Nửa sau thế kỷ 19, thế giới đối mặt với vấn đề bắt nguồn từ tình yêu với bộ môn bi-a. Hàng nghìn con voi bị giết nhằm thu hoạch ngà để tạo ra những quả bóng bi-a chất lượng cao. Tuy nhiên, vấn đề này được giải quyết khi nhựa xuất hiện.
Thế kỷ 19, thế giới chào đón nhựa với một tâm thế tích cực. Nhựa ra đời giúp góp phần hạn chế dùng ngà voi làm bóng bi-a, cứu loài rùa khỏi việc trở thành nguyên liệu cung cấp làm lược.
Thậm chí, một ấn bản được xuất bản của LIFE năm 1955 khen ngợi nhựa dùng một lần với ảnh minh họa một gia đình hạnh phúc khi được sử dụng các sản phẩm từ chất liệu này. Nội dung bài viết cho rằng sẽ mất 40 giờ để làm sạch những vật dụng gia đình, nhưng giờ đây các bà nội trợ không cần bận tâm bởi tất cả đều bị vứt đi sau khi sử dụng.
Tuy nhiên, việc sản xuất và sử dụng nhựa đã tăng theo cấp số nhân trong những thập kỷ qua, gây ra những tác động lớn đến sức khỏe con người, môi trường và khí hậu.
Theo thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra, trong đó 0,28- 0,73 triệu tấn bị thải ra biển nhưng chỉ 27% trong số này được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp.
Việc xử lý và tái chế rác thải nhựa còn nhiều hạn chế khi có đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% còn lại là được tái chế.
“Nhựa, từ một phát minh mang tính cách mạng của nhân loại giờ đây đã trở thành vấn đề cấp bách về môi trường. Điều này đã thôi thúc sự gắn kết các đối tác trong chuỗi giá trị nhựa lại với nhau để cùng giải quyết”, bà Vân nói.
Từ thực tế này, chương trình “Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024” được thực hiện do Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Unilever Việt Nam, Hiệp Hội Doanh Nghiệp Anh tại Việt Nam (BritCham) và Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (SVF).
Lễ trao giải được tổ chức chiều 22/10 nhằm tìm kiếm và thúc đẩy các giải pháp đổi mới, sáng tạo trong chuỗi giá trị tuần hoàn nhựa, sáng tạo trong việc thúc đẩy năng lực thu gom, phân loại và tái chế bao bì nhựa, đặc biệt là bao bì nhựa mềm.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đánh giá, cuộc thi mang đến các giải pháp thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, khuyến khích người tiêu dùng, cộng đồng doanh nghiệp đưa ra các giải pháp đổi mới sáng tạo.
“Chỉ có đổi mới sáng tạo, cộng đồng mới có thể biến nhựa thành tài nguyên, nguyên liệu thay vì rác thải”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Bích Vân – Chủ tịch Unilever Việt Nam cũng cho rằng, hiện nay, rác thải nhựa đang tạo ra cuộc khủng hoảng lớn. Do đó, chúng ta cần kêu gọi sức mạnh, sức sáng tạo, cam kết đồng hành của xã hội.
Tuy nhiên, với nhiều doanh nghiệp doanh nghiệp, nhựa không phải là rác, mà là tài nguyên. Theo bà, để phát huy tiềm năng của loại tài nguyên này, cần thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn, giữ lại nhựa lâu nhất trong vòng tuần hoàn đó. Cuộc thi là nơi để các doanh nghiệp tìm kiếm các giải pháp khả thi, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.
“Khi đã tìm kiếm được các giải pháp cần giải bài toán kế tiếp là cần lắp ghép các giải pháp trong chuỗi giá trị một cách khoa học. Việc xây dựng tính khả thi cho giải pháp, tối ưu giá cả… có thể giúp giải pháp trôi trong thực tế và thúc đẩy vòng tuần hoàn nhựa chạy nhanh và bền vững hơn”, bà Vân nói.
Sau 5 tháng tổ chức, cuộc thi hút gần 100 đề xuất giải pháp, ý tưởng từ hơn 1.000 cá nhân và tổ chức trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Hội đồng giám khảo đã lần lượt lựa chọn ra Top 80, Top 50, Top 20 và Top 5 cuộc thi dựa trên hai nội dung Ý tưởng đổi mới sáng tạo và Giải pháp triển vọng.
Trong đó, Ý tưởng đổi mới sáng tạo tập trung vào các sáng kiến, mô hình và giải pháp mới và sáng tạo đang trong quá trình phát triển thành các sản phẩm cụ thể và đang cần hỗ trợ để đưa sản phẩm ra thị trường. Còn Giải pháp triển vọng tập trung vào các giải pháp đã có sản phẩm cụ thể và đã ra mắt thị trường, đang có tiềm năng mở rộng và cần sự hỗ trợ để phát triển tại thị trường Việt Nam.
Chung cuộc, Giải pháp toàn diện cho hệ thống tái chế chai nhựa tại Việt Nam nhận giải Giải pháp Đột phá với tổng giá trị 200 triệu đồng. Giải pháp thay thế bao bì màng ghép nhôm và nhựa sinh học Buyo đạt giải Giải pháp đổi mới với tổng giá trị 100 triệu đồng. Hai giải pháp Tấm nhựa Eco - Nơi rác thải nhựa tìm thấy cuộc sống mới và Ứng dụng công nghệ vào thu gom rác thải nhựa nhận giải với tổng giá trị 50 triệu đồng.
Ở bảng Ý tưởng Đổi mới sáng tạo, Hacin – Biến rác thải nhựa thành vật liệu xây dựng phục hồi về Nhất với giải thưởng 50 triệu đồng. Giải thưởng còn lại được trao cho giải pháp Hệ thống phân loại rác thải nhựa tự động DTS.