Trương Thu Hường: Nghe nói khi xuất khẩu qua Mỹ, chiếc HERA của ông có giá cao hơn tất cả sản phẩm cùng phân khúc tới hơn 40%. Đối tác Mỹ đã phản ứng như thế nào trước mức giá mà công ty đưa ra?
TS Lương Việt Quốc: Chúng tôi bán sản phẩm cho RMUS - đơn vị phân phối drone chuyên nghiệp ở Mỹ với giá hơn 40.000 USD/ chiếc. Khi trao đổi và chạy thử bản mẫu, đối tác nhanh chóng đồng ý vì họ rất hiểu sự khác biệt mà HERA đem lại. Hiện tại, họ “treo” giá sản phẩm trên website là hơn 58.0000 USD/ chiếc.
Chính đối tác Mỹ đã chủ động tìm gặp chúng tôi sau khi xem review từ các tạp chí chuyên ngành và chứng kiến sản phẩm trưng bày tại triển lãm ở Mỹ. Sau một vài lần thương thảo, họ đặt mua 10 chiếc. Điều thú vị là người Mỹ đã ứng trước 75% tiền hàng vì họ biết chúng tôi là một startup và startup nào trên thế giới này cũng đều rất cần vốn (cười).
Đơn hàng này thực ra đã có từ khá lâu, khoảng hơn 1 năm trước khi sản phẩm hoàn thiện. Sau khi ứng tiền và xây dựng quan hệ khá thân thiết, họ mới tới đây thăm nhà xưởng. Vì sự tin tưởng ấy, tôi rất cảm kích và luôn tâm niệm sau này mình nhất định phải đền ơn.
Trương Thu Hường: Ông có hài lòng về giá bán mình đưa ra?
TS Lương Việt Quốc: Tôi nghĩ nó xứng đáng với tính năng vượt trội và công sức mà công ty đã bỏ ra. Xét về mặt chi phí đầu tư, khoản tiền nghiên cứu – phát triển sản phẩm (R&D) rất lớn nhưng mình đâu chỉ bán một chiếc drone mà sẽ bán rất nhiều. Còn nếu so với chi phí sản xuất thì đương nhiên, những sản phẩm chứa đựng chất xám cao như vậy sẽ có lãi tốt, gần như 1-1.
Trương Thu Hường: Nghe nói các ông đang xây dựng nhà máy với công suất lớn hơn và dự kiến khi hoàn thành, sẽ thu lợi hàng trăm tỷ/ năm?
TS Lương Việt Quốc: Có lẽ năm 2024 nhà máy sẽ hoàn thành. Đến lúc ấy, nếu sản lượng đạt 3.000 chiếc/ năm, lợi nhuận ít nhất sẽ là 30.000.000 USD/ năm (tương đương hơn 700 tỷ đồng). Đó là tương lai, còn hiện tại công ty chỉ có thể làm khoảng 20 chiếc/ tháng (cười).
Trương Thu Hường: Ông có suy nghĩ gì về mức doanh thu và lợi nhuận khá lớn mà công ty có thể đạt được trong tương lai?
TS Lương Việt Quốc: Suy nghĩ đầu tiên là tôi rất hy vọng mình có thể tạo tiền lệ, sự khuyến khích các doanh nghiệp khác chọn phát minh sáng chế làm con đường chính.
Hiện nay, chúng ta đang nói nhiều đến công nghiệp phụ trợ. Nhưng giả dụ, trường hợp lý tưởng nhất là nước ta có thể tự làm tất cả bộ phận của chiếc smartphone, bao gồm cả chip, sạc, màn hình… thì sẽ kiếm được bao nhiêu? Bạn có thể đọc các bài phân tích công nghệ và thấy rằng, con số thu về chỉ khoảng 40%. Có nghĩa nếu giá bán mỗi sản phẩm là 1000 USD, toàn bộ ngành công nghiệp phụ trợ của nước ta chỉ nhận về 400 USD. 60% giá trị còn lại nằm ở phát minh và thiết kế.
Cũng phải nói thêm rằng 40% mới chỉ là doanh thu, chưa trừ chi phí. Trong khi đó, những sản phẩm do Việt Nam tự phát minh, sản xuất sẽ đem lại lợi nhuận cao hơn hẳn.
Nhìn sang các nước khác, tại sao hàng điện tử của Hàn Quốc lại vượt lên trên Nhật Bản trong khi cách đây chỉ 15-20 năm, ti vi, tủ lạnh của Samsung luôn chỉ xếp loại 2 sau các thương hiệu Nhật Bản? Hàn Quốc vượt lên bởi vì họ có phát minh nổi bật hơn. Ví dụ, tivi Samsung giờ đây đã hoàn toàn thắng thế các hãng điện tử của Nhật nhờ các phát minh ưu việt về màn hình tinh thể lỏng.
Con đường giúp Hàn Quốc vươn thành quốc gia giàu có dù diện tích khiêm tốn, tài nguyên nghèo nàn… là nhờ vào phát minh công nghệ. Trung Quốc cũng đang đi con đường đó. Giờ đây, họ không chỉ là công xưởng sản xuất làm thuê cho cả thế giới mà những hãng công nghệ lớn như Huawei đã dần vươn lên…
Một quốc gia muốn vươn thành cường quốc bắt buộc phải phát minh ra những thứ vượt trội hơn cái mà thế giới đã có. Nếu chọn cách dễ hơn là bắt chước hay làm thuê cho các nước giàu theo kiểu tập đoàn đa quốc gia giao đầu bài gì thì mình làm cho họ, mãi mãi nước ta sẽ luôn bị kẹt lại ở thế giới thứ ba.
Trương Thu Hường: Nhưng rất nhiều người khi nghe điều này có thể thấy nó xa vời vì Việt Nam không có nhiều tiền lệ để họ tin tưởng…
TS Lương Việt Quốc: Tôi cho rằng suy nghĩ đó khá phổ biến và điều ấy cũng dễ hiểu bởi nó xuất phát từ thực tế. Cuối năm ngoái, tôi tiếp xúc với hai vị GS kinh tế Đại học bên Anh, họ thực hiện một cuộc nghiên cứu do Singapore tài trợ để tìm hiểu các công ty công nghệ Việt Nam đang đứng ở đâu trên bản đồ thế giới.
Chính họ đã vô cùng ngạc nhiên gặp tôi. Hai vị ấy còn nói: Sự thành công của HERA giúp họ thay đổi góc nhìn bởi vì từ trước tới nay, cả hai luôn nhận định Việt Nam đang tụt lại khá xa nếu xét về mặt công nghệ.
Tôi cũng đồng ý với họ. Bởi vì khi điểm lại các sản phẩm công nghệ, Việt Nam chưa có gì xuất sắc hơn thế giới. Tuy nhiên, có một điều mà tôi nghĩ Việt Nam không hề thua kém bất cứ quốc gia nào, đó là tiềm năng chất xám của người Việt. Người Việt Nam cũng có thể phát minh ra những thứ đẳng cấp thế giới, vấn đề cần có những nhà đầu tư, những người khởi nghiệp tập hợp anh em lại và dám đi con đường rủi ro, làm mọi thứ tới nơi tới chốn.
Tại sao lại nói con đường phát minh ra những thứ hơn hẳn thế giới rất rủi ro, bởi vì tỷ lệ thành công rất thấp. Tôi nghĩ cứ 100 doanh nghiệp đi theo con đường sáng tạo này thì có lẽ chỉ khoảng vài phần trăm thành công.
Trương Thu Hường: Nếu rủi ro như thế, vì sao ngay từ ban đầu, ông lại quyết định chọn con đường ấy?
TS Lương Việt Quốc: Năm 2013, khi đang làm việc, sinh sống ở Mỹ, tôi đã nhìn thấy tương lai của ngành sản xuất, ứng dụng máy bay không người lái. Ban đầu, tôi lập công ty chuyên mua drone từ các nhà sản xuất và dự định cung cấp các dịch vụ sử dụng máy bay không người lái.
Tuy nhiên, khi nhập cuộc, tôi phát hiện hầu hết các loại drone đều kém xa các tính năng như quảng cáo. Chúng tôi đã mua 4-5 loại, mỗi chiếc vài nghìn đô (theo thời giá cách đây khoảng 9 năm) và kết quả luôn là nỗi thất vọng.
Để drone vận hành tốt hơn, chúng tôi phải chỉnh sửa. Chuyện đó không đơn thuần là thấy chiếc camera không đủ tốt thì mua cái khác lắp vào mà phải chỉnh sửa cả hệ thống sao cho các thiết bị tương thích với nhau. Việc sửa chữa tốn kém nhưng quan trọng nó vẫn là thứ chắp vá. Đến một thời điểm, tôi thấy cần thiết và đủ khả năng để chế tạo chiếc drone của riêng mình.
Trương Thu Hường: Mất bao lâu để các ông bắt kịp rồi vượt lên thế giới?
TS Lương Việt Quốc: Giai đoạn mua drone về tháo lắp, nâng cấp cũng là thời gian mà chúng tôi tích lũy kinh nghiệm, hiểu về drone ở mức độ chuyên gia. 3 năm kế tiếp, chúng tôi đuổi kịp thế giới (chế tạo những thứ tương đương cái thế giới đang có) và chỉ khoảng 2 năm gần đây là giai đoạn vượt lên, có những sản phẩm đột phá với các tính năng vượt trội hơn tất cả sản phẩm cùng phân khúc.
Trương Thu Hường: Cụ thể, chiếc drone HERA của các ông có những tính năng gì vượt trội?
TS Lương Việt Quốc: Khi nói HERA vượt trội tức là so sánh trong cùng phân khúc có thể nhét vừa balo.
Đối với drone, có 3 tiêu chí quan trọng nhất. Thứ nhất là tính cơ động, cụ thể là kích cỡ khi vận chuyển. Thứ hai là sức nâng, ví dụ nếu chỉ nâng được 2kg thì phạm vi ứng dụng rất hạn chế, trong khi HERA có tải trọng lên tới 15kg.
Thứ ba là không gian, cụ thể là drone mang được bao nhiêu tải.
HERA là drone duy nhất vừa chứa gọn vào ba lô cá nhân, mà có sức nâng lên đến 15kg, và có không gian rộng rãi mang cùng lúc 4 camera, mỗi chiếc đều có tầm nhìn 360 độ. Những chiếc drone khác chỉ mang 1-2 tải và tải trọng từ 1-2kg.
Trương Thu Hường: Con đường để các ông sáng tạo nên sản phẩm này?
TS Lương Việt Quốc: Đầu tiên, mình phải xác định sẽ làm ra sản phẩm hàng đầu thế giới, có những tính năng vượt lên trên sản phẩm cùng loại trên thế giới. Khi tư duy rõ ràng rồi thì sẽ không bị lung lay lúc gặp khó.
Khi tôi bắt đầu, rất nhiều người đã lo ngại: Các bạn sẽ thất bại vì không thể nào làm rẻ hơn Trung Quốc. Chuyện này cũng dễ hiểu vì khi khởi nghiệp làm về phần cứng, điều đầu tiên mà các nhà đầu tư đặt câu hỏi là: Làm thế nào để cạnh tranh về giá với Trung Quốc?
Câu trả lời của tôi là: làm rẻ hơn Trung Quốc chỉ là một cách, không phải cách duy nhất. Mục tiêu của tôi là tạo ra những sản phẩm khác biệt với những tính năng mà các sản phẩm khác trên thế giới chưa từng có. Nhờ con đường đó, tôi tin mình vẫn bán được sản phẩm dù giá cao.
Trương Thu Hường: Rất nhiều người đến giờ khi nghe tin về HERA, họ nói rằng chuyện một chiếc máy bay không người lái do người Việt tự sản xuất 100% là rất khó tin khi chúng ta phải nhập hầu hết linh kiện…
TS Lương Việt Quốc: Đúng vậy. Bởi vì máy bay không người lái bản chất rất giống máy bay mà mọi người vẫn hay dùng để di chuyển. Và chuyện Việt Nam tự chế tạo được máy bay là điều không tưởng. Thậm chí, có người còn nói: Việt Nam có chế tạo được chip, linh kiện điện tử đâu mà đòi làm máy bay? Nhưng hãy nhìn xem, Toyota sản xuất 10.000.000 chiếc xe/ năm nhưng họ có tự làm chip hay không? Và nếu có làm, chip của Toyota chắc gì đã tốt hơn chip của Intel?
Ngày này thế giới chuyên môn hóa và rất phẳng. Khi nói tôi tự sản xuất một sản phẩm, điều đó không có nghĩa là tôi phải làm mọi thứ từ hạt cát trở đi. Các nhà sản xuất drone đều phải sử dụng linh kiện điện tử từ các nhà sản xuất chip chuyên nghiệp. Vấn đề là với điều kiện nguồn nguyên liệu như nhau, anh sẽ làm gì để chế tạo drone có tính năng vượt trội hơn người khác?
Ví dụ, nguyên liệu để đúc ra thân máy bay không người lái phải là carbon fiber. Chúng tôi nhập cái đó từ những nhà cung cấp chuyên dụng. Chuyện đó tương tự các CĐT dự án xây dựng phải đi mua xi măng, sắt thép.
Hoặc các camera được gắn trên drone, chúng tôi nhập lõi từ Sony. Đó không phải camera hoàn chỉnh bởi vì nó không hề có một nút điều khiển nào hết mà chỉ có ống kính và tín hiệu hình ảnh. Vấn đề cái tín hiệu đó làm sao truyền từ mặt đất vào camera và về máy tính là việc của chúng tôi.
Một minh chứng khác là Hera mang cùng lúc 3 hệ thống camera khác nhau. Nghĩa là hệ thống điện tử của Hera phải có khả năng truyền dữ liệu và điều khiển 3 hệ thống camera khác nhau cùng lúc. Trên thế giới chưa có drone nào làm được việc này. Vì đó là hệ thống điện tử chưa từng xuất hiện thì không thể nào là sản phẩm copy được. Vì thế, chúng tôi có thể tự tin nói rằng, đây là chiếc drone Việt Nam tự phát minh, thiết kế, rồi chế tạo 100%
Trương Thu Hường: Để tạo nên HERA, điều gì là khó khăn lớn nhất?
TS Lương Việt Quốc: Khó khăn nhất là phải phát minh,ra một sản phẩm hoàn toàn khác biệt. Sau khi phát minh ra rồi thì thử thách lớn nhất là thiết kế kỹ thuật, để biến phát minh đó thành sản phẩm cụ thể. Thử thách kế tiếp sau thiết kế là chế tạo. Một ví dụ cụ thể về thử thách kỹ thuật có lẽ là xây dựng hệ thống điện tử để có thể gắn và điều khiển nhiều camera cùng lúc. Một ví dụ khác là làm sao thiết kế thân máy bay vừa nhỏ gọn, lại rộng rãi và nhẹ nhất có thể. Nó phải bền, chống rung, dễ tháo lắp bằng tay hoàn toàn không sử dụng dụng cụ… Cả quá trình này bao gồm rất nhiều sáng kiến độc đáo của kỹ sư Việt Nam trong đó.
Trương Thu Hường: Như ông vừa nói, startup trên thế giới này đều cần vốn. Không biết ông đã bắt đầu với nguồn vốn từ đâu và gọi vốn như thế nào?
TS Lương Việt Quốc: Tương tự các công ty khởi nghiệp khác, vốn đầu tiên là khoản tiền tích lũy của cá nhân founder, sau đó từ người thân, gia đình, bạn bè… của họ. Từ khi bắt đầu tới giai đoạn có sản phẩm bán qua Mỹ, vốn của công ty tôi hoàn toàn là vốn huy động từ mạng lưới cá nhân.
Đến hôm nay, công ty tôi cũng chưa gọi vốn từ quỹ đầu tư lớn mà mới có một số nhà đầu tư thiên thần.
Trương Thu Hường: Làm sao ông thuyết phục người thân, bạn bè tin vào con đường mình đã chọn?
TS Lương Việt Quốc: Thị trường hiện nay có 2 dạng xem xét đầu tư. Thứ nhất, dựa trên kịch bản và số liệu. Thứ hai, là đầu tư có vẻ cảm tính, dựa vào yếu tố con người. Nhiều startup chẳng có số liệu gì và rất khó chứng minh được mục tiêu 2 năm nữa, tôi sẽ phát minh ra cái gì đó số 1, số 2 thế giới. Vậy thì họ có gì ngoài yếu tố con người?
Câu hỏi thú vị hơn là giữa hai cách đó, cách nào hiệu quả hơn? Đối với lãnh vực công nghệ, thực tế đã gọi tên cách số 2 và đó cũng là cách mà các nhà đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm bên Âu – Mỹ vẫn dùng.
Tại sao vậy? Bởi vì hầu hết startup công nghệ, ngày họ bắt đầu với ý tưởng A thì tới lúc thành công đã không còn là A hay A’ mà là C, hay D rồi. Trên con đường đó, có rất nhiều đoạn ngã ba, ngã tư mà chỉ một quyết định có thể đi tới thành công hay thất bại. Không có kịch bản nào lường hết những chuyện đó mà khả năng chịu đựng, vượt qua thử thách hoàn toàn phụ thuộc yếu tố con người.
Quay lại câu hỏi làm sao tôi thuyết phục được người khác, thì có lẽ bản thân tôi và đội ngũ anh em ở RtR đã khiến họ tin là mình sẽ làm được.
Trương Thu Hường: Điều gì giúp ông tin là mình sẽ thành công?
TS Lương Việt Quốc: Sự thật là chẳng có gì đảm bảo 100% (cười). Tôi cũng không thể nào khẳng định nếu bỏ ra 1.000.000-2.000.000 USD sẽ nhất định thành công.
Nhưng khi làm điều gì đó, tôi sẽ đi tới cùng. Bước đầu tiên trên hành trình này là xác định những nỗi đau trong ngành mà thế giới chưa trả lời được. Ví dụ, với chiếc drone nhỏ, gấp gọn balo thường có nhược điểm rất yếu, sức nâng kém, không gian hẹp, khó gắn nhiều tải… Khi HERA xuất hiện, thế giới không còn phải chờ đợi. Bởi vì chúng tôi đã xác định đúng vấn đề cốt lõi và giải quyết triệt để.
Trương Thu Hường: Thời điểm khó khăn nhất mà ông đã vượt qua?
TS Lương Việt Quốc: Có lẽ, startup nào rồi cũng sẽ phải đứng trước câu hỏi: nên đi tiếp hay dừng lại? Và thời điểm tôi đứng trước câu hỏi đó là lúc nhà đầu tư lớn nhất buộc phải dừng lại vì lý do cá nhân. Bạn hình dung được không khi nguồn tiền chính của công ty bị cắt đứt mà lý do rất khách quan, không thể nào lường trước.
Cũng có lúc, tôi thấy mình đã tiến rất gần đến phát minh rồi nhưng vẫn chưa thực sự vỡ ra. Và như thế nào là rất gần, có nên đi tiếp hay không, câu hỏi ấy thực sự quá cân não mà mỗi founder phải tự ra quyết định, dựa trên hoàn cảnh cụ thể của mình. Chuyện đó thật áp lực (cười).
Trương Thu Hường: Nếu buộc phải dừng lại, ông sẽ thế nào?
TS Lương Việt Quốc: Trong cuộc sống, tôi luôn áp dụng nguyên tắc hãy đặt hòn sỏi ra xa để nhìn nhận mọi vấn đề thấu đáo. Bởi vì khi đặt hòn sỏi vào sát đôi mắt, bạn sẽ bị nó che hết cả thế giới nhưng chỉ cần đưa ra xa một chút lại thấy nó nhỏ hơn. Đặc biệt, nếu đem hòn sỏi ấy ném xuống đường thì hòn sỏi đó cũng như bao nhiêu hòn sỏi khác trên đường.
Nhiều biến cố ngay lúc đó bạn tưởng như rất kinh khủng, nhưng chỉ cần 5-10 năm nữa, chuyện đó bỗng “nhỏ như con thỏ” (cười). Đứng trước câu hỏi lớn, tôi luôn nghĩ: 5 năm nữa, khi đứng lại và nhìn về hôm nay, mình sẽ thế nào? Điều đó giúp tôi lùi ra xa một chút, nhìn mọi việc một cách bình tĩnh và từ từ mọi thứ sáng ra.
Vậy nếu như tôi thất bại, đóng cửa startup này và chẳng phát minh ra cái gì thì sao? Tôi tin mình vẫn sống tốt. Còn những người đã đầu tư vào đây, họ sẽ mất tiền, mất niềm tin vào tôi thì sao? Tôi nghĩ chuyện đó mình buộc phải chấp nhận và nó cũng là một phần của cuộc sống. Quan trọng, sự chính trực sẽ giúp người ta hiểu rằng tôi đã dồn hết sức nhưng tới giai đoạn đó, nó phải như thế.
Bạn biết không, khi nhà đầu tư lớn nhất rút lui, tôi đã bán luôn căn nhà ở Việt Nam mà chẳng hề suy nghĩ nhiều. Có nghĩa tôi đã dồn hết khả năng. Và nếu thất bại, có lẽ tôi sẽ chuyển qua làm cái khác vì chuyện này này đã đi tới giới hạn cuối cùng của mình rồi. Tôi sẽ chấp nhận thực tế chứ không hề nghĩ rằng, startup này đóng cửa thì đời mình cũng khép lại hay là không còn ý nghĩa, lý do gì để tiếp tục nỗ lực.
Trương Thu Hường: Sự sâu sắc đó có phải bởi vì tuổi thơ của ông đã trải qua nhiều khổ cực?
TS Lương Việt Quốc: Đúng vậy! Lúc nhỏ, nhà tôi nghèo tới mức đói là chuyện thường xuyên. Và khi đói có nghĩa trong nhà hoàn toàn trống rỗng, không có gì để ăn, tới nỗi em tôi từng bị ngộ độc vì ăn vỏ khoai mì (củ sắn) vì vỏ khoai chứa rất nhiều độc tố.
Cái đói khiến tôi kiệt quệ, không còn chút năng lượng nào để chú tâm học hành. Nếu bạn lật lại học bạ của tôi sẽ thấy Toán, tiếng Anh chỉ lẹt đẹt 2-3 phẩy. Chính vì tuổi thơ cơ cực như vậy nên bây giờ, dẫu có bất cứ chuyện gì xảy ra tôi vẫn chịu đựng và vượt qua được vì chẳng có gì khổ hơn những cái mà mình đã đi qua.
Trương Thu Hường: Tôi rất chia sẻ với những khó khăn mà ông đã trải qua…
TS Lương Việt Quốc: Cảm ơn bạn! Tôi nghĩ câu chuyện của mình một mặt nào đó tạo cảm hứng nhưng mặt khác, nó dường như che giấu đi sự thật là trong số 10.000 đứa trẻ không may lọt vào hoàn cảnh ấy, chỉ có vài người thoát ra. Chuyện ấy giống như phần đỉnh của tảng băng chìm. Phần chìm đáng buồn là rất nhiều đứa trẻ đã bị vướng lại trong thế giới thất học.
Tôi luôn tự hỏi, tại sao càng ở các nước phát triển, những câu chuyện anh hùng càng ít hơn? Có lẽ ở một đất nước mà người ta có nhiều câu chuyện anh hùng để kể thì đó không hẳn là điều đáng mừng. Điều tôi mong muốn là sẽ không có đứa trẻ nào phải lớn lên trong nghèo đói như mình.
Trương Thu Hường: Ông nghĩ có cách gì để làm được điều đó?
TS Lương Việt Quốc: Tôi nghĩ chỉ có thể nhờ vào giáo dục. Cuộc đời tôi khác nhiều bạn bè cùng lớn lên ở xóm chài sông Nhiêu Lộc là nhờ con đường học tập. Khi học tới cấp 3, tôi có một thế giới bạn bè khác, có những thầy cô thương mình, dắt về nhà giúp đỡ, nhưng điều quan trọng là những mối quan hệ đó giúp tôi thay đổi suy nghĩ.
Cho dù ban đầu tôi học hành rất kém, nhưng tôi lại xem học vấn là chuyện suốt đời. Tới năm 26 tuổi, tôi bắt đầu đi học tiếng Anh. Giả sử tôi không học ngoại ngữ, không đi Mỹ du học, có lẽ sẽ không có được năng lực như bây giờ.
Còn chuyện vì sao học rất tệ nhưng vẫn chuyên tâm tới lớp là bởi nền tảng gia đình. Bà nội luôn dạy tôi dù khổ đến mấy, nhất định không bao giờ được bỏ học.
Và khi bạn quyết tâm, nhân duyên sẽ tới. Duyên là cơ hội, nhân là bản thân mình có đủ năng lực để nắm bắt cơ hội đó hay không. Với tôi, duyên là học bổng Fulbright thời điểm đó bỏ quy định phải tốt nghiệp ĐH chính quy, và nhân là trước đó tôi đã dành 4-5 năm học tiếng Anh.
Trong cuộc sống này, tôi nghĩ sự nỗ lực sẽ luôn được đền đáp xứng đáng.
Trương Thu Hường: Xin cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện./