Theo hãng tin Reuters, Bộ trưởng tài chính Mỹ Janet Yellen, đồng thời là Cựu Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), mới đây cho biết Mỹ có thể chạm trần nợ công 31,4 nghìn tỷ USD vào ngày 19/1/2023, qua đó buộc cơ quan này phải triển khai những biện pháp quản lý tiền đặc biệt nhằm tránh khỏi việc chính phủ vỡ nợ từ nay cho đến đầu tháng 6/2023.
“Một khi chạm trần nợ thì Bộ tài chính sẽ phải khởi động các chương trình quản lý tiền đặc biệt nhằm tránh cho việc chính phủ Mỹ rơi vào cảnh vỡ nợ”, Bộ trưởng Yellen cho biết khi đang hối thúc các nhà hoạch định chính sách nên nhanh chóng nâng trần nợ công để bảo vệ sự ổn định cho nước Mỹ.
“Mặc dù Bộ tài chính không thể ước tính chính xác các biện pháp quản lý tiền đặc biệt sẽ giúp Mỹ kéo dài thời gian được bao lâu nhưng nhiều khả năng chính phủ sẽ hết tiền mặt và các biện pháp trên cũng trở nên vô tác dụng vào đầu tháng 6/2023”, bà Yellen cảnh báo.
Lời cảnh báo của bà Yellen hiện đang gây được sự chú ý của truyền thông trong bối cảnh Đảng Cộng Hòa kiểm soát Hạ viện đang muốn dùng trần nợ công để ép chính phủ Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng như Đảng Dân Chủ phải cắt giảm chi tiêu ngân sách.
Tình trạng này đã từng diễn ra vào năm 2011 khi Cựu Tổng thống Barack Obama cùng Đảng Dân Chủ cũng có cuộc chiến về chi tiêu ngân sách và trần nợ công nhưng may mắn kịp thời đạt được thỏa thuận trước khi nguy cơ vỡ nợ xảy ra.
Sống chung với nợ
Trước khi đi vào câu chuyện nợ công, chúng ta cần hiểu tại sao chính phủ Mỹ không in thêm tiền để giải quyết nợ công. Về lý thuyết, nếu chỉ đơn giản in thêm tiền để trả nợ công thì sẽ chỉ gây ra lạm phát và khủng hoảng kinh tế, nhưng câu chuyện tại Mỹ thì phức tạp hơn nhiều.
Việc phát hành tiền được quản lý bởi các hệ thống ngân hàng của Cục dự trữ liên bang (FED) và điều này đồng nghĩa với việc chính phủ Mỹ sẽ luôn phải sống chung với nợ.
Xin được nhắc là mỗi lần FED in thêm bao nhiêu USD thì Chính phủ Mỹ, hay nói cách khác là người dân Mỹ, phải nợ FED bấy nhiêu tiền.
Chính phủ Mỹ chỉ chịu trách nhiệm phát hành tiền kim loại dưới 1 USD, còn tiền giấy thực chất chỉ là tờ chứng nhận trao đổi của chính phủ. Cho tới năm 1971 khi chế độ “bản vị vàng” (Gold Standard) chấm dứt, nước Mỹ chỉ còn duy nhất đồng USD do FED phát hành.
Muốn có được tiền giấy USD, Chính phủ Mỹ cần phải đem công trái của người dân thế chấp cho FED, lúc này "phiếu dự trữ liên bang" (Federal Reserve Note) do FED phát hành chính là tiền USD.
Quay trở lại câu chuyện, tờ New York Times cho biết trần nợ công là hạn mức mà chính phủ liên bang Mỹ có thể vay mượn để thực hiện những nghĩa vụ của mình.
Do chính phủ Mỹ thường xuyên ở vào trạng thái thâm hụt ngân sách, tức chi nhiều hơn thu nên họ sẽ phải vay mượn của FED để thanh toán các chương trình an sinh xã hội, duy trì quân đội hay các khoản chi khác để vận hành chính phủ.
Chính vì vậy, những khoản hỗ trợ nghìn tỷ USD cho người dân trong mùa dịch hay các gói kích thích kinh tế khổng lồ nhằm duy trì vị thế số 1 thế giới của Mỹ đều có cái giá của nó.
Vào cuối năm 2021, đà tăng nợ công quá cao của Mỹ đã buộc nghị viện Mỹ chấp nhận nâng trần nợ công lên 31 nghìn tỷ USD.
Việc Bộ trưởng Yellen cho rằng chính phủ Mỹ chỉ còn thời hạn đến đầu tháng 6 cho thấy tính nghiêm trọng của vấn đề bởi các chuyên gia từng dự đoán chính phủ vẫn có thể cầm cự đến quý III/2023.
Ví dụ Goldman Sachs ước tính vào khoảng tháng 8/2023 thì viễn cảnh vỡ nợ của chính phủ Mỹ mới có thể xảy ra.
Hỗn loạn
Theo Bộ trưởng Yellen, Mỹ chỉ còn cách trần nợ công 7,8 tỷ USD và việc không thể nâng trần nợ sẽ đem lại hậu quả cực kỳ nghiêm trọng
“Việc chính phủ không đủ tiền để hoàn thành các nghĩa vụ của mình sẽ gây ảnh hưởng nặng đến nền kinh tế Mỹ, đến cuộc sống của người dân và tạo nên sự bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu”, bà Yellen cảnh báo.
Hãng tin CNN cho biết Goldman Sachs từng cảnh báo vào tháng trước rằng vấn đề trần nợ công có thể tác động mạnh đến Phố Wall và tạo nên hiệu ứng domino, gây ảnh hưởng đến mọi người dân Mỹ.
“Dường như sự bất ổn về trần nợ công trong năm 2023 có thể dẫn đến sự biến động mạnh trên thị trường tài chính”, báo cáo của Goldman Sachs ghi rõ khi nhắc lại vụ việc năm 2011 đã tạo nên cuộc bán tháo lớn trên thị trường chứng khoán.
Dù sự việc năm 2011 kết thúc tốt đẹp ngay sát giờ vỡ nợ nhưng chúng cũng tạo nên một cuộc biến động mạnh trên thị trường và nền kinh tế Mỹ phải mất nửa năm để hồi phục. Chi phí vay của doanh nghiệp tăng cao khiến rủi ro đầu tư đi lên liên tục, tạo thành một vòng luẩn quẩn khi công ty phải trả lãi vay cao hơn cho nhà đầu tư.
Lãi vay thế chấp bất động sản cũng tăng cao khiến thị trường gặp khó. Tồi tệ hơn, S&P lần đầu tiên trong lịch sử phải hạ mức tín nhiệm của nền kinh tế Mỹ. Các chỉ số về niềm tin của người tiêu dùng hay doanh nghiệp trong thời gian đó đều giảm mạnh.
Hội đồng cố vấn kinh tế cho Tổng thống Mỹ (CEA) thì bi quan hơn khi cho rằng kinh tế Mỹ sẽ lâm vào suy thoái dài hạn nếu chính phủ nước này vỡ nợ. Theo định nghĩa, chính phủ Mỹ vỡ nợ sẽ khiến hàng chục triệu người Mỹ sống phụ thuộc vào chính phủ chịu ảnh hưởng. Công chức, người nghỉ hưu, cựu binh...sẽ không nhận được thu nhập.
Thế rồi việc mất uy tín khi vỡ nợ sẽ khiến chính phủ Mỹ phải tốn nhiều tiền hơn khi vay nợ hoặc tạo dựng lại niềm tin trong người dân để có vốn thực hiện các dự án công.
Tháng 12/2022, tổ chức nghiên cứu Third Way của Đảng Dân Chủ ước tính việc vỡ trần nợ công sẽ khiến ít nhất 3 triệu người Mỹ mất việc làm, tăng bình quân 130.000 USD chi phí vay cho các khoản tín dụng bất động sản thế chấp 30 năm, khiến đất nước nợ nần thêm 850 tỷ USD nữa.
Ngoài ra, việc Mỹ vỡ nợ sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu do phần lớn nền kinh tế thế giới chọn các tài sản của nước này làm nơi trú ẩn an toàn, ví dụ như đồng USD.
Bất chấp những rủi ro đó, hãng tin CNN cho biết phía Nhà Trắng sẽ không chấp nhận đàm phán về việc nâng trần nợ công theo yêu cầu như phía Đảng Cộng Hòa đưa ra.
“Chúng tôi sẽ không thực hiện bất kỳ cuộc đàm phán nào về trần nợ công...”, thư ký báo chí Nhà Trắng, bà Karine Jean Pierre nói.
*Nguồn: Bloomberg, CNN, Reuters, QZ