Con số này phản ánh xu hướng đi lên của thị trường tiêu dùng trong nước, Cục Bưu điện Nhà nước cho biết vào hôm thứ 3.
Bưu kiện thứ 120 tỷ là một lô hoa tươi được gửi từ Côn Minh, phía tây nam tỉnh Vân Nam, vào tối thứ Hai. Lô hàng được gửi bằng đường sắt cao tốc đến Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, và dự kiến đến vào chiều thứ Ba.
Lượng bưu kiện được chuyển phát ở Trung Quốc từ đầu năm đến nay tăng 8,5% so với năm 2022 khi số bưu phẩm đạt 110,6 tỷ, mang tới tin vui cho các ông lớn thương mại điện tử.
Trung bình, mỗi người dân Trung Quốc nhận được 100 bưu kiện trong năm nay, củng cố vị trí dẫn đầu về chuyển phát của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới xét về lượng bưu kiện và tần suất. Ấn Độ, quốc gia đông dân nhất thế giới, đã giao 88,8 triệu bưu kiện vào năm ngoái trong khi ở Mỹ là 21,2 tỷ bưu kiện.
Sự phát triển nhanh chóng của dịch vụ chuyển phát hàng ở Trung Quốc được thúc đẩy bởi mạng lưới cơ sở hạ tầng giao thông rộng khắp, đội ngũ chuyển phát nhanh lên tới hàng triệu người và các công nghệ tiên tiến được áp dụng bởi các công ty chuyển phát trong nước.
Theo Cục Bưu điện, khối lượng vận chuyển đặc biệt tăng cao trong tháng 11 khi bước vào mùa cao điểm với sự kiện mua sắm lớn nhất đất nước – Ngày Độc thân (11/11). Trong tháng, lượng bưu kiện được giao mỗi ngày đạt 430 triệu.
Bắc Kinh đã đặt việc thúc đẩy tiêu dùng nội địa thành ưu tiên hàng đầu trong năm nay. Vào tháng 8, chính phủ đã đưa ra một kế hoạch lớn nhằm tăng cường chi tiêu của người tiêu dùng, phát huy tối đa vai trò cơ bản của tiêu dùng đối với tăng trưởng kinh tế.
Một số nền tảng thương mại điện tử lớn bắt đầu ghi nhận các kết quả tích cực trong quý ba. PDD Holdings, chủ sở hữu nền tảng mua sắm giá rẻ Pinduoduo và Temu, đã chứng kiến doanh thu tăng gần gấp đôi trong giai đoạn này.
Các đối thủ lớn hơn của PDD cũng ghi nhận mức tăng trưởng ổn định. Doanh thu của Alibaba tăng 9% lên 224,8 tỷ nhân dân tệ (31,5 tỷ USD) trong cùng kỳ, với lợi nhuận hoạt động tăng 34% lên 33,6 tỷ nhân dân tệ.
Nguồn: SCMP