Là nhà sản xuất lớn thứ 6 thế giới, Việt Nam vẫn chi hàng trăm triệu mua thịt lợn ngoại: nhập khẩu tăng 100%, giá rẻ hơn cả giá trong nước

Khánh Vy | 11:32 06/08/2024

Việt Nam đang nhập khẩu hàng trăm nghìn tấn thịt kể từ đầu năm.

Là nhà sản xuất lớn thứ 6 thế giới, Việt Nam vẫn chi hàng trăm triệu mua thịt lợn ngoại: nhập khẩu tăng 100%, giá rẻ hơn cả giá trong nước

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết quý II, Việt Nam nhập khẩu 202.270 tấn thịt và sản phẩm từ thịt, trị giá 393,85 triệu USD, tăng 17,9% về lượng và tăng 14% về trị giá so với quý I/2024; tăng 22,5% về lượng và tăng 20,5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong quý II, Ấn Độ, Mỹ, Nga, Ba Lan và Brazil là 5 thị trường cung cấp thịt và sản phẩm từ thịt lớn nhất cho Việt Nam. Trong đó, Ấn Độ là thị trường cung cấp thịt và sản phẩm từ thịt lớn nhất cho Việt Nam với 35.700 tấn, trị giá 121,39 triệu USD, tăng 24,7% về lượng và tăng 39,1% về trị giá so với quý II/2023.

Trong quý II/2024, nhập khẩu thịt lợn và thịt bò của Việt Nam có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2023; trong khi nhập khẩu thịt gia cầm, thịt trâu và phụ phẩm sau khi giết mổ của trâu, bò, lợn tăng.

Riêng thịt lợn, trong quý vừa qua, Việt Nam nhập khẩu 27.040 tấn thịt lợn, trị giá 60,69 triệu USD, tăng gần 99,6% về lượng và tăng 99,5% về trị giá so với quý I; giảm 0,1% về lượng và giảm 16,3% về trị giá so với quý II/2024.

Giá nhập khẩu trung bình thịt lợn về Việt Nam đạt 2.244 USD/tấn (khoảng hơn 56.000 đồng/kg), mức này rẻ hơn giá thịt lợn hơi xuất chuồng nội địa (62.000-66.000 đồng/kg).

Nhập khẩu thịt lợn có xu hướng tăng trong tháng 5 và tháng 6, nhưng lượng nhập khẩu quý II chỉ bằng khoảng 2,2% so với tổng sản lượng thịt lợn của cả nước, Cục Xuất nhập khẩu đánh giá.

Brazil, Nga, Canada, Đức và Mỹ là 5 thị trường cung cấp thịt lợn lớn nhất cho Việt Nam trong quý II. Trong đó, Brazil là thị trường lớn nhất cung cấp thịt lợn cho Việt Nam với 10.500 tấn, trị giá 23,33 triệu USD, tăng 72,7% về lượng và tăng 60,9% về trị giá so với cùng kỳ 2023.

Dù nhập khẩu lượng lớn nhưng nguồn cung trong nước không thiếu. Việt Nam đứng thứ sáu trên thế giới về sản xuất thịt lợn với sản lượng hơn 2,7 triệu tấn trong năm 2023.

Ở chiều ngược lại, trong quý II, Việt Nam xuất khẩu được 6.190 tấn thịt và sản phẩm thịt, trị giá 25,95 triệu USD, tăng 36,3% về lượng và tăng 8,8% về trị giá so với cùng kỳ 2023.

Thịt và sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Hong Kong (Trung Quốc) đạt 2.570 tấn, trị giá 14,65 triệu USD, chiếm 41,59% về lượng và chiếm 56,46% về trị giá. Các mặt hàng xuất khẩu chính chủ yếu là hàng đông lạnh như thịt lợn sữa, thịt lợn, chân gà, thịt ếch…

Trong quý II/2024, thị trường thịt trong nước không có biến động lớn, nguồn cung luôn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng. Đàn lợn của Việt Nam có xu hướng tăng trở lại do chăn nuôi nông hộ chuyển mạnh sang bán công nghiệp, liên kết với doanh nghiệp.

Tuy nhiên, dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương khiến tình hình chăn nuôi không ổn định, đặc biệt với khu vực hộ gia đình. Giá lợn có xu hướng giảm trở lại từ cuối quý II/2024 do nhu cầu tiêu thụ thấp.

Tháng 7/2024, giá lợn hơi trên cả nước có xu hướng giảm so với tháng trước, dao động trong khoảng 62.000 - 66.000 đồng/kg. Cụ thể, giá lợn hơi tại khu vực miền Bắc dao động trong khoảng 64.000 - 66.000 đồng/ kg, giảm 2.000 - 3.000 đồng/kg so với cuối tháng trước.

Tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên, giá lợn hơi dao động trong khoảng 62.000 - 65.000 đồng/kg, giảm 1.000 - 2.000 đồng/kg so với cuối tháng trước.

Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi dao động trong khoảng 62.000 - 66.000 đồng/kg, giảm 2.000 - 4.000 đồng/kg so với cuối tháng trước.

Cục Xuất nhập khẩu đánh giá, với mức giá này, người chăn nuôi vẫn có lãi, yên tâm đầu tư chăm sóc đàn lợn, đảm bảo nguồn cung thịt lợn đến cuối năm và dịp Tết.


(0) Bình luận
Là nhà sản xuất lớn thứ 6 thế giới, Việt Nam vẫn chi hàng trăm triệu mua thịt lợn ngoại: nhập khẩu tăng 100%, giá rẻ hơn cả giá trong nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO