Khác với thế hệ trước, nhiều người trẻ hiện nay cho rằng nếu chỉ sống dựa vào một nguồn thu từ lương văn phòng là quyết định có phần mạo hiểm. Cũng vì thế, họ chủ động đa dạng hoá nguồn thu, tìm cách sinh lời từ khoản đầu tư nhằm tìm thấy cảm giác an toàn hơn giữa kinh tế khó khăn và bão sa thải. Trong số đó, vàng và chứng khoán là 2 kênh đầu tư được người trẻ tìm đến vì cần nguồn vốn không cao nhưng đổi lại là sinh lời tiềm năng và ổn định.
Đầu tư chứng khoán từ sớm, tài khoản tăng gấp đôi
Ngọc Ánh (sinh năm 1997, làm trong lĩnh vực bảo hiểm) bắt đầu đầu tư chứng khoán vào năm 2019 khi đi thực tập từ thời sinh viên. Từ năm 2019, Ngọc Ánh đầu tư vào cổ phiếu phổ thông và đến cuối năm 2021, cô nàng mở rộng thêm quỹ mở. So sánh về mức sinh lời của hai loại hình, Ngọc Ánh cho hay: “Với quỹ mở, mình sẽ nhàn hơn, không phải theo dõi sát sao tình hình cổ phiếu từng ngày và rủi ro thấp hơn. Tuy nhiên, mức lãi suất kỳ vọng thấp hơn so với trực tiếp đầu tư cổ phiếu nên mình phân bổ đều 2 bên”.
Từ thời điểm năm 2020-2021, nhận thấy thị trường chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên cô nàng chuyển sang đầu tư dài hạn. Điều này giúp Ngọc Ánh vừa tiết kiệm thời gian vừa đạt được lãi suất tốt và tránh rủi ro hơn so với khi giao dịch nhiều. Cho đến nay, với kinh nghiệm đầu tư chứng khoán thì lần chốt lời lớn nhất tài khoản là tăng gấp đôi vào năm 2021.
Một trường hợp khác, Hồng Diễm (sinh năm 1998, làm trong lĩnh vực truyền thông) bắt đầu đầu tư chứng khoán từ năm 4 đại học nhờ đi làm việc bán thời gian tại một công ty về đầu tư tài chính. Từ đó, cô nàng nhận thức được việc cần phải học đầu tư tài chính.
Hiện tại Hồng Diễm đang đầu tư vào cổ phiếu phổ thông và chứng quyền. Phần lớn vốn khoảng 80%, cô nàng sẽ để đầu tư dài hạn, nhưng đôi khi vẫn lướt sóng trong điều kiện thị trường hoặc cổ phiếu có xu hướng tốt.
“Quan điểm của mình là để tiền đẻ ra tiền nên không muốn tốn nhiều thời gian vào việc nghe ngóng tin tức và đặt lệnh. Mục tiêu là có tiền lãi hơn mức lãi suất khi gửi tiết kiệm ngân hàng. Do vậy, đầu tư dài hạn sẽ phù hợp với mình hơn”, Hồng Diễm nói.
Dù lương cao hay thấp, tháng nào cũng đều phải cố mua vàng
Khi bàn về danh mục đầu tư, vàng được tin tưởng sẽ giữ được giá trị ở hầu hết mọi nền kinh tế. Đó cũng là lý do tại sao vàng là lựa chọn được săn đón của nhiều người, càng đặc biệt hơn khi nền kinh tế bất ổn.
Thu Mai (SN 1995, Hà Nội) có thói quen mua 1 chỉ vàng hàng tháng từ cách đây 3 năm. Tuy nhiên vào những thời điểm cần tiền cho các nhu cầu tài chính khác, Thu Mai giảm xuống còn mua 0,5 chỉ vàng. Bên cạnh đó, trong các ngày kỷ niệm như sinh nhật, cô nàng cũng tự tặng bản thân món quà là 1-2 chỉ vàng nhẫn tròn trơn.
Nói về lý do chọn mua vàng, Thu Mai chia sẻ: "Mình nghĩ nếu tiết kiệm nhét lợn sẽ dễ bị móc hoặc mất trộm vì bản thân không thể thường xuyên kiểm tra. Để tiền ở tài khoản ngân hàng thì rất dễ bị 'moi ra' vì chỉ cần túng thiếu là mình rút tiền hoặc tiêu xài dễ dàng. Cũng vì thế, mình chọn mua vàng, bởi xem chúng như phương án ổn và thuận tiện nhất, nếu muốn tích lũy từ số tiền nhỏ hoặc vừa.
Mình mua vàng với mục tiêu ngắn hạn là đầu tư sinh lời, còn dài hạn là tích lũy tiền lời để mua nhà sau này. Khi mua vàng để đầu tư, mình cũng chia số lượng vàng thành 2 mục tiêu như vậy".
Thu Mai mua vàng với mục đích đầu tư trong thời gian dài, tận dụng số tiền nhàn rỗi đang có chứ không có ý định "lướt sóng" kiếm lời nhanh. Cô nàng luôn duy trì mục tiêu: "Chỉ bán vàng khi thấy có lợi nhuận, chứ không phải vì thiếu tiền". Cũng bởi suy nghĩ nếu lưu trữ vàng lâu thì không bao giờ bị thiệt, do đó Thu Mai chưa từng bị lỗ khi chơi vàng.
Cũng là người "chơi" hệ mua vàng là Minh Hoa (28 tuổi, nhân viên văn phòng ở Hà Nội). Cô nàng bắt đầu mua vàng đều đặn để tích lũy cách đây hơn 1 năm, vì thu nhập thời gian này tốt hơn. Cô mua khoảng nửa chỉ - 1 chỉ hàng tháng.
Minh Hoa tâm sự: “Giống quan điểm của ông bà và bố mẹ, mình mua vàng để về lâu dài cảm thấy yên tâm hơn. Lúc có việc cần, quy đổi ra cũng được giá khá tốt. Hơn thế nữa chúng còn giữ giá qua thời gian, được cho là công cụ chống lạm phát hiệu quả”.
Cô tích lũy vàng cho những mục đích cá nhân dài hạn từ 5 năm trở lên. Minh Hoa có nguyên tắc là nếu phát sinh những khoản chi bất ngờ trong tháng như cưới hỏi, ốm đau, cô sẽ cố gắng xoay, cân đối chi tiêu chứ không dùng đến vàng. Ngoài ra, cô sẽ không bán vàng cho mục tiêu ngắn hạn.
Minh Hoa cho biết thêm, cô thường mua vàng nhẫn tròn trơn đóng vỉ, vàng 9999 để tích lũy. Bởi lẽ cô cho rằng, loại vàng này bán lại giữ giá, không hao hụt đặc biệt trong phần tiền công chế tác. Dù lương cao hay thấp, Minh Hoa cũng đều cố gắng mua vàng theo kế hoạch. Đồng thời, cô nàng luôn duy trì nguyên tắc tăng thu nhập, giảm chi tiêu để đảm bảo mong muốn tích luỹ vàng của bản thân.