Kiểm toán Nhà nước: TKV có nhiều khoản đầu tư ra nước ngoài tiềm ẩn rủi ro tài chính, chưa hiệu quả

Lê Sáng | 10:20 02/02/2023

Theo Kiểm toán Nhà nước, Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) hiện có nhiều khoản đầu tư tiềm ẩn rủi ro tài chính, chưa hiệu quả trong nước cũng như tại Campuchia và Lào.

Kiểm toán Nhà nước: TKV có nhiều khoản đầu tư ra nước ngoài tiềm ẩn rủi ro tài chính, chưa hiệu quả
Trụ sở Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV). Ảnh:KTNN

Đầu tư ra nước ngoài kém hiệu quả

Thực hiện Quyết định số 1172/QĐ-KTNN ngày 29/8/2022 của Tổng Kiểm toán nhà nước về việc kiểm toán Báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước năm 2021 của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Đoàn KTNN thuộc KTNN chuyên ngành VI đã thực hiện kiểm toán tại TKV từ ngày 07/9/2022 đến 31/10/2022.

Báo cáo kiểm toán cuộc kiểm toán đã được phát hành, kết quả kiểm toán cho thấy còn nhiều tồn tại trong công tác lập, phê duyệt kế hoạch mua sắm; lập, phê duyệt thiết kế và dự toán; lập hồ sơ mời thầu; lựa chọn nhà thầu, nhà cung cấp; ký kết và thực hiện hợp đồng; quản lý chất lượng, tiến độ, nghiệm thu thanh toán trong quản lý đầu tư, mua sắm tài sản, hàng hóa, sửa chữa tài sản cố định (TSCĐ), thuê ngoài cung cấp dịch vụ đã được Kiểm toán nhà nước (KTNN) chỉ ra qua kiểm toán chọn mẫu một số gói thầu đầu tư, mua sắm tài sản, hàng hóa, sửa chữa TSCĐ, thuê ngoài cung cấp dịch vụ trong thực hiện Cuộc kiểm toán Báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước năm 2021 của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.

Đáng chú ý, theo KTNN, trong quản lý các khoản đầu tư tài chính dài hạn, cuộc kiểm toán cũng chỉ ra, công ty mẹ TKV còn một số khoản đầu tư tiềm ẩn rủi ro tài chính, chưa hiệu quả như: Đầu tư vào Công ty cổ phần Cromit cổ Định Thanh Hóa, Công ty liên doanh Alumina Campuchia - Việt Nam, Công ty TNHH Vinacomin Lào, Công ty CP sắt Thạch Khê...

Quản lý nợ phải thu, phải trả chưa chặt chẽ

Bên cạnh đó, qua kiểm toán, KTNN kết luận việc tuân thủ pháp luật, chế độ tài chính-kế toán, đầu tư, mua sắm và quản lý , sử dụng vốn, tiền, tài sản Nhà nước của Công ty mẹ TKV và các đơn vị được kiểm toán còn có những hạn chế, tồn tại nhất định.

Đối với nội dung quản lý nợ phải thu, phải trả, kết quả kiểm toán cho thấy còn tình trạng quản lý nợ phải thu chưa chặt chẽ để phát sinh nợ đọng, nợ phải thu khó đòi phải trích lập dự phòng tại 31/12/2021 theo báo cáo của TKV, tổng giá trị nợ phải thu khó đòi tại ngày 31/12/2021 của TKV là 279.157 triệu đồng, trích dự phòng nợ phải thu 238.278 triệu đồng; đối chiếu nợ phải thu, phải trả chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, vẫn còn trường hợp cho khách hàng nợ tiền hàng không đúng quy định theo hợp đồng, dư nợ vượt bảo lãnh thanh toán; chậm hoàn ứng theo quy định của đơn vị. Một số hợp đồng bán than tại Chi nhánh Công ty Kinh doanh than Hải Phòng của Công ty Cổ phần Kinh doanh than miền Bắc - Vinacomin chưa quy định hình thức bảo đảm thực hiện hợp đồng, chưa quy định điều khoản thưởng phạt. Ngoài ra, còn trường hợp có hệ số thanh toán nợ ngắn hạn chưa đảm bảo...

Về quản lý hàng tồn kho, còn có trường hợp chưa yêu cầu đơn vị giám định cung cấp các tài liệu thể hiện số lượng mẫu được lấy, sơ đồ lấy mẫu; chưa thực hiện kiểm định/hiệu chuẩn và đánh giá sai số của thiết bị đo mức tự động tại bể chứa xăng dầu; chưa thực hiện giám định độ ẩm lượng than sau khi nhập về kho, tiềm ẩn rủi ro chất lượng, độ ẩm hàng nhập kho...

Về hiệu quả sử dụng TSCĐ còn có các trường hợp: Công suất bình quân thực tế hoạt động của một số phân xưởng sàng tuyển thấp hơn so với công suất thiết kế; hiệu suất sử dụng một số đoàn tàu vận chuyển còn thấp, vòng quay chậm; chi phí xây dựng cơ bản dở dang, theo kết quả kiểm toán, ngày 31/12/2021, một số khoản chi phí xây dựng cơ bản dở dang của các dự án dừng/không tiếp tục đầu tư từ nhiều năm trước đến nay chưa được xử lý dứt điểm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Kiểm toán Nhà nước: TKV có nhiều khoản đầu tư ra nước ngoài tiềm ẩn rủi ro tài chính, chưa hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO