Trong tuần này, một số công ty công nghệ lớn nhất thế giới đã cho thấy hàng chục tỷ USD mà họ đã đặt cược vào sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI) đang bắt đầu mang lại lợi nhuận. Và các công ty này cũng cảnh báo rằng các khoản đầu tư lớn hơn nữa sắp được đưa ra trong thời gian tới.
Doanh thu từ các mảng kinh doanh điện toán đám mây tại Amazon, Microsoft và Google đã đạt tổng cộng 62,9 tỷ ISD trong quý trước. Con số đó tăng 22,2% so với cùng kỳ năm ngoái và đánh dấu ít nhất là quý thứ tư liên tiếp mà tốc độ tăng trưởng kết hợp của họ tăng lên.
Mức độ tăng trưởng nhanh trong mảng điện toán đám mây là dấu hiệu chắc chắn nhất cho thấy chi tiêu của khách hàng AI đang bắt đầu mang về trái ngọt cho các khoản đầu tư lớn mà các gã khổng lồ công nghệ đang thực hiện vào cơ sở hạ tầng để thúc đẩy công nghệ.
"Nhu cầu tiếp tục cao hơn năng lực khả dụng của chúng tôi", giám đốc tài chính Amy Hood của Microsoft cho biết trong cuộc họp với các nhà phân tích.
Các nhà đầu tư từ lâu đã lo ngại rằng Thung lũng Silicon có thể chi tiêu quá mức cho mảng điện toán đám mây với kỳ vọng rằng AI sẽ mang lại sự bùng nổ ngang bằng như những ngày đầu của Internet. Chi tiêu vốn kỷ lục đã nhiều lần làm rung chuyển thị trường, bao gồm cả cú sốc khi chỉ số Nasdaq Composite thiên về công nghệ giảm 2,8% vào ngày thứ 5 tuần này.
Amazon, Microsoft và công ty mẹ của Google là Alphabet đã tiết lộ trong tuần này rằng họ đã chi tổng cộng 50,6 tỷ USD cho tài sản và thiết bị trong quý trước, so với 30,5 tỷ USD trong cùng kỳ năm ngoái. Phần lớn số tiền đó đã được chuyển đến các trung tâm dữ liệu được sử dụng để thúc đẩy AI.
Cả ba công ty đều cảnh báo Phố Wall rằng chi tiêu của họ sẽ tăng cao hơn trong những tháng tới, tương tự như Meta Platforms, công ty đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho các ứng dụng AI của riêng mình trên Instagram, WhatsApp và Facebook.
Meta đã đầu tư 8,3 tỷ USD vào tài sản và thiết bị mới trong quý trước, tăng so với mức 6,5 tỷ USD trong cùng kỳ năm ngoái, khi công ty này tìm cách xây dựng trợ lý AI được sử dụng nhiều nhất trên thế giới.
"Các khoản đầu tư vào AI của chúng tôi vẫn đòi hỏi cơ sở hạ tầng nghiêm túc và tôi dự kiến sẽ tiếp tục đầu tư đáng kể vào đó", CEO Mark Zuckerberg cho biết.
Những người hoài nghi cho biết vẫn chưa rõ liệu sự phấn khích hiện tại về AI có duy trì được mức tăng trưởng dài hạn để chi trả cho tất cả các khoản chi tiêu hay không.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư đã thấy một số dấu hiệu hy vọng trong tuần này trong sự tăng trưởng mạnh mẽ tại các doanh nghiệp đám mây lớn, nơi cho thuê bộ nhớ máy tính và sức mạnh xử lý trong các trung tâm dữ liệu cho khách hàng doanh nghiệp.
Động lực của họ đã suy yếu vào đầu năm 2022, khi sự bùng nổ kéo dài hàng thập kỷ trong ngành được thúc đẩy bởi sự di cư rộng rãi lên đám mây đang chậm lại.
Nhưng trong năm qua, mọi thứ đã thay đổi một phần nhờ vào chi tiêu của các nhà phát triển AI, những người đòi hỏi nhiều sức mạnh xử lý hơn so với các công ty phần mềm truyền thống.
“Hoạt động kinh doanh đám mây, trung tâm dữ liệu đang rất mạnh mẽ”, Dan Morgan, một nhà quản lý danh mục đầu tư tại Synovus Trust, công ty nắm giữ vị thế trong cả ba gã khổng lồ về đám mây cho biết. “Trong tất cả các nhóm, đây là nhóm mà chúng tôi có thể chỉ ra bằng chứng hữu hình nhất về tác động của AI, ngoài việc bán chip”.
Google, công ty từ lâu đã đứng thứ ba trong số các nhà cung cấp dịch vụ đám mây, đã báo cáo doanh thu từ hoạt động kinh doanh đó đã tăng 35% trong quý 3, vượt xa kỳ vọng của Phố Wall. Cổ phiếu của Alphabet tăng 3% vào thứ tư, một ngày sau khi công ty công bố kết quả kinh doanh.
Cổ phiếu của Amazon đã tăng gần 6% trong phiên giao dịch sau giờ làm việc vào thứ năm sau khi công ty này cũng báo cáo tăng trưởng nhanh trong hoạt động kinh doanh đám mây của mình.
Tổng giám đốc điều hành Amazon Andy Jassy cho biết mảng kinh doanh AI đám mây của công ty ông đang trên đà thu hút hàng tỷ USD doanh thu hàng năm và đang tăng trưởng với tốc độ ba chữ số, nhanh hơn so với toàn bộ mảng kinh doanh Amazon Web Services.
Cổ phiếu Microsoft đã giảm 6% vào thứ năm, một ngày sau khi công ty hạ dự báo tăng trưởng cho mảng kinh doanh đám mây của mình với lý do không thể xây dựng các trung tâm dữ liệu đủ nhanh.
Brad Reback, một nhà phân tích của Stifel cho biết triển vọng chung của Microsoft trong lĩnh vực này vẫn có vẻ khả quan. Reback cho biết: “Đây là một sự thất vọng ngắn hạn, nhưng tôi không nghĩ rằng quý này sẽ phá vỡ viễn cảnh dài hạn của chúng tôi rằng Microsoft là công ty dẫn đầu trong lĩnh vực AI tạo sinh”.
Microsoft cho biết trong quý hiện tại, doanh số bán các sản phẩm AI và dịch vụ đám mây sẽ vượt 10 tỷ USD trên cơ sở hàng năm lần đầu tiên.
Microsoft, Amazon và Google đang nhanh chóng phát triển các sản phẩm AI của riêng họ cho người tiêu dùng và doanh nghiệp, chẳng hạn như Gemini của Google và Copilot của Microsoft. Nhưng các mảng kinh doanh đám mây của họ đại diện cho những nỗ lực chính của họ nhằm hưởng lợi từ việc áp dụng công nghệ này trong thời gian tới.
Các công ty AI tư nhân như OpenAI và Anthropic đang trong cuộc đua xây dựng các hệ thống AI lớn hơn và tinh vi hơn có khả năng thực hiện các nhiệm vụ phức tạp. Những nỗ lực đó đòi hỏi phải lắp ráp hàng chục nghìn con chip được kết nối với nhau, một nhiệm vụ khó khăn đối với các công ty khởi nghiệp để tự mình hoàn thành.
Microsoft là nhà đầu tư lớn nhất vào OpenAI, trong khi Google và Amazon đã đầu tư hàng tỷ USD vào Anthropic. Những gã khổng lồ công nghệ này cho thuê dịch vụ đám mây cho các công ty khởi nghiệp tương ứng của họ, kiếm lại một phần số tiền họ đã đầu tư và bán các ứng dụng AI của họ cho khách hàng.
Microsoft cho biết việc sử dụng dịch vụ bán quyền truy cập vào công nghệ của OpenAI thông qua đám mây đã tăng gấp đôi trong sáu tháng qua, trích dẫn các khách hàng như các công ty khởi nghiệp AI Grammarly và Harvey.
Oracle, nhà cung cấp dịch vụ đám mây lớn thứ tư của Mỹ cũng đang chi mạnh tay để tận dụng nhu cầu ngày càng tăng đối với cơ sở hạ tầng AI mà ba công ty lớn không thể đáp ứng. Quý tài chính của Oracle kết thúc vào tháng 11 và dự kiến sẽ báo cáo kết quả kinh doanh vào tháng 12.
Theo: WSJ