đầu tư phải tương đương ít nhất 20% tổng mức đầu tư của dự án đang xét, tức khoảng 1.045 tỷ đồng. Ngoài ra về kinh nghiệm thực hiện dự án, nhà đầu tư phải có kinh nghiệm thực hiện 1 dự án loại 1.
Dự án Khu đô thị và du lịch An Quang, tại xã Cát Khánh, huyện Phù Cát có tổng diện tích gần 90 ha, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 5.228 tỷ đồng.
Hà Nội muốn khởi động dự án vành đai 5 trước năm 2030
Tại Hội nghị triển khai Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Chủ tịch UBND Hà Nội Trần Sỹ Thanh bày tỏ thành phố mong muốn được bộ, ngành, Trung ương quan tâm triển khai dự án về phát triển giao thông, tiếp tục hoàn thiện hệ thống đường kết nối nội vùng và liên vùng theo quy hoạch; hoàn chỉnh các tuyến đường bộ cao tốc hướng tâm và tuyến vành đai.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng cho biết Hà Nội và các tỉnh, thành phố sẽ phấn đấu hoàn thành dự án đường vành đai 4 - vùng thủ đô trước năm 2027 và chuẩn bị đầu tư xây dựng đường vành đai 5 trước năm 2030.