Quyết tâm đẩy tiến độ sân bay về đích sớm
Cập nhật tiến độ đến ngày 22/10, Cục hàng không Việt Nam cho biết, các dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) giai đoạn 1 đã triển khai nhiều hạng mục công trình, thi công vượt tiến độ, hy vọng cán đích vào năm 2026.
Dự án thành phần 1 - Trụ sở các cơ quan quản lý nhà nước, tiến độ xây dựng đảm bảo đồng bộ với dự án thành phần 3. Dự án thành phần 2 - Các công trình quản lý bay, các hạng mục cơ bản đạt tiến độ đề ra. Trong đó, tháp không lưu đường găng dự án đã xong phần thô, mới cất nóc từ cuối tháng 9, đang lắp dựng các hạng mục còn lại. Các hạng mục thuộc dự án thành phần 3 do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - Chủ đầu tư dự án thành phần cũng lần lượt được triển khai.
Hiện các gói thầu chính của dự án thành phần 3 cơ bản đáp ứng tiến độ đề ra. Trên công trường, gần 6.000 kỹ sư, công nhân trong nước và quốc tế với hàng ngàn máy móc, phương tiện, trang thiết bị tập trung khẩn trương phục vụ thi công cho kịp tiến độ.
Đối với dự án thành phần 4, Cục Hàng không Việt Nam đã hoàn thành công tác phê duyệt, đăng tải hồ sơ mời thầu đối với 6 dự án (đầu tư xây dựng và kinh doanh dịch vụ cung cấp suất ăn hàng không số 1, số 2; đầu tư xây dựng và kinh doanh dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, trang thiết bị hàng không và dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất số 1, số 2; đầu tư xây dựng và kinh doanh dịch vụ bảo dưỡng tàu bay số 1, số 4).
Các công trình còn lại, Cục Hàng không Việt Nam đã báo cáo Bộ Giao thông vận tải, và bộ đã báo cáo Chính phủ về tính cấp bách cũng như thứ tự ưu tiên đầu tư, đồng thời thống nhất danh mục các công trình giao ACV triển khai thực hiện để bảo đảm dây chuyền khai thác đồng bộ của dự án.
Dự án thành phần 5 tái lập hạ tầng ngoài ranh sân bay Long Thành dự kiến sẽ được hoàn thành trong tháng 11/2024. Hiện có 6 gói thầu của dự án này đã hoàn thành xây dựng; 3 gói thầu đã hoàn thành trên 75% khối lượng thi công và 1 gói thầu hoàn thành khoảng 50% khối lượng thi công.
Mới đây, trong chương trình công tác tại tỉnh Đồng Nai, Thủ tướng Phạm Minh Chính đi kiểm tra tiến độ 2 dự án hạ tầng giao thông trọng điểm trên địa bàn, gồm dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu. Đây là lần thứ 4 Thủ tướng có mặt kiểm tra, đôn đốc dự án sân bay quốc tế Long Thành trong hơn 2 năm vừa qua, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước với công trình này.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan và sự chủ động, quyết liệt của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM), nhất là quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ xác định rõ "năm 2024 là năm tăng tốc, năm 2025 là năm bứt phá", tiến độ triển khai dự án đạt nhiều kết quả rất tích cực.
Dự án sân bay Long Thành có ý nghĩa rất lớn không chỉ riêng đối với sự phát triển của ngành hàng không dân dụng, mà tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Khi đi vào khai thác, sân bay Long Thành không chỉ giảm áp lực cho sân bay Tân Sơn Nhất, mà còn giảm áp lực giao thông cho Tp.HCM và một số khu vực thuộc các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Thuận, Bình Dương.
Giới đầu tư địa ốc quay trở lại thị trường
Sân bay Long Thành đẩy nhanh tiến độ đã và đang tạo tâm lý tích cực cho nhà đầu tư địa phương cũng như nhà đầu tư khu vực Tp.HCM và vùng lân cận.
Nếu trước đây, hoạt động đầu tư chủ yếu diễn ra trong khu vực thì gần đây, thị trường bất động sản Đồng Nai xuất hiện động thái “săn hàng” của nhà đầu tư Tp.HCM, thậm chí là nhóm đầu tư phía Bắc quay trở lại thị trường sau khoảng thời gian co cụm và quan sát. Nhà đầu tư đặt kì vọng lớn vào việc “đón sóng” sân bay Long Thành cùng với hạ tầng giao thông trọng điểm đang triển khai trên địa bàn. Không chỉ đất nền mà căn hộ cạnh sân bay đang được nhà đầu tư “nhòm ngó” khi dự báo được lượng nhân sự rất lớn sẽ hình thành khi sân bay đi vào hoạt động.
Sân bay Long Thành khi hình thành sẽ có công suất lên đến 100 triệu lượt khách mỗi năm, sẽ là điểm trung chuyển lớn của các chuyến bay quốc tế. Đồng thời cũng là nơi làm việc của 14.000 nhân sự vận hành từ phổ thông đến nhân sự cấp cao như chuyên gia, kỹ sư, nhân viên…. Trong đó, các doanh nhân thường xuyên di chuyển qua đây cần nơi lưu trú và nhu cầu ăn uống, giải trí dịch vụ trước và sau khi bay.
Vì thế, gần đây, một số dự án bất động sản tại khu vực Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu rục rịch triển khai đón đầu. Ngoài phân khúc nhà phố, thì căn hộ trong khu dân cư cũng tăng tốc hoạt động xây dựng, giới thiệu dự án ra thị trường. Từ đó kéo được sức cầu quay trở lại thị trường.
Theo chia sẻ của môi giới, thị trường gần đây đã có tín hiệu tốt hơn thời điểm đầu năm. Nhiều nhà đầu tư từ khu vực Tp.HCM và lân cận đã quay lại tìm hiểu các dự án. Họ "tính toán" kỹ về vị trí dự án, tiện ích kết nối vào sân bay; các dịch vụ đi kèm để đưa ra quyết định. Đặc biệt, nhà đầu tư có xu hướng nhắm đến lượng khách thuê nhà/lưu trú sau khi sân bay đi vào hoạt động. Cho nên, một số dự án căn hộ, nhà phố lân cận sân bay xuất hiện giao dịch đều nhờ vào nhu cầu đầu tư cho thuê dài hạn. Ngoài ra, nhóm nhà đầu tư có sẵn tài chính thường "mua gom, mua chung" 2-3 bất động sản để đó, chờ tín hiệu từ hạ tầng để "chốt lời" về sau.
Tuy nhiên, theo các môi giới, nguồn cung mới hạn chế cũng là rào cản đối với thị trường bất động sản cận sân bay. Ngoài phân khúc đất nền chủ yếu mua đi bán lại trong giới đầu tư thì phân khúc nhà phố, căn hộ rất hạn chế nguồn cung mới. Sự lựa chọn thiếu đa dạng khiến thị trường khu vực không có sự sôi động trong vài năm trở lại đây.