Trong căn bếp của hàng triệu gia đình Việt, một chai tương ót Chin-Su cho bữa ăn thêm tròn vị, một gói mì Omachi nghi ngút khói, một chai nước mắm Nam Ngư đậm đà là những sản phẩm quen thuộc, trở thành một phần thân quen, gắn bó với nhịp sống thường nhật.. Nhưng đằng sau những sản phẩm tiêu dùng hàng ngày đó là một một bàn cờ chiến lược đang được vận hành bởi những bộ óc tài chính hàng đầu, tại Tập đoàn Masan.
Khi thị trường chứng khoán Việt Nam nhìn lại chặng đường 25 năm đầy biến động của mình, sẽ không thể không nhắc đến câu chuyện của Masan với nghệ thuật sử dụng công cụ của thị trường vốn. Họ không chỉ niêm yết cổ phiếu, họ thực hiện những thương vụ M&A kinh điển, hút về những dòng vốn ngoại khó tính nhất và từ đó xây dựng nên con đường mang tên “Point of Life”.

Từ một nhà máy sản xuất gia vị tại TP. HCM, Masan đã từng bước xây dựng hệ sinh thái tiêu dùng–bán lẻ vững mạnh bằng chiến lược M&A có mục tiêu rõ ràng và quá trình tái cấu trúc bài bản, luôn đặt hiệu quả dài hạn và giá trị bền vững lên hàng đầu.
Đầu tiên, họ dùng ống kính chiến lược để soi vào những thị trường rộng lớn nhất, thiết yếu nhất của gần 100 triệu dân Việt Nam nhưng vẫn còn manh mún, thiếu chuyên nghiệp. Masan không tham gia vào hoạt động mua bán tài sản như đầu tư bất động sản hoặc hoạt động đầu cơ ngắn hạn. Họ chỉ tham gia vào những lĩnh vực có nội lực tăng trưởng mạnh, có mô hình kinh doanh hiệu quả, bền vững đã được chứng thực từ khối kinh tế tư nhân và có tiềm năng xây dựng doanh nghiệp quy mô lớn.
Kết quả của quá trình nghiên cứu và chọn lọc đến hiện tại, Masan tập trung vào các ngành hàng tiêu dùng có quy mô thị trường đáng kể mà họ tin rằng có những nhu cầu lớn chưa được đáp ứng do việc vận hành kém hiệu quả và thiếu đổi mới. Các ngành hàng này được phân khúc thành Nhu cầu Hàng ngày (FMCG, bán lẻ hàng nhu yếu phẩm và thịt tươi sống/chế biến), Nhu cầu Tài chính (sản phẩm, dịch vụ tài chính) và Nhu cầu Phong cách sống (F&B, viễn thông). Toàn bộ danh mục này đại diện cho khoảng 80% tỷ trọng chi tiêu tiêu dùng của người Việt.

Bước tiếp theo chính là lúc các thương vụ M&A đình đám diễn ra.
Cuối cùng, Masan đầu tư nguồn lực một cách có chọn lọc, áp dụng các chuẩn mực quản trị hiện đại và huy động sức mạnh tổng hợp từ toàn bộ hệ sinh thái, nhằm nâng tầm các công ty sau sáp nhập trở thành những mắt xích vững chắc trong chiến lược phát triển dài hạn.Trong những năm qua, Masan đã lần lượt đầu tư vào Vinacafé Biên Hòa, Nước khoáng Vĩnh Hảo, nhà máy bia, Công ty Thực phẩm Dinh dưỡng Sài Gòn, các công ty thức ăn chăn nuôi của Masan MEATLife, Nước khoáng Quảng Ninh, VISSAN, CTCP Bột giặt Net, 3F VIỆT, WinCommerce, Phúc Long Heritage và Mobicast.
Khi mua cổ phần tại các công ty khác, dù ở mức chiến lược hay cổ phần chi phối, Masan đều xác định không đi mua doanh thu hay lợi nhuận, mà mua “nền tảng” phục vụ chiến lược chung của Masan. Nền tảng ở đây có thể là công nghệ tốt, giúp tạo ra sản phẩm tốt nhất với giá hợp lý phục vụ người tiêu dùng; nền tảng cũng có thể là mạng lưới phân phối sẽ giúp Masan mở rộng hơn nữa hệ thống phân phối vốn đã rất tốt của mình, hoặc giúp Masan xây dựng và gìn giữ thương hiệu mạnh của Việt Nam.” Báo cáo thường niên 2024 của Tập đoàn cho biết.

Họ đầu tư vào thương hiệu, con người, công nghệ và độ phủ phân phối nhằm đẩy nhanh tốc độ thâm nhập vào các ngành hàng và cơ hội mới. Sau đó, tập trung vào việc cải tổ vận hành các doanh nghiệp sau mua lại.
Masan tự hào rằng các thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ và sáng kiến chiến lược mà Tập đoàn này đã giới thiệu và/hoặc triển khai sau khi tiếp quản hiện đang chiếm phần lớn doanh thu và/hoặc lợi nhuận của các doanh nghiệp được Masan mua lại.
Kết quả của bản thiết kế này là một "đế chế" nơi mỗi thành viên đều là người dẫn đầu thị trường: Masan Consumer (MCH) trên mặt trận tiêu dùng nhanh, WinCommerce (WCM) trên thị trường bán lẻ hiện đại, Masan MEATLife (MML) trên mặt trận thịt sạch, Phúc Long trên thị trường chuỗi trà/cà phê trong nước và Techcombank (TCB) - một đồng minh chiến lược - là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần năng động và hiệu quả nhất Việt Nam.

Để tài trợ cho những thương vụ M&A và hành trình cải thiện, tăng cường sức mạnh “hạm đội”, Masan đã bước ra sân chơi tài chính toàn cầu. Những định chế tài chính nổi tiếng thế giới như KKR, TPG, Bain Capital, GIC, SK Group đều đã rót vốn cho Masan để đưa một doanh nghiệp có vốn điều lệ 4.800 tỷ đồng và tổng tài sản 7.000 tỷ đồng (năm 2009, khi Masan lên sàn chứng khoán) trở thành ‘gã khổng lồ’ với vốn điều lệ hơn 15.000 tỷ và tổng tài sản hơn 143.000 tỷ.
Báo cáo thường niên của công ty cho biết, tính từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM (HOSE), Masan đã huy động được gần 5 tỷ USD nguồn vốn dài hạn để đầu tư vào các dự án chiến lược giúp tăng trưởng Công ty.
“Chúng tôi đã phân bổ nguồn vốn cẩn trọng bằng cách sử dụng phần lớn nguồn tiền thu được để đầu tư và tăng tỷ lệ sở hữu trong các hoạt động kinh doanh hiện hữu” - Báo cáo viết.

Để thuyết phục được những tổ chức quốc tế rót hàng tỷ USD, Masan phải chứng tỏ mình có một câu chuyện đủ hấp dẫn, một đội ngũ quản trị đủ chuyên nghiệp, và một nền tảng đủ minh bạch. Họ không chỉ mang đến tiền, họ còn mang đến một "con dấu bảo chứng" về đẳng cấp quốc tế.
Masan cũng là một trong số ít doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đủ sức phát hành trái phiếu quốc tế, niêm yết trên Sàn giao dịch Chứng khoán Singapore.
Trong khi đó, sàn chứng khoán trong nước là nơi “mở khóa giá trị” của các công ty thành viên khi đưa Masan Consumer hay Masan MEATLife lên sàn giao dịch. Masan Consumer - với giá trị vốn hóa thị trường hơn 131.000 tỷ đồng đang là doanh nghiệp FMCG lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Những thương vụ M&A để đời, những bài toán huy động vốn bạc tỷ đó nhằm mục đích gì? Câu trả lời nằm trong một cụm từ đầy cảm hứng mà Masan theo đuổi: “Point of Life” – Điểm chạm của Cuộc sống.
Hãy tưởng tượng một ngày của bạn. Bạn ghé vào cửa hàng WiN dưới chân chung cư, mua thịt MEATDeli, rau WinEco hoặc một số món tiêu dùng như chai tương ớt Chin-Su cho bữa tối tiện ích, thanh toán bằng thẻ Techcombank, rồi gọi một ly trà sữa Phúc Long. Chiếc sim bạn đang dùng là của Wintel. Tất cả đều diễn ra tại một điểm duy nhất.
Đó chính là chiến lược bài bản của Masan – phục vụ trọn vẹn nhu cầu hàng ngày của người tiêu dùng, không chỉ bán một sản phẩm, họ muốn sở hữu cả một nền tảng, một hệ sinh thái nơi các dịch vụ cộng hưởng và giữ chân khách hàng. Dữ liệu từ bán lẻ giúp họ hiểu người tiêu dùng muốn ăn gì. Dịch vụ tài chính tiện lợi giúp tăng lượng khách ghé thăm. Một vòng tròn khép kín, tối đa hóa giá trị và xây dựng một “pháo đài” tiêu dùng.

Con đường xây dựng đế chế như vậy cũng khiến Masan đối mặt với vấn đề đòn bẩy tài chính. Bên cạnh đó, cấu trúc phức tạp của Masan có thể là một mê cung với nhà đầu tư, làm giới hạn khả năng thấu hiểu giá trị của “đế chế” này. Còn với bản thân Masan, việc tích hợp thành công văn hóa và hệ thống của các công ty được mua lại luôn là một bài toán quản trị khổng lồ.
Tuy nhiên, vào ngày 18/12/2024, thành viên trong mảng khoáng sản của tập đoàn là Masan High-Tech Materials (MHT) đã hoàn tất thương vụ bán 100% cổ phần tại H.C. Starck Holding GmbH cho Mitsubishi Materials Corporation với giá trị giao dịch 134,5 triệu USD.
Khoản tiền thu được từ thương vụ này giúp MHT giảm nợ từ khoảng 670 triệu USD xuống còn 490 triệu USD. Kết hợp với dòng tiền tự do từ hoạt động kinh doanh được cải thiện, Masan đã giảm tỷ lệ đòn bẩy tài chính, đưa tỷ lệ Nợ ròng trên EBITDA từ 3,9x vào cuối năm 2023 xuống còn 2,9x vào cuối năm 2024, khẳng định cam kết của ban lãnh đạo trong việc duy trì tỷ lệ này dưới 3,5x.
Thương vụ cũng nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào các lĩnh vực ngoài ngành hàng tiêu dùng.
Với những vấn đề còn lại, hãy nhìn lại lời nói của Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang: “Không phải mọi phát kiến đều thành công. Điều quan trọng là những chiến lược thành công chiếm tỉ trọng lớn trong những bước đi của chúng ta. Những kết quả mà chúng ta đạt được là minh chứng rõ ràng nhất và nhân dịp này, tôi muốn chia sẻ một cách tường tận vì sao Masan thực sự đang chạm tay vào cánh cửa tạo ra giá trị đột phá cho người tiêu dùng, cho các cổ đông và các Masaner”.
Cơ sở cho lời nói của ông Quang là những thành tích mà các “tướng lĩnh” trên các mặt trận của Masan đã đạt được cho đến hiện tại và giai đoạn 2 của Tập đoàn.
Trong suốt thập kỷ qua, Masan Consumer là công ty hàng tiêu dùng nhanh có tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận nhanh nhất khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

WinCommerce là mạng lưới bán lẻ hàng tiêu dùng hiện đại lớn nhất Việt Nam, với 129 siêu thị WinMart và 3.699 cửa hàng WinMart+ tại 34 tỉnh thành trên cả nước tính đến cuối năm 2024. Quan trọng hơn, năm 2024, WinCommerce từ đang lỗ hơn 200 triệu USD/ năm đã đạt lợi nhuận sau thuế là con số dương một cách bền vững. Masan MEATLife lần đầu tiên ghi nhận lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh kể từ khi thoái vốn mảng thức ăn chăn nuôi.
Với mảng thịt, doanh số trung bình mỗi điểm bán của Masan MEATLife đã tăng gấp đôi, và tốc độ tăng trưởng của Masan Consumer trong hệ thống WinCommerce đã tăng 84%.
Trong khi đó, Phúc Long Heritage - kể từ khi được Masan tiếp quản - đã mở rộng mạng lưới lên 184 cửa hàng bên ngoài hệ thống WinCommerce, với biên lợi nhuận EBITDA ở cấp độ cửa hàng đạt chuẩn quốc tế ở mức 26,5% trong năm 2024.

“Chúng ta đã thành công hoàn tất giai đoạn đầu tiên trong hành trình 5 năm xây dựng nền tảng tiêu dùng – bán lẻ tích hợp. Bước sang giai đoạn hai, Masan sẽ tập trung củng cố thị phần chi tiêu và mang về lợi nhuận. Và con đường duy nhất để chúng ta hiện thực hóa điều này là: “Chuyển đổi số”, ông Nguyễn Đăng Quang nói.
Theo đó, dữ liệu và công nghệ sẽ là yếu tố định hình lại toàn bộ ngành tiêu dùng – bán lẻ tại Việt Nam: từ hiệu quả sản xuất, tối ưu chuỗi cung ứng, xây dựng thương hiệu, đổi mới sáng tạo, trải nghiệm người tiêu dùng cho đến hiện đại hóa bán lẻ. Việc tích hợp phần mềm, dữ liệu, AI, tự động hóa và kết nối vào DNA của Masan là điều quan trọng cần phải làm.
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa tròn 25 năm, cũng là chặng đường 16 năm Masan có mặt trên sàn. Câu chuyện của họ bắt đầu từ gian bếp quen thuộc, trải qua những phòng họp căng thẳng ở phố Wall, để hôm nay hướng đến mục tiêu phiện thực hóa tầm nhìn sở hữu 10.000 điểm Point Of Life – chuỗi cửa hàng bán lẻ và kênh truyền thống hiện đại hóa, phục vụ hơn 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam. Họ muốn tái định vị thị trường FMCG Việt Nam và vươn ra toàn cầu, phục vụ 8 tỷ người tiêu dùng trên thế giới.
Bài: Giáng Mi
Thiết kế: Hà Mĩ