Người Mỹ đang chịu áp lực trước các đợt tăng lãi suất liên tục của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Thông qua việc tăng mạnh chi phí vay, FED muốn kiềm chế lạm phát đang ở mức nóng nhất trong 40 năm qua. Nhưng khi lạm phát giảm dần, việc tăng lãi suất có thể sắp kết thúc, và điều đó có thể tác động đến tình hình tài chính của từng cá nhân.
Phố Wall hiện dự báo rằng FED sẽ giữ lãi suất ổn định tại cuộc họp ngày 13/12 và còn hơn thế nữa. Sau đó, một số nhà kinh tế dự đoán FED có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất chuẩn từ đầu năm 2024.
Để chắc chắn, Chủ tịch FED Jerome Powell đang giữ im lặng về những động thái tiếp theo của ngân hàng. Ông nói rằng còn quá sớm để tuyên bố chiến thắng hoặc thảo luận về thời điểm cắt giảm lãi suất.
Chuyên gia Jamie Cox tại Harris Financial Group, nói với CBS MoneyWatch: “Họ đã tăng lãi suất trong nhiều tháng. Họ chỉ không muốn thị trường biết điều đó. Ngay bây giờ, với cách FED giao tiếp với thị trường, họ đang muốn nói rằng ‘Chúng tôi sẽ không tăng lãi suất, nhưng đừng nghĩ rằng chúng tôi sẽ không tăng lãi suất’”.
Cắt giảm lãi suất năm 2024?
Các nhà kinh tế dự báo rằng việc tăng lãi suất trong hai năm qua giờ đây có thể đã là chuyện quá khứ. Lần tăng lãi suất gần nhất là vào tháng 7, khi FED nâng lãi suất quỹ liên bang lên 5,25% - 5,5%.
Các nhà kinh tế của Morgan Stanley cho biết: “Chúng tôi đã nhấn mạnh trong một thời gian rằng FED đã kết thúc việc tăng lãi suất, nhưng phải đến bây giờ điều đó mới được thể hiện rõ ràng giữa nhiều nhà hoạch định chính sách”. Họ dự đoán thêm rằng ngân hàng trung ương sẽ giữ nguyên lãi suất cho đến tháng 6/2024.
Còn theo các nhà kinh tế tham gia khảo sát của FactSet, ngân hàng trung ương có thể giữ lãi suất chuẩn ổn định tại cuộc họp ngày 13/12 cũng như tại cuộc họp ngày 31/1. Nhưng họ có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất ngay sau tháng 3.
Điều đó có thể tác động đến túi tiền của người dân Mỹ, từ tiền tiết kiệm đến tiền mua nhà.
Việc tạm dừng tăng lãi suất ảnh hưởng thế nào đến CDs và tài khoản tiết kiệm?
Những người tiết kiệm đang tận hưởng mặt tích cực từ việc FED tăng lãi suất. Các tài khoản tiết kiệm lãi suất cao có thể mang lại tỷ suất lợi nhuận hàng năm (APY) từ 5% trở lên. Đây là một sự thay đổi lớn sau nhiều năm APY ít ỏi không mang lại nhiều lời lãi cho người tiết kiệm.
Tương tự như vậy, chứng chỉ tiền gửi (CD) hiện đang có mức lãi suất cao, khiến chúng trở thành một hình thức tiền gửi hấp dẫn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết với việc FED dự kiến giữ lãi suất ổn định trong vài tháng và có thể cắt giảm vào năm sau, giờ là lúc chốt lời ở mức lãi suất hẫp dẫn.
Chuyên gia Jamie Cox cho biết rủi ro đối với những người gửi tiết kiệm và sở hữu chứng chỉ tiền gửi là lãi suất giảm. Ông khuyến nghị các nhà đầu tư nên bỏ tiền vào một số CD dài hạn trước khi điều đó xảy ra.
Ví dụ, một số ngân hàng đang cung cấp CD trả APY gần 5% trong tối đa 5 năm. Đây là một tỷ lệ có thể khó đạt được nếu FED bắt đầu cắt giảm lãi suất. Tương tự như vậy, nếu ai chưa gửi tiền tiết kiệm của mình vào tài khoản tiết kiệm lãi suất cao thì bây giờ là lúc để làm điều đó và tận dụng lãi suất lên tới 5%.
Lãi suất thế chấp năm 2024 liệu có giảm?
Vào đầu năm nay, lãi suất cho vay mua nhà đã giảm từ mức cao nhất trong vòng 20 năm. Nhà kinh tế cấp cao Jacob Channel của LendingTree cho biết rằng việc FED tạm dừng có thể giúp hạ lãi suất thế chấp xuống thấp hơn nữa.
Ông lưu ý: “Trong thời gian còn lại của tháng 12, lãi suất có thể giảm xuống dưới 7%, mang lại nhiều khoản tiết kiệm hơn so với mức vài tuần trước”.
Ngay cả khi lãi suất giảm xuống dưới 7%, việc mua nhà vẫn tương đối đắt vì giá nhà cao hơn khoảng 40% so với trước đại dịch.
Câu hỏi đặt ra là liệu lãi suất thế chấp thấp hơn một chút có thể thuyết phục một số chủ nhà rao bán tài sản của họ hay không. Vì nhiều người đã mua hoặc vay mua căn nhà khi lãi suất ở mức khoảng 3%. Điều đó khiến nhiều người không muốn từ bỏ các khoản vay hiện tại của mình để nhận khoản thế chấp mới với lãi suất cao hơn.
Chú ý gia tăng tiết kiệm
Nhiều người Mỹ đang chi tiêu bằng số tiền họ tiết kiệm được trong thời kỳ đại dịch. Khi ấy, nước Mỹ cung cấp các gói kích thích kinh tế và trợ cấp thất nghiệp hậu hĩnh giúp các gia đình vượt qua khủng hoảng. Nhưng nền kinh tế đang chậm lại. Điều này có thể khiến thị trường lao động suy yếu, dẫn đến cắt giảm việc làm.
Chuyên gia Jamie Cox lưu ý: “Rất nhiều người cần phải tích luỹ lại số tiền tiết kiệm của mình. Bây giờ mọi người đều đang có việc làm nên không ai quá lo lắng về tài khoản tiết kiệm bị cạn kiệt”. Nhưng ông lưu ý cần phải chuẩn bị trước phòng trừ tình thế thay đổi.
Tham khảo Yahoo Finance