"Lận đận" công viên bỏ hoang từng lên báo Mỹ vì quá kinh dị ở Huế: Một công ty chi 70 tỷ xây rồi "sang tay", chủ mới tính rót 270 tỷ cải tạo nhưng bất thành

Nhuận Hoa | 07:46 30/04/2023

Cách thành phố Huế khoảng 10 km về phía tây nam, Công viên "kinh dị" hồ Thủy Tiên nằm im lìm giữa đồi thông, từng được cho là công trình bạc tỷ gây lãng phí vì bỏ hoang, xuống cấp.

"Lận đận" công viên bỏ hoang từng lên báo Mỹ vì quá kinh dị ở Huế: Một công ty chi 70 tỷ xây rồi "sang tay", chủ mới tính rót 270 tỷ cải tạo nhưng bất thành

Đầu năm 2016, Công viên nước hồ Thuỷ Tiên (xã Thuỷ Bằng, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) bỗng nổi tiếng thế giới khi tờ HuffingtonPost của Mỹ đăng tải bài viết với tựa đề: "Công viên nước bỏ hoang không dành cho những trái tim nhút nhát". Tờ này đã dùng từ ''địa ngục'' để nói về các hình ảnh trong Công viên nước hồ Thủy Tiên.

Tọa lạc trên đồi Thiên An (xã Thủy Bằng), cách trung tâm Huế khoảng 10 km về hướng Tây Nam, công viên "kinh dị'' này có diện tích khoảng 20 ha đất. 

Năm 2004, công viên được đưa vào khai thác phục vụ du khách chỉ khoảng nửa năm và bị bỏ hoang cho đến nay. Công viên vì thế rơi vào tình trạng hoang hóa, các công trình bên trong xuống cấp. Nhiều khách du lịch, đặc biệt là người nước ngoài khi đến Huế tham quan đã đến đây để check-in vì tò mò sự rùng rợn, đáng sợ của công viên này.

tp_cong_vien_kinh_di_1_bia_lahm.jpg
Ảnh: Tiền phong

Vốn đầu tư hơn 70 tỷ đồng

Theo tìm hiểu, khu vui chơi giải trí Hồ Thủy Tiên ban đầu do Công ty du lịch Cố đô Huế đầu tư, khởi công xây dựng năm 2000 đến tháng 6/2004, với số vốn hơn 70 tỷ đồng.

Không có nhiều thông tin về Công ty du lịch Cố đô Huế xuất hiện, song với dự án này, nhà đầu tư đã cho xây dựng khu du lịch thủy cung, hệ sinh thái đa dạng, phong phú từ các loài cá đầy sắc màu ấn tượng đến những loài bò sát quý hiếm, sân khấu nhạc nước với sức chứa 2.500 chỗ ngồi, hệ thống 20 phòng ngủ cao cấp nằm đan xen trên các triền đồi.

Tuy nhiên do đầu tư dang dở nên công trình hoạt động kém hiệu quả, không thu hút được du khách. Năm 2008, Công ty Du lịch Cố đô đã chuyển nhượng cho Công ty TNHH Haco Huế. 

Sang tay chủ mới vẫn giậm chân tại chỗ, nhiều hạng mục bị rêu phong, cỏ úa, rao bán tài sản

Được biết, Công ty TNHH Haco Huế chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2009, ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động vui chơi giải trí. Người đại diện pháp luật doanh nghiệp là ông Đặng Mạnh Thắng. Người này còn là đại diện pháp luật của một số công ty khác gồm Công ty TNHH MTV thiết bị Haco, CTCP ANTK Phú Quốc....

Sau khi tiếp nhận Công viên Hồ Thuỷ Tiên, Công ty TNHH Haco Huế đã thiết kế lại dự án với tổng kinh phí dự kiến đầu tư tiếp tục là 270 tỷ đồng. 

Đến tháng 10/2014, khu du lịch này được phê duyệt thành khu du lịch sinh thái cao cấp, gồm trung tâm hội nghị, dịch vụ spa, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng lưu trú, biểu diễn nghệ thuật, TDTT, vui chơi giải trí và cắm trại ngoài trời trên khu vực rộng 63,38ha.

Tuy nhiên sau đó, Công ty Haco Huế cho biết không có khả năng triển khai dự án, và đề nghị tỉnh kêu gọi nhà đầu tư khác vào đầu tư và xem xét hoàn trả lại chi phí đã bỏ ra xây dựng tại đây.

Vào năm 2017, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có quyết định thu hồi đất dự án trung tâm vui chơi giải trí Hồ Thủy Tiên và giao lại cho Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế quản lý.

Đến năm 2020, theo Tuổi trẻ, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết đang giao Sở Tài chính thành lập hội đồng định giá lại tài sản và chuẩn bị những thủ tục cần thiết để kêu gọi đầu tư vào khu du lịch Hồ Thủy Tiên, có một nhà đầu tư đang có mong muốn đầu tư vào khu du lịch bị bỏ hoang nhiều năm này.

Tuy nhiên, vướng mắc gặp phải là chủ đầu tư cũ là Công ty TNHH Haco Huế vẫn đang nợ tiền 2 ngân hàng. Do làm ăn thua lỗ nên khoản tiền nợ trên của công ty gần như không thể chi trả.

Khoảng đến giữa tháng 7/2022, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Thừa Thiên Huế, đơn vị đang phối hợp với Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thừa Thiên-Huế, đã tổ chức đấu giá nhiều tài sản của công ty Haco Huế tại Trung tâm vui chơi giải trí Hồ Thủy Tiên. Giá khởi điểm tài sản là gần 3 tỷ đồng.

Những tài sản này bao gồm: Sân nền khu vực cổng và bãi đậu xe, đường dạo ven hồ và hai cầu vòm, cổng chính, quảng trường trung tâm, thủy cung, sân vườn bờ kè hai cống thoát, khu biểu diễn ngoài trời, trò chơi trên hồ, nhà hàng tranh, hệ thống điện, trồng cây.

59d62a46dfab1bf542ba-5299.jpg
a72216d0e33d27637e2c-3762.jpg
Khung cảnh công viên hoang tàn, xuống cấp bên trong. Ảnh: Thanh niên

Sẽ được trùng tu thành công viên phục vụ người dân

Gần nhất đến tháng 11/2022, Chủ tịch UBND TP.Huế đã chỉ đạo Trung tâm Công viên cây xanh Huế và các đơn vị liên quan của thành phố bảo vệ và dọn dẹp cảnh quan, chỉnh trang hạ tầng, sửa chữa nhà vệ sinh... nhằm đưa vào hoạt động vui chơi giải trí, ngoài trời tại hồ Thủy Tiên vào tháng 3/2023.

Theo lãnh đạo thành phố Huế, 20 tỷ đồng chỉ đủ để chỉnh trang một phần trong toàn bộ khuôn viên công viên Hồ Thủy Tiên. Việc chỉnh trang sẽ hướng đến việc mở cửa nơi đây thành một công viên công cộng, phục vụ người dân. Trước mắt, việc chỉnh trang bắt đầu từ tuyến đường dạo quanh hồ Thủy Tiên dài hơn 2 km, rộng 4,5 - 6 m, cải tạo tuyến đường bê tông hiện trạng, hệ thống điện chiếu sáng và hệ thống cấp, thoát nước...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Có thể bạn quan tâm
"Lận đận" công viên bỏ hoang từng lên báo Mỹ vì quá kinh dị ở Huế: Một công ty chi 70 tỷ xây rồi "sang tay", chủ mới tính rót 270 tỷ cải tạo nhưng bất thành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO