Năm 2017, ông Lý, một nông dân ở huyện Bảo Khánh, thành phố Song Áp Sơn, tỉnh Hắc Long Giang, đang làm ruộng thì bất ngờ đào được một vật cứng. Vì tò mò, ông Lý lại gần kiểm tra, phát hiện đó là một tảng đá đen, cứng và rất khác thường. Theo đó, tảng đá này có bề mặt nhẵn bóng, kích thước lớn nhưng lại khá nhẹ. Sau khi mang nó về nhà, ông Lý còn phát hiện nó có thể để lại những vệt đen trên giấy, khác với những viên đá thông thường.
Cho rằng tảng đá này có thể là một loại đá quý hiếm nào đó, ông Lý lập tức thông báo sự việc cho chính quyền huyện Bảo Thanh. Nhận được tin, các cán bộ địa phương đã nhanh chóng thành lập một đội điều tra. Họ phong tỏa cả ngôi làng và tiến hành khảo sát nơi ông Lý tìm thấy tảng đá. Sau khi điều tra sơ bộ, đội điều tra rất ngạc nhiên khi phát hiện ra tảng đá kia là than chì và dự đoán có thể có một mỏ than chì lớn ở khu vực trên.
Ảnh minh hoạ: Sohu
Thông tin này nhanh chóng được trình báo lên chính quyền tỉnh Hắc Long Giang. Chính quyền tỉnh rất coi trọng việc này nên đã ngay lập tức tổ chức một đoàn kiểm tra gồm các chuyên gia địa chất, kỹ sư khai thác mỏ và chuyên gia môi trường đến hiện trường để nghiên cứu. Đặc biệt, trong đoàn chuyên gia này còn có sự tham gia của giáo sư Viên Quốc Huy của trường Viện Địa chất tỉnh Hắc Long Giang. Vị giáo sư này lúc bấy giờ đang thực hiện những nghiên cứu về ứng dụng của than chì trong đời sống. Khi nhận được tin, Giáo sư Viên rất hào hứng với phát hiện này. Ông đã gác lại công việc và vội đến huyện Bảo Thanh để tìm hiểu thêm về sự việc.
Ảnh minh hoạ: Sohu
Sau khi đoàn chuyên gia đến hiện trường, họ đã tiến hành một cuộc khảo sát toàn diện bằng cách sử dụng thiết bị thăm dò địa chất tiên tiến để quét và phân tích chi tiết toàn bộ khu vực liên quan. Sau nhiều ngày làm việc căng thẳng, một kết quả thú vị đã xuất hiện: trữ lượng của mỏ than chì này vượt xa mong đợi, lên tới 15 triệu tấn, ước tính giá trị lên tới hơn 100 tỷ NDT (hơn 347.000 tỷ đồng ). Điều này khiến nó trở thành một trong những mỏ than chì lớn nhất được biết đến ở Trung Quốc tính tới thời điểm đó.
Phát hiện lớn này cũng đã thu hút sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng địa chất Trung Quốc và quốc tế. Nhiều chuyên gia bày tỏ mong muốn được tham gia vào các nghiên cứu tiếp theo. Giáo sư Viên tin rằng phát hiện này sẽ có tác động sâu sắc không chỉ đến tỉnh Hắc Long Giang mà còn đến toàn bộ ngành công nghiệp than chì ở Trung Quốc.
Cũng theo Sohu, sau lần phát hiện này, nhiều mỏ than chì lớn khác cũng đã được tìm thấy ở Trung Quốc. Tháng 12 năm 2018, Cục Địa chất và Tài nguyên Khoáng sản tỉnh Hà Nam cho biết Viện thăm dò địa chất số 1 của Cục đã khám phá một mỏ than chì rất lớn ở huyện Tích Xuyên với trữ lượng than chì là 14,8 triệu tấn.
Năm 2019, một mỏ than chì siêu lớn khác được phát hiện ở huyện La Bắc, Lạc Cương, tỉnh Hắc Long Giang, đã tạo ra bước đột phá lớn cho ngành chế biến than chì ở đất nước tỷ dân.
Ảnh minh hoạ: Sohu
Than chì, hay còn gọi là graphit là một dạng thù hình của nguyên tố carbon, cùng với kim cương và fullerene. Nó xuất hiện tự nhiên trong lòng đất và là dạng carbon ổn định nhất ở điều kiện tiêu chuẩn. Than chì có nhiều đặc tính vượt trội hơn so với các vật liệu truyền thống, chẳng hạn như độ bền cao, độ dẫn điện và dẫn nhiệt tốt, trọng lượng nhẹ và khả năng linh hoạt cao. Nhờ những đặc tính vượt trội này, than chì là vật liệu tiên tiến cho nhiều ứng dụng trong tương lai, từ lĩnh vực điện tử, năng lượng đến y tế và hàng không vũ trụ.
(Theo Sohu)