Khoảng 10 năm trước, chị Thái nghe theo lời khuyên của bạn bè và quyết định mua bảo hiểm cho con gái mình.
Theo lời của người này: “Gói bảo hiểm này rất tốt! Có thể bồi thường khi mắc bệnh, không bệnh thì vẫn có lãi như gửi tiết kiệm, mỗi năm đều có lãi, sau 10 năm có thể nhận khoảng 150.000 nhân dân tệ, nếu chờ đến khi con 25 tuổi, số tiền sẽ lên đến 250.000 nhân dân tệ, tính ra còn lợi hơn ngân hàng!”
Nghe vậy, chị Thái thấy hấp dẫn và quyết định đóng phí 10.000 nhân dân tệ mỗi năm trong vòng 10 năm, với hy vọng khi con gái vào đại học hoặc lập gia đình thì số tiền này sẽ hữu ích.
10 năm trôi qua, chị Thái đến công ty bảo hiểm để rút tiền, tuy nhiên nhân viên thông báo rằng phải đợi đến năm 2073 hoặc đến khi người thụ hưởng 60 tuổi/qua đời mới được rút tiền.
Chị Thái nghe vậy vô cùng bức xúc: “Năm 2073? Các người đùa à? Lúc đó tôi đã qua đời rồi, con gái tôi có lấy được tiền thì có ích gì?” Chị Thái tức giận nói, “Khi bán bảo hiểm sao các người không nói rõ? Đây chẳng phải lừa đảo sao?”
Nhân viên bảo hiểm bình thản lấy hợp đồng ra và đưa cho chị Thái xem: “Hợp đồng đã ghi rõ ràng rồi”. Họ giải thích rằng đây là một loại hình bảo hiểm nhân thọ đặc biệt. Chị phải đóng phí bảo hiểm trong vòng 10 năm, tuy nhiên khoản tiền gốc sẽ chỉ được hoàn trả khi con gái chị - người thụ hưởng qua đời.
Chị Thái đương nhiên không chấp nhận, yêu cầu được hoàn trả toàn bộ số tiền đã đóng và công ty bảo hiểm phải giải thích rõ ràng. Tuy nhiên, phía công ty bảo hiểm vẫn khẳng định rằng các điều khoản đã được giải thích rõ khi ký hợp đồng.
Chị Thái quyết định không đôi co thêm với công ty bảo hiểm, lập tức gọi đến đường dây nóng của cơ quan quản lý tài chính để khiếu nại và công khai sự việc cho truyền thông.
Trong vòng một tháng liên tục trao đổi, dưới áp lực của dư luận, công ty bảo hiểm cuối cùng đã nhượng bộ và đồng ý hoàn trả 95.000 nhân dân tệ. Nhưng chị Thái không hài lòng với kết quả, chị nói: “Tôi không cần lãi, chỉ cần các người trả lại tiền gốc, không thiếu một xu!”
Với trường hợp của chị Thái, hành vi bán hàng của công ty bảo hiểm có cấu thành lừa đảo không?
Theo Luật Trung Quốc có quy định: “Nếu doanh nghiệp cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ có hành vi lừa đảo, thì phải bồi thường thiệt hại theo yêu cầu của người tiêu dùng, với số tiền bồi thường gấp ba lần giá trị hàng hóa hoặc dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua.”
Trong trường hợp này, chị Thái cho biết khi mua bảo hiểm, công ty bảo hiểm cam kết sau 10 năm có thể nhận lại cả gốc lẫn lãi. Thực tế là chỉ có thể rút tiền khi người thụ hưởng 60 tuổi hoặc qua đời.
Nếu chị Thái có bằng chứng chứng minh công ty bảo hiểm đã cố tình giấu nội dung hợp đồng hoặc cố ý lừa dối khách hàng, thì công ty bảo hiểm có thể bị xem là có hành vi lừa đảo và phải bồi thường thiệt hại cho chị Thái.
Theo ý kiến từ các chuyên gia trong ngành, chị Thái có thể kiện công ty bảo hiểm ra tòa. Theo tình hình hiện tại, công ty bảo hiểm không chỉ phải hoàn trả số tiền đã đóng mà còn có thể bị xem là có hành vi lừa đảo, chị Thái có thể yêu cầu “hoàn tiền và bồi thường gấp ba”.
Sự việc hiện vẫn chưa ngã ngũ. Câu chuyện của chị Thái cũng là bài học cho nhiều người tiêu dùng khác. Khi mua bảo hiểm hay các sản phẩm tài chính, cần phải tỉnh táo và thận trọng, tránh sa vào các “cạm bẫy ngọt ngào.” Không nên dễ dàng tin vào lời hứa, cũng đừng bị đánh lừa bởi lợi nhuận cao. Hãy đọc kỹ các điều khoản, đặc biệt là những nội dung liên quan đến lợi nhuận, rủi ro và thời hạn. Nếu cần, hãy tìm kiếm sự tư vấn từ chuyên gia.
Đồng thời, cần nâng cao kiến thức tài chính của bản thân và tăng cường ý thức phòng ngừa rủi ro, lựa chọn những sản phẩm tài chính phù hợp với nhu cầu của mình, tránh chạy theo số đông để không gặp phải những tổn thất không cần thiết.
Toutiao