Ông Trump trở lại Nhà Trắng, loạt công ty xe điện can ngăn một việc: Vị thế của Mỹ có thể biến chuyển

Nhật Quỳnh | 17:24 19/11/2024

Tổng thống đắc cử Donald Trump của Mỹ dự định hủy bỏ một chính sách rất quan trọng với sự phát triển của ngành xe điện tại nước này.

Ông Trump trở lại Nhà Trắng, loạt công ty xe điện can ngăn một việc: Vị thế của Mỹ có thể biến chuyển

Chính sách quan trọng với xe điện lung lay

Theo nguồn tin riêng của Reuters, đội ngũ chuyển giao quyền lực của Tổng thống đắc cử Donald Trump của Mỹ đang có dự định xóa bỏ chính sách hỗ trợ 7.500 USD cho người tiêu dùng khi mua ô tô điện. 

Hủy bỏ chính sách do Tổng thống đương nhiệm Joe Biden ban hành có thể mang đến nhiều hệ lụy cho công cuộc điện hóa giao thông cũng như thị trường xe điện Mỹ, vốn đang có nhiều dấu hiệu đi xuống. Tuy nhiên, đại diện của Tesla lại ủng hộ kế hoạch của đội ngũ ông Donald Trump.

Trạm sạc công cộng do Electrify America xây dựng.

CEO của Tesla, ông Elon Musk, là một trong những người ủng hộ lớn của ông Trump, đồng thời đang là người giàu có nhất thế giới; ông từng đưa ra nhận định rằng nếu hủy bỏ chính sách hỗ trợ khi mua xe điện, doanh số Tesla có thể bị ảnh hưởng chút ít, nhưng các hãng xe khác tại Mỹ sẽ có thể "ảnh hưởng nặng nề".

Hiện tại, giá mỗi cổ phiếu của Tesla đã giảm 6% xuống 311,18 USD/cổ phiếu, trong khi giá của Rivian giảm 14% xuống còn 10,31 USD/cổ phiếu, còn Lucid thì giảm 5% xuống 2,08 USD/cổ phiếu.

CEO Tesla, ông Elon Musk, ủng hộ hủy bỏ chính sách hỗ trợ mua xe điện.

Chính sách hỗ trợ tiền khi mua ô tô điện, nằm trong Đạo luật Giảm Lạm phát (Inflation Reduction Act - IRA), được xem là một trong những chính sách điển hình trong thời của Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng như của Đảng Dân Chủ. 

Tuy nhiên, đội ngũ về chính sách năng lượng của ông Donald Trump đang họp bàn để hủy bỏ chính sách này. Người đứng đầu đội ngũ về chính sách năng lượng của ông Donald Trump là tỷ phú dầu mỏ Harold Hamm (người sáng lập công ty Continental Resources) và ông Doug Burgum - Thống đốc bang North Dakota.

Có thể ảnh hưởng đến vị thế của Mỹ

Nhiều hiệp hội và liên minh đang lên tiếng phản đối việc hủy bỏ chính sách này, cho rằng sẽ mang lại nhiều tác động xấu đến nước Mỹ.

Hiệp hội Giao thông Không phát thải (Zero Emission Transportation Association - ZETA) là một trong những bên phản đối. Hiệp hội này có hãng xe Rivian, Lucid và cả Tesla làm thành viên, bên cạnh Uber và Panasonic. 

ZETA cho rằng chính sách đã mang lại rất nhiều công việc cho các bang như Ohio, Kentucky, Michigan và Georgia; nếu chính sách bị hủy bỏ, các khoản đầu tư tại đây có thể bị cắt bỏ và ảnh hưởng tới tăng trưởng việc làm tại Mỹ.

Dây chuyền sản xuất mẫu xe gầm cao thể thao thuần điện Ford Mustang Mach-E.

Trong khi đó, Giám đốc của ZETA còn cho rằng chính sách hỗ trợ tiền mua xe điện có vai trò rất quan trọng để "thực sự đối đầu và vượt lên Trung Quốc".

Tương tự, Liên minh Đổi mới Ô tô (Alliance for Automotive Innovation) cũng đã gửi một bức thư lên Quốc hội kêu gọi duy trì chính sách hỗ trợ mua xe điện, cho rằng chính sách này là "tối quan trọng trong duy trì vị thế dẫn đầu thế giới của Mỹ" trong ngành sản xuất ô tô của tương lai.

Vì sao Tesla ủng hộ?

Tesla được xem là nhà sản xuất xe điện lớn bậc nhất thế giới chứ không nói riêng tại Mỹ, nhưng CEO của hãng xe này, tỷ phú Elon Musk, lại ủng hộ hủy bỏ chính sách hỗ trợ khi mua xe điện. Khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ban hành chính sách này, Tesla được xem là đơn vị hưởng lợi lớn nhất; song, chính sách đó cũng giúp nuôi dưỡng các hãng xe đối thủ.

Khi hủy bỏ chính sách này, Tesla cũng bị ảnh hưởng, nhưng mức độ sẽ không nghiêm trọng như với các hãng xe đối thủ. Trong một buổi gặp với các nhà đầu tư của Tesla, tỷ phú Elon Musk cho rằng hủy bỏ chính sách sẽ mang lại lợi ích dài hạn cho Tesla.

Tesla Model 3 luôn là một trong những mẫu xe điện bán chạy nhất thế giới.

Đại diện của một nhà đầu tư Tesla cho biết rằng khi hủy bỏ chính sách hỗ trợ xe điện, Tesla sẽ không bị ảnh hưởng nặng nề do hãng đã rất tối ưu ở khâu sản xuất, giúp cắt giảm chi phí làm xe.

Trong khi đó, người đại diện này nhận định: "Hủy bỏ chính sách sẽ khiến các đối thủ không thể theo kịp và không thể cạnh tranh được về mặt chi phí".

Không những thế, Tesla còn tiếp tục hưởng lợi hơn nữa khi Tổng thống đắc cử Donald Trump dự định gia tăng hàng rào thuế với xe điện Trung Quốc, bao gồm mức thuế quan 100%.

Ngành xe Mỹ có thể gặp khó khăn

Trên thực tế, các nhà sản xuất ô tô lớn của Mỹ đã ủng hộ những thay đổi trong chính sách dưới thời của ông Trump. Một số thay đổi đã giúp các hãng làm ra được những mẫu xe mà mang lại lợi nhuận lớn. 

Tuy nhiên, thay đổi trong chính sách hỗ trợ xe điện sẽ khiến các hãng mất đi động lực điện hóa sản phẩm.

Hiện nay, General Motors, Ford, hay cả các hãng xe ngoại như Hyundai đang nỗ lực tăng sản xuất xe điện và cố gắng cắt giảm chi phí sản xuất để nới rộng biên lợi nhuận (nếu đã có lợi nhuận).

Ford đã phải dừng sản xuất F-150 Lightning do nhu cầu của mẫu xe này giảm thấp.

Nhưng ngay cả khi khoản hỗ trợ này còn hiệu lực, doanh số bán hàng cũng không quá khả quan. Điển hình như mẫu bán tải điện F-150 Lightning của Ford: Nhu cầu đã giảm sút mạnh, khiến hãng phải dừng sản xuất mẫu xe này đến hết năm nay.

Trong khi đó, Liên đoàn Công-Nhân viên ngành Ô tô (United Auto Workers - UAW) cho rằng việc hủy bỏ chính sách sẽ khiến nhiều người mất việc. Chủ tịch UAW, ông Shawn Fain cảnh báo rằng nếu chính sách hỗ trợ cho xe điện bị hủy bỏ, "hàng trăm nghìn" nhân công ngành ô tô sẽ đứng bên bờ vực.

General Motors cũng có kế hoạch tăng sản xuất xe điện; tập đoàn này mới đây cũng đã nhận được 800 triệu USD hỗ trợ từ chính phủ Mỹ cũng trong khuôn khổ của chính sách IRA. General Motors ước tính có thể cắt lỗ từ 4 tỷ USD xuống còn 2 tỷ USD vào năm sau. Nhưng nếu chính sách hỗ trợ xe điện không còn nữa thì có thể General Motors phải tính toán lại.


(0) Bình luận
Ông Trump trở lại Nhà Trắng, loạt công ty xe điện can ngăn một việc: Vị thế của Mỹ có thể biến chuyển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO