CTCP Tập đoàn Gelex (GEX) đang tiến hành đàm phán để hoàn tất thoái vốn tại các dự án điện với nhà đầu tư nước ngoài. Thực tế, chủ trương tái cấu trúc mảng năng lượng đã được ban điều hành Gelex đề cập tại ĐHĐCĐ thường niên 2023.
Trong tương lai, Gelex vẫn ưu tiên phát triển mảng năng lượng tái tạo, nhưng định hướng tập trung vào các dự án quy mô hơn, cùng với đó công ty phối hợp với các đối tác lớn. Do đó, các dự án quy mô nhỏ hiện tại sẽ được Gelex bán cho người mua tiềm năng, để có nguồn vốn phục vụ các dự án chiến lược.
Tính đến hết năm 2022, Gelex sở hữu các dự án năng lượng với tổng công suất 260 MW. Trong đó, 5 dự án điện gió công suất lắp đặt 140 MW được hoàn thành trong năm 2021 và đều được hưởng giá bán điện ưu đãi trong 20 năm. Dự án thuỷ điện là sông Bung 4A (Phú Thạnh Mỹ) công suất 49 MW. Dự án điện mặt trời Gelex Ninh Thuận công suất 50 MW. Ngoài ra, công ty còn sở hữu các dự án điện mặt trời mái nhà phân bổ tại một số tỉnh thành trên cả nước.
Năng lượng và nước sạch đóng góp khoảng 5% doanh thu cho Gelex năm ngoái, cụ thể là 1.546 tỷ đồng trên tổng số 32.089 tỷ đồng. Nhưng tỷ trọng về lợi nhuận gộp lại ấn tượng hơn, nhóm này cấu thành 11% của 6.458 tỷ đồng mà Gelex đạt được.
Trên thực tế, doanh thu mảng nước của Gelex chủ yếu đến từ CTCP Đầu tư Nước sạch sông Đà (Viwasupco), đơn vị được thâu tóm vào năm 2018. Vì thế, khi loại trừ phần của Viwasupco, có thể ước lượng một cách tương đối kết quả kinh doanh của các dự án điện Gelex.
Quả thật, cùng với sự phát triển của ngày càng nhiều các dự án, kết quả kinh doanh mảng điện của Gelex phình to theo từng năm. Năm ngoái, doanh thu mảng điện đạt xấp xỉ 1.000 tỷ đồng, so với 600 tỷ đồng năm liền trước. Tăng trưởng nhiều khả năng đến từ 5 dự án điện gió đi vào vận hành thương mại trong năm 2021 như đã đề cập.
Lợi nhuận gộp mảng điện đạt hơn 410 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận gộp đạt trên 40% là hết sức ấn tượng khi đặt trong hệ sinh thái kinh doanh của Gelex. Biên lợi nhuận hợp nhất của công ty trong năm ngoái chỉ đạt 20%.
Tổng tài sản trên sổ sách của riêng mảng điện Gelex ước tính khoảng 7.700 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2022. Riêng với 5 dự án điện gió ở tỉnh Quảng Bình, Gelex cho biết tổng mức đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng.
Các dự án điện tái tạo ở Việt Nam nổi tiếng với việc sử dụng đòn bẩy cao, vì thế sẽ không bất ngờ khi tổng nợ của các dự án điện gần 3.800 tỷ đồng. Đỉnh điểm là vào cuối năm 2021, tổng nợ mảng điện ước tính 5.400 tỷ đồng trên tổng tài sản gần 8.000 tỷ đồng.
Năm 2022 là năm mà Gelex tích cực mua lại trái phiếu trước hạn, đây có thể là nguyên nhân khiến tổng nợ của mảng điện giảm đáng kể. Lãi suất toàn cầu tăng mạnh từ nửa cuối năm 2022 là một nguyên nhân thúc đẩy hoạt động mua lại trái phiếu của các công ty diễn ra sôi động.
Phát triển các dự án điện tái tạo đạt quy mô doanh thu nghìn tỷ sau 5 năm và đạt hiệu quả ấn tượng. Trong trường hợp thoái vốn thành công, Gelex có thể sẽ ghi nhận những giao dịch đáng chú ý đóng góp vào kết quả kinh doanh.