Máy bay điện mở đường cho một thị trường 40 tỷ USD

Vũ Anh | 23:45 14/01/2023

Thị trường máy bay điện toàn cầu dự kiến sẽ tăng gấp 4 lần vào năm 2030 và ước tính giá trị có thể đạt gần 40 tỷ USD vào cuối thập kỷ này.

Máy bay điện mở đường cho một thị trường 40 tỷ USD

Vào một buổi sáng trong lành miền nam Tây Ban Nha, giữa cánh đồng ô liu trải dài bát ngát, một chiếc máy bay nhỏ màu trắng đang dừng trên đường băng. Với 30 động cơ phản lực, nó trông chẳng khác gì một con bọ cánh cứng to lớn và đáng sợ. Sau một tiếng động cơ kêu nhẹ, chiếc máy bay chạy pin này cất cánh theo phương thẳng đứng, lơ lửng trên cao trong vài giây rồi tiếp tục bay ra xa trong ánh mắt ngỡ ngàng của những người đang dõi theo. 

Ba phút sau, chiếc máy bay quay vòng và nhẹ nhàng đáp xuống mặt đất. Các kỹ sư và phi công điều khiển từ xa trông có vẻ nhẹ nhõm. Trước đó, trục trặc kỹ thuật đã khiến nó không thể thực hiện chuyến bay thử nghiệm dài 3km. 

Chúng tôi di chuyển xuống đường băng của trung tâm thử nghiệm Atlas để quan sát kỹ hơn Phoenix - sản phẩm do Lilium, công ty khởi nghiệp máy bay điện của Đức chế tạo nên. Đây có thể là tương lai của ngành hàng không thế giới: chiếc Uber điện giúp chúng ta không còn phải lo bị mắc kẹt trên những con đường tắc nghẽn. 

Con người đã mơ về những chiếc ô tô bay trong nhiều thập kỷ. Chúng thường xuất hiện trong khoa học viễn tưởng, chẳng hạn như phim hoạt hình hài The Jetsons của Mỹ những năm 1960 và bộ phim Blade Runner năm 1982. Giấc mơ này dường như không bao giờ chết và trong vài năm qua, nó đã tiến gần hơn đến việc trở thành hiện thực. 

eb6604bf4bc9146cb25bcb67d96efff0b50b0703.png
Các kỹ sư và phi công điều khiển từ xa của Phoenix.

Theo FT, các nhà đầu tư đã rót 7 tỷ USD vào thế hệ máy bay điện cất cánh thẳng đứng giống như Pheonix, hay còn được gọi là eVTOL, trong 3 năm qua. Volocopter của Đức và Ehang của Trung Quốc cũng đang chế tạo máy bay trực thăng điện, trong khi Vertical Aerospace của Anh và Joby Aviation của Mỹ nằm trong số những công ty đang phát triển máy bay lai có cánh quạt và cánh. Tất cả đều chạy bằng pin lithium-ion, giống ô tô điện và không tạo ra khí CO2 phát thải. 

“Một kỷ nguyên hoàn toàn mới của ngành hàng không sắp bắt đầu”, Billy Nolen, Giám đốc Cục Hàng không Liên bang Mỹ nói. Với ông, những gì từng diễn ra trong các bộ phim viễn tưởng đang thực sự xảy ra. 

Tuy nhiên, lạm phát và rủi ro suy thoái kinh tế đang khiến việc huy động vốn trở nên khó khăn hơn. Thời kỳ các công ty khởi nghiệp chạy đua tăng trưởng một cách bất cần đã qua, trong khi giới đầu tư không mấy sẵn sàng đổ vốn như trước. Kittyhawk, một liên doanh được hỗ trợ bởi nhà đồng sáng lập Google Larry Page đã buộc phải đóng cửa vào tháng 9. 

“Đối với nhiều người, ngọn lửa hy vọng sẽ sớm vụt tắt”, Brian Foley, chuyên gia phân tích hàng không, nhận định. 

Khi Daniel Wiegand lên tám, anh cùng cha mẹ đi nghỉ dưỡng ở đảo chim Na Uy. 

“Tôi quan sát cách những con chim hạ cánh và bay đi. Điều đó cực kỳ khó khăn.”, Wiegand nhớ lại thời niên thiếu trong văn phòng trụ sở chính của Lilium tại một sân bay nhỏ phía tây nam Munich. Từng là nhà của Dornier - nơi chế tạo máy bay ném bom Luftwaffe trong chiến tranh thế giới thứ hai sau đó bị Không quân Mỹ chiếm đóng, giờ đây, nó đã trở thành một phần trong tham vọng của Bavaria nhằm tiếp cận lĩnh vực hàng không vũ trụ.

1c0d5daa772ecdf5adc668f450eb59f193de1ae9.png
Máy bay điện mở đường cho một thị trường 40 tỷ USD.

Wiegand, hiện 37 tuổi, có một niềm đam mê đặc biệt với máy bay. Chàng trai năm ấy thi vào Đại học Kỹ thuật Munich và đăng ký ngành kỹ thuật hàng không vũ trụ. Cảm hứng khơi nguồn từ sau khi Wiegand xem một video YouTube về chiếc máy bay vận tải quân sự Bell Boeing V-22 Osprey, loại máy bay có cánh quạt khổng lồ và cất cánh thẳng đứng. 

Ý tưởng về một chiếc máy bay tương tự, nếu chạy điện, sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề. Wiegand bắt đầu tính toán và quyết định quay lại Đức mở công ty riêng sau khi được một người bạn thúc giục. “Tôi biết điều đó hơi điên rồ và sẽ rất nhiều khó khăn”, Wiegand nói. 

Tại Munich, Wiegand bắt đầu tìm kiếm những người cùng chung chí hướng bằng cách tập hợp tất cả các tiến sĩ cùng khoa. Ba người bạn sau đó đã được thuyết phục thành công. “Tôi đang thành lập công ty với 3 kẻ mất trí”, Meiner, đồng sáng lập cho biết. 

Đức đã có lịch sử khởi nghiệp lâu đời, song lại không thực sự phù hợp với Thung lũng Silicon nếu xét về sự đổi mới và đột phá. “Nếu bạn thất bại ở đây thì đó là một phần của trò chơi”, Meiner nói.

Tuy nhiên, những nhà sáng lập của Lilium không nản lòng. Ý tưởng đầu tiên vào năm 2014 là một chiếc máy bay “siêu nhẹ” dành cho phi công nghiệp dư. Thời điểm đó, Tesla đã phổ biến ô tô thể thao chạy điện, xe tự hành sắp ra mắt thị trường, trong khi nhiều người nghĩ rằng máy bay chạy pin, thậm chí không người lái, có thể được hiện thực hoá vào năm 2020. Vốn đầu tư lúc này còn tương đối rẻ, còn thuật ngữ “kỳ lân” chỉ mới xuất hiện 1 năm trước đó. 

Theo FT, hầu hết các máy bay của các đối thủ cạnh tranh đều có cánh quạt giống trực thăng. Trong khi đó, Lilium lại đang sử dụng động cơ phản lực cất cánh thẳng đứng như Hawker Siddeley Harrier và máy bay chiến đấu tấn công Lockheed Martin F-35.

ec8056c5a5de673edccff6dbf116222f7923d06c.png
Thị trường máy bay điện toàn cầu dự kiến sẽ tăng gấp 4 lần vào năm 2030 và ước tính giá trị có thể đạt gần 40 tỷ USD vào cuối thập kỷ này.

Một số nguyên mẫu Lilium ban đầu được trưng bày ở Munich: hơi cũ và trông giống đồ án sinh viên hơn là tương lai ngành công nghiệp máy bay. Dẫu vậy, Lilium vẫn tin rằng những nguyên mẫu này sẽ mang lại cảm giác quen thuộc cho hành khách và có khả năng bay xa hơn.

Các công ty khởi nghiệp eVTOL hầu hết đều đang đặt cược vào tính di động của hàng không đô thị, tức chuyến bay ngắn trong thành phố. Ngoài ra, những loại máy bay mới chạy pin sẽ hoạt động êm hơn so với máy bay trực thăng truyền thống bởi sở hữu cánh quạt nhỏ gọn. 

Blade là công ty đưa đón bằng trực thăng của Mỹ, chuyên cung cấp các chuyến đi kéo dài 5 phút từ Manhattan đến sân bay John F Kennedy, với giá khởi điểm 195 USD/ghế. Rob Wiesenthal, Giám đốc điều hành Blade, tin rằng lợi thế quan trọng nhất của chúng là sự yên tĩnh, do vậy có thể hoạt động dễ dàng trong đô thị. 

Trái lại, Lilium lại đặt cược vào các chuyến bay dài hơn. Hãng đã lên kế hoạch cho một tuyến toàn tiểu bang ở Florida và đến tháng 10 đã ký được thỏa thuận với Saudia, cung cấp cho hãng này 100 chiếc máy bay tại Trung Đông.

Theo FT, máy bay của Lilium sẽ tự hoạt động trong phạm vi 250km trở lên, song Alex Asseily, nhà đầu tư của Lilium kiêm cựu Giám đốc chiến lược đang đặt nhiều kỳ vọng vào những chuyến bay ngắn. “Tôi không biết số lượng máy bay cất cánh thẳng đứng sẽ là bao nhiêu, nhưng đến năm 2030, bạn sẽ có thể bay từ London đến bất kỳ thành phố nào ở châu Âu”. 

Quy mô Lilium hiện đã mở rộng hơn rất nhiều kể từ bắt đầu thành lập. Công ty hiện có 800 nhân viên, trong đó, 400 nhân sự là kỹ sư. Giám đốc công nghệ là Alastair McIntosh còn Giám đốc điều hành là Klaus Roewe, cựu nhân viên Airbus. Trong khi đó, Wiegand ở lại với tư cách kỹ sư trưởng về đổi mới kiêm thành viên hội đồng quản trị.

f8f6d24f023eed669e7d88434671b5092c2d2b07.png
Khi giá xăng tăng và lượng khí thải carbon từ việc di chuyển bằng đường hàng không được giám sát chặt chẽ, phân khúc máy bay điện ngày càng được quan tâm.

Julie Spanswick là cựu Giám đốc dự án Airbus ở Toulouse. Bà và nhiều nhà đầu tư khác hiểu rõ thách thức của việc chế tạo máy bay điện. Người phụ nữ này cũng bày tỏ quan điểm về vấn đề cân bằng giới tính tại Lilium.

“Đó là một sự xấu hổ. Tôi biết nhiều phụ nữ rất xuất sắc trong lĩnh vực này. Họ rất giỏi trong việc kêu gọi sự ủng hộ”, bà Julie Spanswick nói. 

Trong bối cảnh giá xăng tăng và lượng khí thải carbon từ việc di chuyển bằng đường hàng không được giám sát chặt chẽ hơn, phân khúc máy bay điện ngày càng được quan tâm. Bên cạnh ưu điểm không xả thải CO2, loại phương tiện này khá yên tĩnh. Âm thanh phát ra khi máy bay hoạt động chỉ rơi ở khoảng 60 decibel, tương đương một cuộc trò chuyện bình thường của con người.

Theo Johan Norberg, trưởng bộ phận huấn luyện bay tại học viện Green Flight, ước tính một chuyến bay kéo dài 40 phút của hãng Velis Electro chỉ sử dụng hết 2-3 USD điện tái tạo. Trong khi đó, máy bay huấn luyện một động cơ truyền thống tốn khoảng 45 USD tiền nhiên liệu. 

Bất chấp sự hoài nghi sâu sắc từ ngành công nghiệp hàng không truyền thống, các nhà đầu tư ngày càng hướng sự quan tâm về máy bay điện, đặc biệt là những loại cất và hạ cánh thẳng đứng. Hàng tỷ USD đã được đầu tư vào taxi bay, trong đó Joby Aviation, một công ty ở Bắc California, đã huy động được 820 triệu USD vốn đầu tư mạo hiểm từ những công ty như Intel và Toyota trước khi ra mắt công chúng trong một thỏa thuận SPAC trị giá 1,1 tỷ USD vào năm 2021.

Theo công ty nghiên cứu thị trường Precedence Research, thị trường máy bay điện toàn cầu dự kiến sẽ tăng gấp 4 lần vào năm 2030 và ước tính giá trị có thể đạt gần 40 tỷ USD vào cuối thập kỷ này.

Theo: Financial Times 


(0) Bình luận
Máy bay điện mở đường cho một thị trường 40 tỷ USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO