Một mặt hàng của Việt Nam bất ngờ được Singapore ráo riết “săn lùng”, xuất khẩu tăng đột biến hơn 19.000% chỉ trong 1 tháng

Khánh Vy | 21:35 20/10/2023

Giá xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam sang Singapore giảm sốc gần 70% so với cùng kỳ năm 2022.

Một mặt hàng của Việt Nam bất ngờ được Singapore ráo riết “săn lùng”, xuất khẩu tăng đột biến hơn 19.000% chỉ trong 1 tháng

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Singapore trong tháng 9/2023 đạt 3,09 tỷ USD, giảm 13,02% so với tháng trước đó, nhưng tăng 1,9% so với tháng 9/2022. Tính chung trong 9 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Singapore đạt 3,09 tỷ USD, giảm 8,4% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý trong tháng 9, xuất khẩu sắt thép của Việt Nam sang Singapore tăng đột biến với mức tăng mạnh nhất trong số các loại hàng hóa xuất khẩu.

Cụ thể, xuất khẩu sắt thép các loại sang Singapore tháng 9 đạt 63.535 tấn, trị giá hơn 34,2 triệu USD, tăng mạnh 19.329% về lượng và tăng 5.542% về kim ngạch so với tháng 9/2022.

Tính đến hết tháng 9, xuất khẩu sắt thép sang thị trường này đạt hơn 230.451 tấn, tương đương 131,78 triệu USD, giảm 4,2% về lượng và giảm 27,8% về trị giá do các tháng trước đó giao dịch với số lượng ít. Giá xuất khẩu trung bình trong 9 tháng đầu năm đạt 571,8 USD/tấn, giảm sốc gần 70% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sắt thép của Việt Nam trong tháng 9 giảm mạnh, chạm mức thấp nhất trong 7 tháng qua, đạt 864.424 tấn, với trị giá gần 611 triệu USD, giảm 12,5% về lượng và giảm 13,5% về trị giá so với tháng 8; nhưng so với cùng kỳ năm trước vẫn tăng 63,6% về lượng và tăng 43,6% về trị giá.

Tháng 9, xuất khẩu sắt thép sang các thị trường chính như EU, Hoa Kỳ, Khu vực Đông Nam Á (Campuchia, Indonesia, Malaysia) giảm mạnh so với tháng 8. Ngược lại, xuất khẩu sang một số thị trường như Ấn Độ tăng tới 193,1% về lượng và tăng 147,9% về trị giá; Thổ Nhĩ Kỳ tăng 303 lần về lượng và 52 lần về trị giá.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sắt thép đạt hơn 8,23 triệu tấn, với trị giá gần 6,30 tỷ USD, tăng 27,4% về lượng, nhưng giảm 3,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Dự báo tình hình kinh tế, chính trị xã hội, an ninh toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường trong những tháng cuối năm sẽ ảnh hưởng tới tổng cầu của thế giới.

Hãng Chứng khoán Dầu khí (PSI) nhận định xuất khẩu thép, nhất là đối với sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC), sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong quý 4. Cụ thể, hạn ngạch nhập khẩu các sản phẩm thép như HRC vào EU sẽ bị hạn chế do nhu cầu tại khu vực này không cao. Trong khi đó, tiêu thụ nội địa chưa có dấu hiệu cải thiện.

Bên cạnh đó, nhiều quốc gia phát triển đang đưa ra các hàng rào nhập khẩu mới với lý do môi trường cũng sẽ là thách thức với thép xuất khẩu của Việt Nam … Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu (EU) vừa chính thức có hiệu lực trong giai đoạn chuyển tiếp kể từ ngày 01/10/2023. Sản xuất sắt thép là một trong những ngành thuộc phạm vi cơ chế này.

Ngoài ra, chính sách đẩy mạnh xuất khẩu thép của Trung Quốc khi đầu ra lớn nhất của ngành thép nước này là thị trường bất động sản gặp khủng hoảng toàn diện sẽ áp lực lớn với ngành thép Việt Nam.

Theo dữ liệu của Hải quan Trung Quốc, nước này đã xuất khẩu ra thế giới 66,8 triệu tấn thép trong 9 tháng đầu năm 2023, tăng 31,8% so với cùng kỳ năm 2022. Với các hoạt động tích cực thúc đẩy xuất khẩu của các doanh nghiệp thép Trung Quốc hiện nay, nhiều khả năng năm 2023 Trung Quốc sẽ đạt sản lượng xuất khẩu thép lên tới 89 triệu tấn, tăng trưởng 30% so với năm 2022.


(0) Bình luận
Một mặt hàng của Việt Nam bất ngờ được Singapore ráo riết “săn lùng”, xuất khẩu tăng đột biến hơn 19.000% chỉ trong 1 tháng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO