Nghỉ làm công sở vì áp lực nhưng hết tiền: 30 tuổi chạy ship kiếm 300k/ngày, cắt giảm tối đa tiền ăn uống và không vui chơi

Vân Anh | 20:43 08/04/2024

Mỗi người đều cần chuẩn bị trước cho những thay đổi có thể ảnh hưởng lớn đến tài chính cá nhân, chẳng hạn nghỉ việc.

Nghỉ làm công sở vì áp lực nhưng hết tiền: 30 tuổi chạy ship kiếm 300k/ngày, cắt giảm tối đa tiền ăn uống và không vui chơi

Nộp đơn nghỉ việc là lựa chọn của nhiều người trẻ khi cảm thấy áp lực với môi trường công sở, mong muốn có thời gian nghỉ ngơi. Lời nói xin nghỉ việc thì có thể dễ dàng buông ra, nhưng làm sao để sống tốt khi bỗng dưng mất đi nguồn thu nhập quan trọng lại là bài toán khó khăn hơn. 

Dù là ở trường hợp nào, nếu không có sự chuẩn bị trước về tài chính, rất nhanh bạn sẽ phải đối diện với áp lực tiền bạc. Câu chuyện của chàng trai dưới đây là ví dụ.

Nghỉ việc giữa bão sa thải: Từ áp lực công việc sang “khủng hoảng tài chính”

Từ đầu tháng 3/2024, Khang (SN 1994, TP. HCM) đã có khoảng thời gian nghỉ ngơi cho riêng mình. Trước đó, anh chàng làm quản lý kho, nhận mức lương 15 triệu đồng/tháng. Khang mất 2 tháng cân nhắc, trước khi chính thức nộp đơn xin nghỉ việc.

anh-chup-man-hinh-2024-04-08-luc-20.10.42.png
Khang (Ảnh: NVCC)

“Có nhiều lý do dẫn đến việc mình xin nghỉ ở công ty cũ. Trong đó, lý do nhiều nhất là bản thân không sắp xếp được công việc và thời gian. Sau khi hết giờ hành chính, mình còn phải ở lại công ty làm nốt các công việc liên quan khác nữa. Nó cứ kéo dài khoảng 2-3 tháng như thế khiến mình thấy mệt mỏi, không dành được nhiều thời gian cho bản thân. 

Các công việc mình phải làm thêm liên quan nhiều đến việc quản lý hàng hóa và hệ thống cần hỗ trợ. Mình đã nhiều lần yêu cầu công ty nâng cấp hệ thống, bổ sung nhân lực để giúp đỡ nhưng không được xem xét nhiều.

Sau đó, mình đã tự đặt 2 câu hỏi dành cho bản thân và cũng trình bày với quản lý. 

Thứ nhất, về phía công ty, nếu các vấn đề mình chia sẻ mà công ty không xem xét giải quyết được trong thời gian mong muốn, hay họ không xem đó là sự ưu tiên, thì sự ra đi là hợp cho bản thân mình. Thứ hai, về cá nhân, nếu trong thời gian khó khăn, mình tiếp tục không thể giải quyết tốt, không cân bằng được thời gian thì nguyên nhân sẽ đâu đó liên quan đến năng lực của bản thân. Vậy thì nếu năng lực của mình không đủ thì việc nghỉ sẽ hợp lý hơn cho công ty:

Sau thời gian cân nhắc, mình quyết định báo thôi việc. Và cuối tháng 2/2024 là ngày làm việc cuối cùng”, Khang nhớ lại lý do khiến anh chọn xin nghỉ việc.

Trước thời điểm nghỉ việc, anh chàng đã tranh thủ rải CV, tham gia nhiều cuộc phỏng vấn nhưng mãi sau này chưa tìm thấy công việc phù hợp. Bởi vì chưa đi làm, song các khoản chi tiêu hàng tháng vẫn cần chi trả và quỹ tiết kiệm eo hẹp đã khiến quãng thời gian thất nghiệp của chàng trai trôi qua khá chật vật.

“Do nguồn thu nhập là công việc văn phòng nên khi mình nghỉ và không có việc mới liền thì bị hụt tiền nhiều. Trong khi đó, mình có nhiều khoản chi như trả nợ ngân hàng (do mình đua theo sóng chứng khoán hồi những năm 2021 - 2022 và tự tin rằng bản thân sẽ có lời nên mình vay ngân hàng khoảng 100 triệu để giờ hằng tháng phải trả nợ lãi + gốc), phụ gia đình hằng tháng, tiền ăn uống, trả tiền nhà, chi phí sinh hoạt, nuôi 1 em mèo ta đen và 1 em chó golden.

Tuy nhiên, mình cũng không có nhiều tiền tiết kiệm. Mình tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh, năm nay cũng đã 30 tuổi, thời gian đi làm cũng ngót nghét 6 năm. Nhìn lại và phải thành thật mà nói việc quản lý tài chính của mình khá là kém, hời hợt và thật không nghiêm túc. Vì thế, mình cũng đã trải qua quãng thời gian khó khăn và nhìn nhận được các bài học cho nó”.

tai-chinh-thong-minh.jpg
Ảnh minh hoạ

Chạy shipper vì không thể ngồi yên đợi nhà tuyển dụng

Dù đã rải nhiều CV nhưng mãi không nhận về hồi âm từ nhà tuyển dụng, trong khi số tiền đang có cứ dần cạn đi, Khang quyết định không chờ đợi nữa và nhanh chóng đi tìm công việc phụ gia tăng thu nhập. 

Việc đầu tiên anh tìm đến là nhân viên kho bán thời gian, với mức lương cho 8h làm việc là 272 ngàn đồng. “Thế nhưng, công việc khá nặng đối với mình. Mình phải bốc vác hàng liên tục, là vì ngày đó chính là ngày chuỗi bán hàng lớn nên đơn hàng đổ về cho đơn vị đó rất đông. Sau đó, mình đã nghỉ làm việc này”, anh chàng chia sẻ.

Không lâu sau, anh chàng được bạn giới thiệu làm shipper để thay thế. Và đó cũng là công việc mà Khang chọn gắn bó sau này, ngay cả khi hiện tại anh đã tìm được công việc chính thức.

Ban đầu, chàng trai còn gặp nhiều khó khăn khi làm quen với công việc shipper. Chẳng hạn như anh chưa có nhiều kinh nghiệm trong công việc, không rõ địa điểm nào đông khách, xem bản đồ/định vị như thế nào cho chính xác, đôi khi thấy sức khỏe không đảm bảo do trước giờ chỉ quen làm nhân viên văn phòng… Cũng vì thế, những ngày đầu Khang kiếm được không nhiều tiền. Tuy nhiên, sau khi đã chạy xe quen, chàng trai có thể kiếm được khoảng 300k đồng/ngày, sau khi trừ đi tất cả chi phí.

Bên cạnh tăng thu, Khang cũng cần thắt chặt chi tiêu trong khi công việc còn chưa ổn định. “Mình cắt giảm và ‘cai nghiện’ luôn các khoản mua hàng hóa, quần áo trên các sàn thương mại điện tử, mỗi tuần đi quán cafe, ăn uống sang trọng.

Mình tiết kiệm cho bản thân xuống mức đơn giản như chỉ ăn trưa cơm 30k đồng, ăn chiều cơm/bún 40k đồng. Nếu chạy shipper mà có khát thì mình ghé mua nước ngọt/nước dừa giải khát khoảng 15k - 25k đồng, còn lại là mình tự pha nước trà ở nhà mang theo”.

anh-chup-man-hinh-2024-04-08-luc-20.19.12.png
Ảnh minh hoạ

Học được gì sau lần thất nghiệp?

Khang chia sẻ, anh chàng nghỉ việc từ đầu tháng 3/2024 và tìm được công việc quản lý kho vận mới sau 3 tuần rải CV. Song song đó, Khang vẫn duy trì làm shipper, kiếm thêm được khoảng 50k - 100k đồng/ngày. “Mình vẫn duy trì việc chạy xe đến hiện tại vì xe điện rất tiết kiệm. Bên cạnh đó, mình cũng có xe để chạy đây đó, đồng thời gia tăng thu nhập”, anh chàng chia sẻ.

Trước đó, cách đây 1 năm, Khang từng có thời gian chật vật tiền nong khi thất nghiệp trong 4 tháng. “Mình nghỉ việc là tháng 3/2023, nhưng phải đến giữa tháng 7/2023 mới có việc mới. Mình từng khá tự tin về CV (làm ở tập đoàn lớn lâu năm) nhưng lúc mình nghỉ việc là khởi đầu của làn sóng sa thải hàng loạt tại các công ty công nghệ lớn. Khoảng thời gian đó cũng khá khó khăn với mình. Nhưng may mắn là trong 4 tháng thất nghiệp, mình đã đi làm chứng từ và được bảo hiểm thất nghiệp bù đắp phần nào”.

Từ trải nghiệm cá nhân, Khang muốn gửi lời khuyên cho người trẻ dự tính nghỉ việc trong thời điểm kinh tế khó khăn. Anh chàng chia sẻ: “Bạn hãy hỏi bản thân, tiền tiết kiệm được bao nhiêu để mình có thể nghỉ một thời gian? Nếu muốn nghỉ việc và chưa có nhiều tiền tiết kiệm thì hãy xem lại bản thân đã có việc mới liền sau khi nghỉ việc cũ chưa? Nếu vẫn thất nghiệp, mình có sẵn sàng đi làm thêm, chạy xe ôm công nghệ kiếm thêm không?

Sau đó, bạn nên xem mình cần thủ tục, chứng từ gì để lãnh bảo hiểm thất nghiệp, mình lãnh được bao nhiêu tháng tương ứng với thời gian đã làm. Và hơn hết là mình ưu tiên cho giai đoạn chuyển giao này là tiết kiệm hợp lý, cũng như tạo tiền đề cho việc tạo thói quen chi tiêu cho những người quản lý tài chính không hợp lý như mình.

Mình không tiêu cực hóa vấn đề. Vì chính bản thân các bạn phải trải qua khó khăn, giai đoạn chi tiêu bất cần, hoang phí thì mới biết là mình cần phải làm gì, và tạo động lực để vượt qua những khó khăn đó”.


(0) Bình luận
Nghỉ làm công sở vì áp lực nhưng hết tiền: 30 tuổi chạy ship kiếm 300k/ngày, cắt giảm tối đa tiền ăn uống và không vui chơi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO