Một tỉnh của Việt Nam sắp đấu giá 17 “kho tài sản” lớn

Minh Hằng | 18:55 05/09/2024

Được quy hoạch trở thành TP trực thuộc Trung ương, một tỉnh của Việt Nam sắp tiến hành đấu giá nhiều “kho báu”.

Một tỉnh của Việt Nam sắp đấu giá 17 “kho tài sản” lớn
Hải Dương là một trong 8 tỉnh được định hướng trở thành TP trực thuộc Trung ương. Ảnh: MM

Theo Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 22/8 về phê duyệt Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, của Thủ tướng Chính phủ, 8 tỉnh định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm: Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Bắc Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hải Dương, Bình Dương (dự kiến đến năm 2030 là đô thị loại I).

Như vậy, Hải Dương sẽ là một trong 8 tỉnh trở thành TP trực thuộc Trung ương của Việt Nam.

Trong thời gian tới, tỉnh Hải Dương sẽ đấu giá 17 khu vực vật liệu san lấp. Cụ thể, theo thống kê từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương, trên địa bàn tỉnh có 13 khu vực phải hoàn thiện các thủ tục trước khi tiến hành đấu giá quyền khai thác khoáng sản, với trữ lượng khoảng 30,379 triệu m3 đất san lấp và 3,954 triệu m3 cát san lấp cùng 3,14 triệu m3 khoáng sản khác.

Khi các mỏ này được đấu giá và cấp quyền khai thác sẽ góp phần giải quyết "cơn khát" về vật liệu san lấp ở trong tỉnh thời gian qua.

Một tỉnh của Việt Nam sắp đấu giá 17 “kho báu” lớn - Ảnh 1.

Đấu giá quyền khai thác khoáng sản sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Ảnh minh họa

Cụ thể, các mỏ khoáng sản bao gồm:

Tại thị xã Kinh Môn có 3 mỏ đất đồi, cát làm vật liệu san lấp; sét làm gạch ngói ở núi Hũng Con thuộc phường Phú Thứ, núi Một ở phường Thái Thịnh và bãi sông Kinh Môn thuộc thôn Trần Xá, xã Lạc Long. Tổng diện tích của 3 mỏ này rộng 15 ha, với tổng trữ lượng 0,837 triệu m3.

TP Chí Linh có 5 mỏ đất đồi cần đấu giá quyền khai thác nằm trên địa bàn của các phường Hoàng Tiến, Văn An, Chí Minh, Hoàng Tân, Bến Tắm và An Lạc. Tổng diện tích của các mỏ này là 73,9587 ha, với tổng trữ lượng là 13,959 triệu m3.

Ngoài ra, các mỏ đất đồi cần điều chỉnh khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản và phải đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở núi Đại Hàn, khu vực mở rộng đồi Hố Đa, khu vực đồi Cơ Khí tại các phường Văn Đức, Văn An, Chí Minh, Sao Đỏ. Tổng diện tích của các mỏ này là 73,82 ha, với tổng trữ lượng là 15,817 triệu m3.

Tại huyện Tứ Kỳ có những mỏ cát đen, đất sét pha cát làm vật liệu san lấp ở xã Tứ Xuyên rộng 62,47ha, với trữ lượng là 3,39 triệu m3.

Tại thôn Bồ Nông, xã Tuấn Việt (Kim Thành) có Bãi Thoi rộng 20 ha, với trữ lượng 0,33 triệu m3.

Hải Dương tăng trưởng kinh tế thuộc top đầu cả nước

Một tỉnh của Việt Nam sắp đấu giá 17 “kho báu” lớn - Ảnh 2.

Thành phố Hải Dương. Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Hải Dương

Hải Dương là tỉnh nằm ở vùng đồng bằng sông Hồng, rộng 1.668 km2, có dân số 2 triệu người, gồm 12 đơn vị hành chính cấp huyện và 235 xã. Tỉnh Hải Dương tiếp giáp với Thái Bình, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh. Tỉnh này cách Hà Nội gần 60 km và cách sân bay Nội Bài 75 km, sân bay Cát Bi (Hải Phòng) 55 km, sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) 140 km. Ngoài ra, tỉnh Hải Dương cũng nằm gần nhiều cảng biển như Cái Lân, Đình Vũ, Hải Phòng.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2024, GRDP của tỉnh tăng trưởng 10%, đứng thứ 7 toàn quốc và thứ 3 ở vùng đồng bằng sông Hồng. Trong đó, công nghiệp tiếp tục là mũi nhọn của tỉnh, với tăng trưởng 14,31%, góp 7,04% vào tăng trưởng chung. Thu nhập của người dân đứng 10/63 của cả nước.

Tỉnh Hải Dương đang phát triển nông nghiệp công nghệ cao và đa giá trị nhằm nâng thu nhập và mức sống cho bà con nông dân. Trong năm 2023, sản xuất nông nghiệp của Hải Dương có tốc độ tăng trưởng đạt gần 4,1%, cao hơn cả bình quân cả nước và đứng thứ ba tại vùng đồng bằng sông Hồng. Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh trong năm 2023 đạt 5,34 triệu đồng/người/tháng, tăng 8,2% so với năm 2022.

Theo quy hoạch, đến năm 2030, Hải Dương vào top các tỉnh có quy mô kinh tế lớn cả nước, đồng thời có hệ thống đô thị xanh, thông minh, hiện đại và đạt một số tiêu chí cơ bản của thành phố trực thuộc trung ương với tốc độ tăng trưởng bình quân 9,5% mỗi năm. Dân số của tỉnh dự kiến đạt 2,55 triệu và GRDP bình quân đầu người là 180 triệu đồng.

Đến năm 2050, Hải Dương đạt tiêu chí của thành phố trực thuộc trung ương theo hướng xanh, hiện đại, thông minh, giàu bản sắc văn hóa xứ Đông. Trong đó, ngành công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao được đẩy mạnh; nông nghiệp phát triển theo hướng đa giá trị, tạo ổn định cho nền kinh tế.

Theo quy hoạch trên, tỉnh Hải Dương sẽ trở thành nơi thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư ngành thiết bị gia dụng, điện tử thông minh, cơ khí chế tạo, linh kiện cao cấp, từ đó tiến tới sản xuất sản phẩm cảm biến, chip quy mô lớn.

Hải Dương sẽ hình thành 3 vùng công nghiệp tại huyện Bình Giang - Thanh Miện; công nghiệp hỗ trợ ở TP Hải Dương, huyện Gia Lộc, Cẩm Giàng; công nghiệp nặng, chế biến nông lâm thủy sản và năng lượng sạch tại TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn, huyện Kim Thành, Nam Sạch, Thanh Hà, Tứ Kỳ, Ninh Giang.

Việt Nam hiện nay có 5 thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ.


(0) Bình luận
Một tỉnh của Việt Nam sắp đấu giá 17 “kho tài sản” lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO