Ngày 5/6/2024, Công ty Cổ phần Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A (PHENIKAA Group) phát đi công bố thông tin bất thường về việc nhận Quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Theo đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A (PHENIKAA Group), có địa chỉ trụ sở chính tại số 167 phố Hoàng Ngân, phường Trung Hoa, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt vi phạm hành chính (tại Quyết định số 232/QĐ-XPHC) do công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, PHENIKAA Group đã công bố thông tin định kỳ các năm 2021, 2022 chưa kịp thời. Theo doanh nghiệp, nguyên nhân vi phạm do thay đổi nhân sự công bố thông tin.
Về tình hình sản xuất kinh doanh, năm 2023, Phenikaa Group ghi nhận lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 611 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ năm 2022.
Cụ thể, mới đây, Công ty CP Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A (Phenikaa Group) công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính năm 2023 với lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 611 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ năm 2022.
Với lợi nhuận sụt giảm mạnh, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) của công ty giảm từ 12,06% năm 2022 xuống 7,08% năm 2023.
Đến cuối năm 2023, vốn chủ sở hữu của công ty ở mức 8.779 tỷ đồng, tăng nhẹ 3,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu cũng tăng nhẹ từ 0,61 lần lên 0,69 lần; tương ứng nợ phải trả tính đến cuối năm 2023 ở mức hơn 6.057 tỷ đồng, trong đó, dư nợ trái phiếu là 904 tỷ đồng, bằng 0,103 lần vốn chủ sở hữu.
Toàn bộ dư nợ trái phiếu của Phenikaa đều phát sinh trong năm 2023, sau khi doanh nghiệp này phát hành hai lô trái phiếu mã PKACH2330001 và PKACH233002 vào ngày 14/12/2023 với tổng giá trị theo mệnh giá là 900 tỷ đồng. Hai lô trái phiếu này cùng có kỳ hạn 7 năm, lãi suất phát hành lần lượt ở mức 6,2%/năm và 5,87%/năm.
Đáng chú ý, trước khi phát hành hai lô trái phiếu nói trên chỉ 1 ngày (ngày 13/12/2023), Phenikaa Group đã mang quyền mua cổ phần, khoản cổ tức, lợi ích, khoản tiền nhận được hoặc sẽ nhận được liên quan tới 28 triệu cổ phần trong Công ty CP Vicostone (mã VCS) thế chấp tại Credit Guarantee and Investment Facility (CGIF) - quỹ ủy thác có liên quan đến Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Vicostone được biết đến là một trong những doanh nghiệp chủ chốt trong "hệ sinh thái" Phenikaa Group do doanh nhân Hồ Xuân Năng sáng lập.
Phenikaa Group được thành lập vào tháng 10/2010, trụ sở hiện đặt tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Thời điểm ban đầu, công ty này có số vốn điều lệ 100 tỷ đồng, thành phần cổ đông sáng lập gồm: Nghiêm Thị Ngọc Diệp (99%), Phạm Hùng (0,5%) và Phạm Thị Thu Hằng (0,5%).
Tháng 2/2017, Phenikaa tiếp tục tăng vốn điều lệ lên 1.600 tỷ đồng và 10 tháng sau đó, tiếp tục tăng lên mức 2.100 tỷ đồng. Từ tháng 8/2019, vốn điều lệ của Phenikaa tăng lên 3.000 tỷ đồng và giữ nguyên cho đến nay. Hiện Chủ tịch HĐQT kiêm đại diện pháp luật của Phenikaa Group là ông Hồ Xuân Năng.
Sau 14 năm thành lập, Tập đoàn Phenikaa của đại gia Hồ Xuân Năng hiện sở hữu "hệ sinh thái" với với hơn 20 đơn vị thành viên hoạt động trong các lĩnh vực chính, gồm: công nghệ, công nghiệp, nghiên cứu khoa học. Trong đó, Vicostone là doanh nghiệp làm nên tên tuổi của ông Hồ Xuân Năng và đưa ông lọt top người giàu trên thị trường chứng khoán.
Tính đến cuối năm 2022, Phenikaa đang nắm giữ 134,6 triệu cổ phiếu VCS, tương đương 84,15% vốn điều lệ Vicostone. Trong khi đó, ông Hồ Xuân Năng sở hữu trực tiếp 5,98 triệu cổ phiếu VCS, tương đương 3,74% vốn.
Ngoài Vicostone, ông Hồ Xuân Năng còn đứng tên tại loạt doanh nghiệp khác như: Trường Đại học Phenikaa, Công ty CP Đầu tư Giáo dục Phenikaa, Công ty CP Kiểm định và Chứng nhận Phenikaa, Công ty CP Điện tử Phenikaa,...