Ôm 88 căn nhà chẳng ai muốn mua, một nữ môi giới bán hết sạch và nhận hoa hồng 1 triệu USD/căn nhờ suy nghĩ 'có gan thì mới làm giàu'

Băng Băng | 10:08 27/02/2023

Bí quyết gì đã giúp người phụ nữ “Shark Tank” này luôn là một trong những nhà môi giới bất động sản sừng sỏ tại Mỹ dù đã bước qua tuổi 73?

Ôm 88 căn nhà chẳng ai muốn mua, một nữ môi giới bán hết sạch và nhận hoa hồng 1 triệu USD/căn nhờ suy nghĩ 'có gan thì mới làm giàu'

“Có gan thì mới làm giàu” là những gì Barbara Corcoran học được trong suốt những năm tháng làm môi giới bất động sản của mình.

Trên một buổi nói chuyện qua Tiktok, vị cựu giám khảo chương trình “Shark Tank” của đài ABC đã tiết lộ khoảng khắc làm nên sự nghiệp bất động sản lừng lẫy của mình khi bà gần như phá sản.

Tại thời điểm đó, công ty The Corcoran Group của bà sở hữu tới 88 căn hộ trống chẳng ai thèm mua khi thị trường ảm đạm. Vì chẳng còn gì để mất khi ngân hàng đang dần siết nợ, Corcoran đã quyết định chơi bài hiểm khi quyết định hạ giá duy nhất trong 24 tiếng, chào bán đồng giá tất cả các căn hộ. Chương trình này sẽ giới thiệu từ căn nhà cho đến những hàng xóm xung quanh cùng tất cả các thông tin chi tiết về dự án.

Bà Corcoran tiết lộ bí quyết nghề môi giới nhà đất

Ngay lập tức, tiềng lành đồn xa khi nhiều người chốt đơn trong khi người xem thì có cảm giác không mua nhanh sẽ hết. Bà Corcoran cho biết mình đã tạo nên một hiệu ứng đám đông khi không bán nhà vì sự xa hoa hay tiện ích sang trọng mà nó có, thay vào đó mọi người mua các căn nhà vì thấy người khác cũng đổ xô mua nó.

“Tôi nói với mọi người rằng hãy chỉ thực sự đến xem nếu bạn có ý định mua vì chẳng còn nhiều suất đâu. Ngày bán hạ giá diễn ra và tôi có đến 150 khách hàng chờ xếp hàng để mua 88 căn hộ trống từng chẳng ai thèm ngó tới. Thế là cả một đám đông đổ xô vào mua những căn hộ đó vì thấy ai cũng đến xem nhà”, bà Corcoran nhớ lại.

Với mỗi căn hộ được bán, bà Corcoran kiếm được 1 triệu USD tiền phí hoa hồng ngay trong ngày.

Mặc dù câu chuyện xảy ra vào năm 1991 nhưng theo Corcoran, bài học của nó vẫn có thể áp dụng cho đến tận hơn 30 năm sau khi thị trường bất động sản bắt đầu trầm lắng và khát người mua.

“Ai cũng muốn mua thứ mà người khác muốn, nhưng chẳng ai muốn chi tiền cho thứ chẳng ai muốn cả”, bà Corcoran nhấn mạnh.

Hội chứng kẻ mạo danh

Theo hãng tin CNBC, ngành bất động sản hiện nay cũng đang dùng những chiến thuật bán hàng quá tương đồng như cung cấp các chuyến bay hạng sang, phòng khách sạn xịn hay các chương trình tín dụng ưu đãi, mở thẻ ngân hàng... để hút khách. Nếu thị trường có cầu cao thì mọi người vẫn bán được hàng nhưng vào giai đoạn trầm lắng thì những chiêu thực này sẽ khó phát huy tác dụng.

Bà Corcoran cho biết mình ưa thích những chiến thuật bán hàng phi truyền thống để nổi bật và cạnh tranh được trên thị trường bất động sản khốc liệt. Đây chính là bí quyết giúp người phụ nữ thành công trong 28 năm làm nghề.

Doanh nghiệp The Corcoran Group của bà được xây dựng khi Corcoran mới 23 tuổi và 1.000 USD vay vốn từ người bạn trai.

“Tôi phải cạnh tranh trong một thế giới trọng nam khinh nữ, phải làm việc khi họ vẫn còn đang ngủ. Tuy nhiên họ đều bán nhà theo một cách truyền thống và giống nhau về chiến lược, nhưng tôi thì phải khác nếu muốn nổi bật và chiến thắng trong một thị trường như vậy để có thể có doanh số nhà hàng ngày”, bà Corcoran nhớ lại.

Chỉ 10 năm sau thương vụ bán 88 căn nhà bằng một chiêu “hiệu ứng đám đông”, bà Corcoran đã bán lại The Corcoran Group cho một tập đoàn bất động sản với giá 66 triệu USD.

Dẫu vậy bà Corcoran cũng thừa nhận mình mắc chứng “kẻ mạo danh” khi luôn nghĩ mình đã bị lừa sau khi bán công ty cũng như sợ hãi việc bị thất bại, luôn cho rằng bản thân chưa làm đủ tốt.

Bất ngờ thay, chính những suy nghĩ nghi ngờ bản thân này lại là động thực khiến Corcoran duy trì được danh tiếng trong ngành bất động sản Mỹ ở tuổi 73.

“Cảm ơn thượng đế là tôi đã luôn nghi ngờ về bản thân bởi điều tôi học được là nhờ nó mà một người tránh được sự tự cao, sự thỏa mãn. Khi bạn hài lòng về những thành công của mình thì cũng là lúc đồng hồ bắt đầu điểm cho sự thất bại đang đến gần”, bà Corcoran thừa nhận.

Hội chứng kẻ mạo danh (Impostor Syndrome-IS) xảy ra khi ai đó nghĩ mình không xứng đáng với hình ảnh người xung quanh đánh giá về họ. Định nghĩa này không chỉ áp dụng với đánh giá về sự thông minh, thành tựu bạn đạt được. Hội chứng kẻ mạo danh còn liên quan đến chủ nghĩa hoàn hảo và bối cảnh xã hội.

Hiểu đơn giản, khi mắc hội chứng kẻ mạo danh, bạn thấy mình là kẻ thất bại. Bạn không xứng đáng với những quyền lợi mình đang có hay cho rằng nỗ lực của mình là may mắn mà thôi.

*Nguồn: CNBC


(0) Bình luận
Ôm 88 căn nhà chẳng ai muốn mua, một nữ môi giới bán hết sạch và nhận hoa hồng 1 triệu USD/căn nhờ suy nghĩ 'có gan thì mới làm giàu'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO