Trong quá khứ, nhiều lần khủng hoảng tài chính toàn cầu đều đi cùng với sự yếu kém và thất bại trong hoạt động của các ngân hàng. Một sự đổ vỡ trong mắt xích nhỏ cũng có thể dẫn tới khủng hoảng toàn ngành và nền kinh tế.
Do đó, vấn đề quản trị rủi ro ở các trung gian tài chính này đã trở thành vấn đề được quan tâm hàng đầu tại mỗi quốc gia. Hoạt động ngân hàng luôn chịu sự điều chỉnh bởi hệ thống luật định khắt khe. Nhiều hướng dẫn, khuyến nghị về quản trị rủi ro ngân hàng trên thế giới cũng đã được ban hành, trong đó tiêu chuẩn được nhắc đến nhiều nhất là Hiệp ước Basel.
Uỷ ban Basel về giám sát ngân hàng (BCBS) là tổ chức được thành lập vào năm 1974 bởi một nhóm các Ngân hàng Trung ương và cơ quan giám sát của 10 nước phát triển (G10) tại thành phố Basel, Thụy Sỹ nhằm tìm cách ngăn chặn sự sụp đổ hàng loạt của các ngân hàng vào thập kỷ 80. Trải qua gần 5 thập kỷ, Ủy ban Basel cho ra đời 4 bản Hiệp ước: Basel I, Basel II, Basle III và Basel IV (đang được phát triển) là các bộ tiêu chuẩn khuyến cáo các ngân hàng tuân thủ để tránh khỏi rủi ro. Cấp độ càng cao thì yêu cầu cũng khắt khe hơn và phức tạp hơn.
Các ngân hàng Việt Nam cũng đã thực hiện lộ trình áp dụng Basel trong quản trị rủi ro những năm gần đây. Trong đó, đã có trên 20 ngân hàng thương mại triển khai Basel II theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư 41/2016-TT-NHNN.
Đối với Basel III, chưa có bất kỳ quy định nào bắt buộc phải áp dụng toàn bộ tiêu chuẩn này cho các ngân hàng Việt. Tuy nhiên, một số nhà băng cũng đã tiên phong trong việc triển khai bộ tiêu chuẩn này để nâng cao chất lượng về vốn, năng lực thanh khoản và có khả năng chống chịu trước các biến cố, góp phần ngăn ngừa tổn thất hệ thống có thể xảy ra. Và đến nay, theo KPMG, Việt Nam đã có 4 ngân hàng hoàn thành quản trị rủi ro theo Basel III.
Tại Nam A Bank, tháng 2/2022, ngân hàng đã công bố việc triển khai và áp dụng các yêu cầu quản trị rủi ro theo Basel III. Động thái này được tiến hành sau khi nhà băng này được công nhận tuân thủ cả 3 trụ cột theo chuẩn mực Basel II năm 2021.
Đến mới đây, sau 8 tháng triển khai, ngày 12/10, Nam A Bank chính thức công bố hoàn thành việc triển khai các chuẩn mực quản trị rủi ro theo chuẩn mực Basel III dưới sự đồng hành và tư vấn của KPMG. Nam A Bank cho biết đã hoàn thành đưa vào triển khai các phương pháp luận, công cụ tính toán và quy trình vận hành đối với các cấu phần về vốn và các chỉ số quản lý an toàn thanh khoản theo chuẩn mực quản trị rủi ro Basel III.
Đối với cấu phần vốn, chuẩn mực Basel III đòi hỏi các ngân hàng phải đáp ứng đồng thời cả Tỷ lệ an toàn vốn và các cấu phần vốn lõi cùng các cấu phần vốn đệm dự phòng nhằm đảm bảo dự phòng vốn an toàn hoạt động. Ngoài ra, Basel III còn đưa ra bộ các chỉ số quản lý rủi ro thanh khoản bao gồm: Tỷ lệ dự trữ thanh khoản – LCR, tỷ lệ nguồn vốn ổn định ròng – NSFR_ và tỷ lệ đòn bẩy – LR để tăng sức chịu đựng thanh khoản của ngân hàng trước những kịch bản căng thẳng.
Trước đó, cuối năm 2021, TPBank tuyên bố đã hoàn thành toàn bộ các yêu cầu của Basel III, IFRS 9 và triển khai toàn diện ngay trong quý 4/2021. Đây cũng là ngân hàng đầu tiên trên thị trường được một bên thứ 3 là KPMG đứng ra rà soát độc lập và công nhận kết quả này.
Tiếp theo là VPBank cũng đã áp dụng Basel III - Rủi ro thanh khoản từ năm 2021. Ngoài ra, ngân hàng này còn hoàn thành việc ban hành chính sách và quy trình theo phương pháp IFRS9 - một trong những ngân hàng tiên phong trong việc áp dụng các thông lệ quốc tế về quản trị doanh nghiệp và quản trị rủi ro.
Đến tháng 5 vừa qua, thêm SeABank cũng tổ chức công bố kết quả triển khai và áp dụng các chuẩn mực Basel III vào hoạt động kinh doanh cũng như hoạt động quản trị rủi ro của ngân hàng.
Ngoài 4 ngân hàng trên, nhiều ngân hàng khác cũng đang triển khai Basel III và dự kiến hoàn thành sớm trong thời gian tới.
Chẳng hạn, OCB cho biết, nhà băng này đang tập trung triển khai những tiêu chuẩn quốc tế cao hơn như Basel III và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022. Trước đó, OCB là một trong những ngân hàng triển khai trước hạn việc áp dụng tiêu chuẩn Basel II về an toàn vốn. Ngay sau VIB và Vietcombank, tháng 12/2018, OCB cũng công bố về việc đáp ứng Thông tư 41 của NHNN.
Một số khác thì áp dụng một phần hoặc đang thí điểm triển khai Basel III, bao gồm: ACB, VIB, MSB, HDBank, Techcombank, LienVietPostBank, ABBank. Hồi đầu năm, VIB và MSB cho biết đã hoàn thiện áp dụng Basel III trong quản lý thanh khoản, quản lý rủi ro hoạt động và rủi ro thị trường. Trong khi đó HDBank cũng đã áp dụng hai chỉ số đảm bảo thanh khoản là hệ số quỹ bình ổn ròng (NSFR) và tỷ lệ đảm bảo thanh khoản (LCR) của Basel III.
Lãnh đạo một ngân hàng cho biết, triển khai Basel III không phải là điều dễ dàng. Để triển khai, ngân hàng chắc chắn phải duy trì lượng vốn dự trữ nhiều hơn, đòi hỏi ngân hàng phải tăng thêm vốn liên tục để đảm bảo khả năng mở rộng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường tài chính có nhiều biến động và thách thức, việc ngân hàng áp dụng các quy định quản lý rủi ro chặt chẽ hơn, như Basel III sẽ giúp ngân hàng hoạt động lành mạnh, tạo dựng niềm tin với khách hàng, cổ đông. Điều này cũng giúp ngân hàng có được xếp hạng tín nhiệm cao hơn, không chỉ trong nước mà trên thị trường quốc tế, để có cơ hội tiếp cận các nguồn vốn giá rẻ.
Việc áp dụng chuẩn quản trị rủi ro càng cao, như Basel III, và ở càng nhiều ngân hàng sẽ giúp hệ thống ngân hàng Việt Nam trở nên an toàn, lành mạnh và vững vàng hơn. Muốn được như vậy, theo các chuyên gia, cơ quan quản lý cần có các chính sách hỗ trợ và khuyến khích các nhà băng, chẳng hạn như ưu tiên nhiều hơn so với các nhà băng khác trong việc cấp room tín dụng, để ngân hàng có thể thúc đẩy hoạt động tốt hơn. "Các ngân hàng đạt chuẩn Basel cao là bản thân đã quản trị rủi ro tốt, minh bạch trong hoạt động tài chính và kinh doanh vì vậy cần ưu tiên. Trong khi đó, nhóm ngân hàng đang tái cơ cấu, nợ xấu cao thì có thể bị hạn chế room tín dụng hơn" - TS. Cấn Văn Lực nói.