Tại nhiều quốc gia trên thế giới, xu hướng rời bỏ trung tâm đô thị để chuyển về các khu vực ngoại ô đã không còn xa lạ. Những thành phố lớn như New York, Paris hay London đều đang chứng kiến làn sóng di cư ngày càng mạnh mẽ ra khỏi khu vực trung tâm. Nguyên nhân chính đến từ giá nhà đất ngày càng cao, áp lực cuộc sống gia tăng và mong muốn được tận hưởng một không gian sống trong lành hơn.
Tại Mỹ, sự dịch chuyển này đã diễn ra trong suốt hơn một thập kỷ qua, nhưng đặc biệt tăng tốc từ sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, đến năm 2025, xu hướng này đang bị đẩy nhanh hơn nữa do tác động từ Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) – một sáng kiến dưới chính quyền Trump do Elon Musk và Vivek Ramaswamy dẫn dắt. DOGE có mục tiêu cắt giảm chi tiêu liên bang bằng cách loại bỏ hàng loạt việc làm trong khu vực hành chính công, tạo ra sự xáo trộn lớn đối với thị trường bất động sản Mỹ, đặc biệt là tại Washington, D.C.

Tại khu vực D.C., số lượng nhà rao bán đã tăng vọt trong năm 2025. Theo dữ liệu từ Realtor.com, danh sách nhà chờ bán đã tăng hơn 56% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi số lượng nhà mới được rao bán cũng tăng 12% so với năm trước theo báo cáo của RE/MAX. Nguyên nhân chính là sự bất ổn trong lực lượng lao động liên bang – với khoảng 141.000 người đang làm việc tại khu vực này – khi nhiều người lo sợ mất việc làm và buộc phải rao bán nhà để tìm kiếm cơ hội ở nơi khác.
Không chỉ tại Mỹ, xu hướng này cũng thể hiện rõ ràng ở châu Âu. Tại Pháp, dù Paris được xem là một trong những thành phố đẹp và sầm uất nhất thế giới, nhưng phần lớn người Pháp vẫn chuộng cuộc sống tại vùng ngoại ô hơn.
Một khảo sát gần đây cho thấy, 81% người Pháp được hỏi cho biết họ thích sống ở vùng ven, nơi không khí trong lành, ít ô nhiễm và không gian rộng rãi hơn. Đặc biệt, ở các nước Bắc Âu như Thụy Điển, Đan Mạch hay Hà Lan, mô hình sống xanh tại ngoại ô ngày càng phổ biến.
Chính phủ tại các quốc gia này đã đầu tư mạnh vào hạ tầng giao thông và tiện ích công cộng để giúp cư dân có thể dễ dàng di chuyển từ ngoại ô vào trung tâm khi cần thiết. Điều này làm giảm đáng kể sự lệ thuộc vào cuộc sống đô thị chật chội và đắt đỏ.
Tại Anh, một báo cáo từ The Sunday Telegraph cho thấy ít nhất 6 trong số 10 khách hàng mua nhà trong năm 2024 lựa chọn bất động sản ở vùng ven thay vì trung tâm. Nguyên nhân chính đến từ sự mệt mỏi với cuộc sống ồn ào, tắc nghẽn và đắt đỏ tại các đô thị lớn như London. Thị trường bất động sản tại các khu vực như Surrey hay Essex đã bùng nổ trong những năm qua, với giá nhà tăng trung bình 15-20% do nhu cầu quá lớn.
Làn sóng chuyển dịch ra ngoại ô không chỉ đơn thuần là xu hướng về bất động sản mà còn liên quan trực tiếp đến chất lượng sống. Các nghiên cứu từ Đại học Harvard đã chỉ ra rằng, những người sống trong môi trường xanh có sức khỏe tinh thần và thể chất tốt hơn. Họ ít bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí, tiếng ồn và căng thẳng từ cuộc sống đô thị. Đồng thời, không gian rộng rãi ở ngoại ô cũng giúp cải thiện mối quan hệ gia đình, khi các thành viên có thể dành nhiều thời gian bên nhau hơn thay vì phải chật vật với lịch trình dày đặc trong thành phố.
Tại Việt Nam, xu hướng này dù đi sau nhưng cũng đang ngày càng rõ nét. Tại Hà Nội và TP.HCM, giá bất động sản tại khu vực trung tâm đã đạt mức cao kỷ lục, đẩy nhiều người phải tìm đến các khu vực ven đô như Hưng Yên, Hòa Lạc, Đồng Nai hay Bình Dương. Không chỉ có lợi thế về giá cả, những khu vực này còn được hưởng lợi từ sự phát triển hạ tầng giao thông, giúp việc kết nối với trung tâm thành phố trở nên dễ dàng hơn.
Nếu như trước đây, người Việt thường có tâm lý muốn sống gần trung tâm để thuận tiện cho công việc và các dịch vụ, thì giờ đây, với sự bùng nổ của mô hình làm việc linh hoạt và nhu cầu về một môi trường sống lành mạnh hơn, lựa chọn sống tại vùng ven đang trở thành xu hướng tất yếu. Nhiều khu đô thị vệ tinh đã và đang hình thành để đáp ứng nhu cầu này, với không gian sống xanh, đầy đủ tiện ích và giá cả hợp lý hơn nhiều so với nội đô.