Ông chủ tiệm áo dài nam có dàn khách “ruột” toàn chủ tịch, người nổi tiếng: Mua được nhà chỉ nhờ một mẫu áo, chưa đến Tết đã có khách hỏi 100 bộ cho năm sau

Ánh Ngọc | 00:00 10/02/2024

Những chiếc áo dài Tết của Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy, Shark Hưng, Shark Minh Beta, hay người nổi tiếng như Trấn Thành, Đàm Vĩnh Hưng… đều đến từ một thương hiệu. Nguyễn Trần Đức Long – nhà sáng lập Maison LONG - tự tin anh chính là người đã đưa áo dài nam đến gần hơn với giới trẻ, phổ cập nó vào đời sống và văn hóa mặc ngày Tết.

Ông chủ tiệm áo dài nam có dàn khách “ruột” toàn chủ tịch, người nổi tiếng: Mua được nhà chỉ nhờ một mẫu áo, chưa đến Tết đã có khách hỏi 100 bộ cho năm sau
cover.png

Tháng 7/2023, trong cộng đồng mạng nổi lên trào lưu “flex” - hiểu đơn giản là khoe những điều đáng tự hào của bản thân. Một trong những bài đăng ấn tượng thu về tới hơn 33.000 lượt tương tác đến từ chủ một tiệm áo dài nam. Đó là anh Nguyễn Trần Đức Long – Founder Maison LONG.

“Mình 30 tuổi chưa có gì nên đành flex tạm cái tiệm (áo dài nam bán chạy nhất Việt Nam)”, anh viết. Kèm theo là loạt ảnh minh chứng đầy thuyết phục, với dàn khách hàng “có số có má” như Chủ tịch Ngân hàng ACB Trần Hùng Huy, Shark Phạm Thanh Hưng, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, MC Anh Tuấn…

“Anh Trần Hùng Huy và Shark Phạm Thanh Hưng từng mặc áo dài của Maison LONG. Phó Chủ tịch SHB Đỗ Quang Vinh, Shark Lê Đăng Khoa, Shark Minh Beta, CEO M.O.I Cosmetics Lâm Thành Kim… năm nào cũng mặc áo dài Maison LONG”, Nguyễn Trần Đức Long tiếp tục “flex” một cách đầy tự hào trong buổi trò chuyện với chúng tôi.

q1.png

Thành công không đến với nhà sáng lập sinh năm 1993 này trong một sớm một chiều. Mở Tiệm LONG từ năm 2017 nhờ số vốn 250 triệu đồng vay từ bạn thân với định hướng làm đồ thêu, Nguyễn Trần Đức Long thừa nhận anh khởi nghiệp chỉ đơn giản vì phải kiếm tiền. 

Trong khoảng 6 tháng, Tiệm LONG bế tắc vì không bán được hàng, vốn cạn dần, cho đến khi Nguyễn Trần Đức Long quyết định làm áo dài nam - ý tưởng từng bị bạn bè xung quanh cho là “dở hơi” vì không ai mặc. Thời gian đã chứng minh điều ngược lại.

Đầu năm 2023, anh đổi tên Tiệm LONG thành Maison LONG để phù hợp hơn với định hướng và văn hóa doanh nghiệp. “Maison” trong tiếng Pháp có nghĩa là nhà, tức là hướng đến quy mô lớn hơn, đồng thời tạo ra một nơi thoải mái, gần gũi cho cả đội ngũ nhân sự lẫn khách hàng. 

“Dù là chiếc áo dài 900.000 đồng hay 9 triệu đồng, chất lượng sản phẩm luôn được đảm bảo. Sản phẩm phải thật mới mẻ và “không sến””, nhà sáng lập tiết lộ bí quyết giúp Maison LONG trở thành thương hiệu “top of mind” (đứng đầu trong tâm trí khách hàng) về sản phẩm áo dài nam tại Việt Nam.

t1.png

Anh nhớ những ngày đầu tiên mình đã mở Maison LONG – hay ban đầu là Tiệm LONG như thế nào không, thưa anh?

Tiệm LONG ban đầu là một cửa hàng thời trang rất nhỏ. Lúc đó tôi tự cắt, đưa cho người khác may và mình bán. Số lượng sản xuất đầu tiên chỉ rơi vào khoảng 4-5 mẫu, mỗi mẫu vài chiếc nhỏ lẻ.

Từ việc sản xuất nhỏ lẻ như vậy, làm sao anh tìm ra sản phẩm chủ lực là áo dài nam như hiện tại?

Tôi luôn nghĩ mọi may mắn đều bắt đầu bằng sự chăm chỉ. So với các bạn đồng trang lứa, tôi rất chăm chỉ, nên cơ duyên đến với áo dài nam là một may mắn.

Chuyện bắt đầu khi tôi bỏ ra vài triệu để mua tranh của một họa sĩ mình vô cùng yêu thích. Vì thời điểm đó tôi làm áo dài nữ nên đã đưa tranh cho bạn thân và đề xuất làm áo dài nam.

Tuy nhiên, tất cả mọi người đều nói: “Dở hơi à, tại sao lại làm áo dài nam? Chẳng ai mặc đâu”. Vì bạn không làm, tôi quyết định tự mình làm. Tranh thì đã mua về, chỉ cần mua thêm 10 mét vải, in và cắt ra.

q2.png

Bao lâu kể từ khi mở Tiệm LONG thì anh bắt đầu làm áo dài nam?

Khoảng 6 tháng. Giai đoạn đó đáng sợ lắm. Tôi không bán được hàng, nguồn vốn 250 triệu đồng vay của một người bạn thì cạn dần. Đến một thời điểm, tôi cho nhân viên nghỉ 7 ngày, còn mình ở nhà tự xem xét lý do tại sao không bán được, làm mọi thứ rồi mà vẫn bế tắc.

Câu trả lời đơn giản là mình chưa thực sự chăm chỉ, cuối tuần vẫn đi cà phê với bạn, đâu có dành hết tâm trí cho Tiệm LONG. Xuất phát điểm của mình không cao thì mình phải cố gắng hơn mọi người.

Mọi người xung quanh ngăn cản anh làm áo dài nam. Nhưng thời điểm đó mới 6 năm trước thôi, trang phục này có thực sự ít người mặc không, thưa anh?

Thực ra áo dài nam có từ ngày xưa. Không phải ít người mặc, chỉ là mọi người – đặc biệt là các bạn trẻ - ít mặc vào ngày Tết. Cô Minh Hạnh, chú Sĩ Hoàng, chú Đức Hùng, cô Lan Hương… rất nhiều nhà thiết kế đã làm áo dài nam rồi.

Nhưng để đưa áo dài nam đến gần hơn với các bạn trẻ, phổ cập nó vào đời sống và văn hóa mặc ngày Tết, thì đến bây giờ tôi rất tự tin mình là người đầu tiên trong thế hệ 9x làm được việc đó.

t2.png

Anh có nhớ vị khách hàng đầu tiên giúp Tiệm LONG được biết đến rộng rãi hơn không?

Đó là một khách đã mặc áo dài của tiệm và đăng ảnh lên mạng xã hội đầu tiên. Đến bây giờ tôi và tất cả nhân sự của mình đều phải gọi đó là “chiến thần doanh số”. Rất nhiều người nhìn thấy anh đó mặc áo dài đã vào hỏi địa chỉ mua. Sau khi các bạn nhân viên của tôi tìm ra vị khách này, tôi đã vào cảm ơn rất nhiều.

Vị khách đó có phải người nổi tiếng hay không?

Anh đó lại không phải người nổi tiếng. Thực ra các anh chị nghệ sĩ, doanh nhân diện đồ của Maison LONG giúp tăng thêm giá trị thương hiệu, nhưng phần đông những người giúp tăng doanh số vẫn là các khách hàng tìm đến tiệm.

Lý do xuất phát từ tôn chỉ đầu tiên của Maison LONG là chất lượng. Dù là chiếc áo dài 900.000 đồng hay 9 triệu đồng, chất lượng may vẫn giống nhau. Giá khác nhau là do chất liệu, bao nhiêu kỹ thuật thủ công được đặt vào bộ áo, và ý tưởng được thử bao nhiêu lần để ra thành phẩm.

q4.png

Áo dài nam của Maison LONG được rất nhiều doanh nhân, MC, người nổi tiếng lựa chọn. Theo anh, lý do nào khiến họ yêu thích và lựa chọn áo dài của tiệm?

Tôi nghĩ họ trân trọng sức sáng tạo của một người trẻ đam mê áo dài.

Những chiếc áo dài đầu tiên của Maison LONG không hề được người nổi tiếng mặc. Ban đầu, các stylist và đơn vị sản xuất đã kết nối với tiệm để mượn đồ cho người nổi tiếng. Nhờ đảm bảo cả về chất lượng và hình ảnh, sản phẩm lại được mượn cho những lần tiếp theo.

Sau những lần kết nối, tôi được mọi người yêu quý và nhiệt tình hỗ trợ nên có gửi tặng đồ. Tôi thực sự mong họ sẽ mặc, ví dụ như đối với stylist Phạm Bảo Luận. Tôi từng nhắn cho anh Luận rằng việc anh ấy mặc có thể giúp đem lại hình ảnh rất khác của áo dài, để mọi người nhìn nhận nó cởi mở và mới mẻ hơn, thay vì hình ảnh trang nghiêm như thông thường.

Đúng là sau khi Phạm Bảo Luận mặc chiếc áo dài đó, hiệu ứng đối với sản phẩm cực kỳ cao, các bạn trẻ mua rất nhiều.

Áo dài là một trang phục truyền thống. Những biến đổi của áo dài qua thời gian đều được ứng dụng trên áo dài nữ. Vậy những yếu tố nào giúp chiếc áo dài nam mang hơi thở mới mẻ thay vì trang nghiêm?

Đó là sự tổng hòa tất cả mọi thứ: form dáng, chất liệu, hình ảnh, câu chuyện được đưa lên. Ngay từ khi bắt đầu làm áo dài nam, tôi không tham khảo bất kỳ nhà thiết kế nào đi trước. Áo dài nữ đã quá quen thuộc với mọi người, vậy áo dài nam đứng ở đâu? Tôi chỉ nghĩ đơn giản là làm sao để chiếc áo dài nam thật mới mẻ và không sến, phù hợp với mọi tính cách và công việc.

q3.png

Anh có thể chia sẻ về sản phẩm kỳ công nhất mà Maison LONG từng làm?

Chính là bộ áo dài Vân Long cho mùa Tết năm nay, kết hợp 5-7 kỹ thuật thủ công trên một chiếc áo. Tôi từng định không cho ra mắt mẫu này, bởi nghĩ rằng làm sao khách hàng dám bỏ ra 9 triệu đồng để mua một chiếc áo dài chỉ mặc trong dịp Tết.

Đấy là suy nghĩ ban đầu của tôi. Nhưng sau khi cho bộ Vân Long ra mắt chỉ bởi đơn giản là bị thiếu mẫu, chúng tôi đã phải dừng nhận đặt hàng trước Tết 3 tuần.

Vậy đâu là mẫu áo dài đáng nhớ nhất đối với anh, đó có phải mẫu áo dài đầu tiên hay không?

Mẫu áo dài nam đầu tiên của tiệm “có tiếng mà không có miếng”. Cảm giác mọi người mặc rất nhiều, nhưng thực tế tôi chỉ bán được gần 30 chiếc. Cuối cùng, sự bùng nổ lại dành cho năm sau đó với bộ Ngũ Hổ và Phú Quý. Doanh thu từ mẫu áo dài này đã giúp tôi mua được căn nhà đầu tiên.

t3.png

Với đặc thù sản phẩm chỉ mặc trong dịp Tết, thời gian khách hàng quay lại tiệm có vẻ quá dài…

Mùa Tết doanh thu của Maison LONG tăng cao, nhưng ra Tết không bị tụt xuống quá thấp mà đi ngang, đồng thời sự chênh lệch này được thu hẹp hơn qua từng năm.

Nhiều người cũng thắc mắc chúng tôi sống làm sao qua một năm sau khi hết Tết. Nhưng vì Maison LONG đã nằm trong “top of mind” của khách hàng, những người thật sự cần áo dài nam trong năm sẽ tìm đến chúng tôi.

Những khách tìm đến tiệm ngoài Tết thường là vì họ tham gia sự kiện nào đó mà ‘dresscode’ là áo dài. Khá nhiều người mua cho các sự kiện ngoại giao. 

Đối với tôi, để chọn ‘dresscode’ chung nhất cho một sự kiện thì đó chính là áo dài. Người béo hay gầy, cao hay thấp, có gu dân dã hay sang trọng đều mặc được. Áo dài có tính kết nối cộng đồng rất cao

Đâu là điều giúp Maison LONG trở thành thương hiệu “top of mind” của khách hàng muốn mua áo dài nam như anh khẳng định?

Bên cạnh chất lượng, tôi nghĩ đó là vì sự kiên trì và tình yêu thật sự của toàn bộ đội ngũ Maison LONG dành cho áo dài nam. Không có ai làm áo dài mà nói rằng họ không yêu nó, nhưng thực sự yêu hay không thì nhìn vào mắt sẽ biết. Rất nhiều người đã cảm nhận được tình yêu của tôi khi tôi nói về áo dài nam. Tôi có thể gạt người khác, nhưng không thể nói dối chính mình.

Mong muốn của tôi là phổ cập áo dài đến văn hóa mặc hàng ngày cho các bạn nam như phái nữ. Để được như vậy, sản phẩm phải dễ chịu, gần gũi và dễ hiểu. Không phải ai cũng làm trong lĩnh vực thời trang và sáng tạo, mà phần đông đến từ những ngành nghề khác. Họ vốn đã rất đau đầu trong đời sống hàng ngày, nên một chiếc áo dài quá khó hiểu sẽ không dễ dàng được đón nhận.

Tôi nghĩ tôi và Maison LONG là thứ dễ chịu mà mọi người đang tìm kiếm.

q5.png

Kết quả kinh doanh của Maison LONG gần đây như thế nào, thưa anh?

Chúng tôi đã hoàn thành mục tiêu kinh doanh năm 2023 từ khoảng 1 tháng trước Tết Nguyên đán, đồng thời đặt mục tiêu tăng trưởng 40% trong năm 2024.

Tình hình kinh tế nói chung khó khăn từ đầu năm 2023, nhưng Maison LONG may mắn là đến tháng 5 mới chịu ảnh hưởng. Trong vòng 2 quý, tôi không đặt mục tiêu tăng trưởng về mặt con số cho đội ngũ nhân sự Maison LONG, nhưng vẫn phải phát triển về mặt con người, cụ thể là tư duy, kỹ năng và nhận thức.

Trong ngành thời trang, một trong những vấn đề của các local brand (thương hiệu nội địa) là nhân sự, chẳng hạn như không tuyển được thợ may trẻ, đội ngũ thợ thường ở độ tuổi 40, dù lương có thể lên tới 20 triệu đồng/tháng. Thực tế ở Maison LONG thì sao, thưa anh?

Ở Maison LONG vào mùa Tết, lương thợ may lên tới 30-45 triệu/tháng. Tôi cũng có một lời hứa cho đội ngũ nhân sự của mình về sự ổn định trong công việc.

Tôi nghĩ việc tuyển thợ không khó, nhưng cũng không dễ. Có rất nhiều thợ may và thợ thêu, nhưng tay nghề như thế nào mới là điều quan trọng.

q6.png

Ở thời đại số như hiện nay, khách thường đi từ online rồi tìm đến cửa hàng offline. Khách hàng chủ yếu biết đến Maison LONG qua kênh nào? 

Tôi không biết các local brand khác như thế nào, nhưng với Maison LONG là từ online tới cửa hàng offline. Căn bản vì xuất phát điểm chúng tôi không có tiền thuê những mặt bằng đẹp nhiều người qua lại. Nhưng nếu đủ kinh phí, tôi vẫn muốn thuê mặt bằng ở phố lớn. Điều này không hề dễ dàng nếu làm một cách chỉn chu.

Hiện nay chúng tôi vẫn đón khách tại studio, trước đó cũng có 3 cửa hàng – 2 cơ sở ở Hà Nội và 1 ở TP. HCM. Tuy nhiên, Maison LONG vẫn có những khách chưa từng gặp mà vẫn mua tới 103 triệu đồng tiền hàng. Ngoài ra, chưa đến Tết năm nay đã có khách hỏi mua 100 bộ vào năm sau.

Sau 5 năm phát triển doanh nghiệp, anh đổi tên Tiệm LONG thành Maison LONG, hướng đến một “ngôi nhà” lớn hơn. Vậy 5 năm tiếp theo, anh kỳ vọng Maison LONG sẽ phát triển như thế nào?

Tôi muốn mở rộng sản phẩm, tạo thêm việc làm cho nhiều nhân sự và được phục vụ ngày càng nhiều khách hàng. Cụ thể, việc mở rộng sản phẩm bao gồm thêm đồ nữ, ngày càng nhiều đồ nam hơn. Quan trọng vẫn phải là đồ thêu.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!


(0) Bình luận
Ông chủ tiệm áo dài nam có dàn khách “ruột” toàn chủ tịch, người nổi tiếng: Mua được nhà chỉ nhờ một mẫu áo, chưa đến Tết đã có khách hỏi 100 bộ cho năm sau
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO