Không phải Kinh tế hay IT, 6 ngành này bất ngờ có điểm chuẩn cao nhất năm 2022: Suýt 30 điểm, thủ khoa chưa chắc đã đỗ và có ngành 1 chọi 500

Kim Linh, Đinh Anh | 10:00 14/06/2023

Những ngành học này có điểm chuẩn gần như “chạm trần” trong kì tuyển sinh đại học 2022. Điều đó đồng nghĩa, thí sinh đạt 9,9 điểm/môn cũng chưa thể đỗ.

Không phải Kinh tế hay IT, 6 ngành này bất ngờ có điểm chuẩn cao nhất năm 2022: Suýt 30 điểm, thủ khoa chưa chắc đã đỗ và có ngành 1 chọi 500

Mùa tuyển sinh đại học 2022 vừa qua đã ghi nhận một loạt các ngành học có mức điểm chuẩn gần như “chạm trần”. Bên cạnh các ngành luôn giữ vị trí “ngôi vương” như Hàn Quốc học, Đông phương học, Quan hệ Công chúng, 2022 là sự vươn lên của Báo chí, Luật Kinh tế hay Sư phạm Sử. 

Do phổ điểm khối C00 tăng mạnh, số lượng thí sinh đạt 26-27 điểm lên đến 9.200 em. Điều này đã khiến nhiều ngành có điểm chuẩn suýt soát 30.

Hàn Quốc học - Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội  

Trong kỳ tuyển sinh năm 2022 vừa qua, ngành Hàn quốc học của trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia HN một lần nữa lập kỷ lục với mức điểm chuẩn gần như “đụng trần”, 29,95 điểm ở tổ hợp C00. Đây cũng là ngành học có điểm chuẩn cao nhất của trường trong kỳ tuyển sinh 2022. So với năm 2021, điểm chuẩn ngành này có sự sụt giảm, 0,05 điểm (điểm năm 2021 là 30 điểm). 

Nếu xét mức điểm chuẩn của ngành Hàn quốc học năm 2022 ở tổ hợp C00, thí sinh thủ khoa khối C cũng không thể đỗ ngành này nếu không được cộng điểm ưu tiên. Vì thủ khoa tổ hợp C00 năm 2022 đạt 29,75 điểm, thấp hơn điểm chuẩn vào ngành 0,2 điểm. Điều này đồng nghĩa, thí sinh muốn đỗ ngành học này ở tổ hợp C00 cần phải đạt ít nhất 9,983 điểm/môn.

Sinh viên ngành Hàn Quốc học trong trang phục truyền thống của xứ sở kim chi

Theo đó Hàn Quốc học là ngành học nghiên cứu toàn diện về lịch sử, đại lý, văn hoá, kinh tế… của đất nước Hàn Quốc. Đây là ngành có sự phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam trong hơn một thập kỷ gần đây bởi tác động tích cực của làn sóng đầu tư, làn sóng văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam. Điều này trao cho sinh viên ngành Hàn Quốc học rất nhiều cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp cũng như học bổng hay các cơ hội thực tập, thực tế doanh nghiệp.  

Đông Phương học - Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

Đông Phương học của trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn HN cũng là ngành có mức điểm cao ngất ngưởng trong kì tuyển sinh vừa qua. Theo đó, ngành học này lấy điểm chuẩn điểm khối C00 bằng ngành Hàn quốc học của trường, 29,95 điểm. So với năm 2021, mức điểm chuẩn này đã tăng lên 0,15. 

Điểm chuẩn năm 2022 của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

Trong giai đoạn 2017-2022, mức điểm của ngành học này tại trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn luôn ở ngưỡng cao từ 27 điểm trở lên. Điều này đã phần nào phản ánh sức hút của ngành đối với các sĩ tử. 

Sinh viên theo học ngành này có nhiều cơ hội nghề nghiệp như: Làm việc tại các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước; Làm công tác giảng dạy và biên dịch các ngôn ngữ; Làm các công việc khác có sử dụng ngoại ngữ như giáo viên ngôn ngữ, hướng dẫn viên, biên tập viên báo chí, nhân viên an ninh…    

Quan hệ công chúng - Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội 

Trong kỳ tuyển sinh năm 2022, ngành Quan hệ công chúng là một trong 3 ngành học có điểm chuẩn cao nhất của trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn HN, 29,95 điểm. So với năm 2021, điểm chuẩn của ngành này tăng 0,65 điểm.

Có cơ hội việc làm rộng mở, quan hệ công chúng là ngành học đào tạo những cử nhân với kiến thức, kỹ năng, thái độ cần thiết để tác nghiệp các hoạt động xây dựng, duy trì, phát triển hình ảnh và mối quan hệ 2 chiều giữa các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp với các nhóm công chúng mục tiêu. 

Sau khi tốt nghiệp, sĩ tử theo học ngành này có thể phụ trách quan hệ báo chí, tổ chức sự kiện; Trợ lý phân tích và lập báo cáo về môi trường truyền thông đối nội và đối ngoại, trợ lý xây dựng chiến lược truyền thông kinh doanh…; Tham gia nghiên cứu các vấn đề có liên quan đến truyền thông, quan hệ công chúng, trợ lý giảng dạy…    

Báo chí - Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

Báo chí là một trong những ngành thu hút đông đảo thí sinh nhất của Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, lọt top 5 các ngành điểm trúng tuyển cao nhất trường nhiều năm. Điểm chuẩn năm 2022 của ngành này là con số khiến nhiều thí sinh e dè - 29,9 điểm khối C00, tăng 1,1 điểm so với năm 2021, tương đương trung bình 9,966/môn.

Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội

Theo phân tích dữ liệu điểm thi tốt nghiệp THPT, năm nay cả nước có 53 thí sinh đạt từ 29 điểm khối C00 trở lên, thủ khoa là thí sinh ở thành phố Bắc Ninh với 29,75 điểm. Như vậy nếu Thủ khoa khối C cả nước không có điểm ưu tiên cũng không thể đỗ ngành Báo chí của trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn.

Cử nhân Báo chí có rất nhiều cơ hội nghề nghiệp như trở thành phóng viên, biên tập viên, bình luận viên, phát thanh viên, MC, sản xuất chương trình, chuyên viên quảng cáo hoặc tổ chức sự kiện, cán bộ giảng dạy tại các trường ĐH và cao đẳng,...

Ngôn ngữ Nga - Học viện Khoa học Quân sự 

Năm 2022, Học viện Khoa học quân sự lấy điểm chuẩn cao nhất 29,79 điểm cho ngành Ngôn ngữ Nga với thí sinh nữ cho tổ hợp D01(Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh) và D02 (Toán, Ngữ Văn, Tiếng Nga) trên thang điểm 30. Mức điểm này tăng so với năm 2021 là 0,49 điểm. Năm 2021 và 2022 đều ghi nhận điểm chuẩn các trường quân đội cao đều, chênh lệch giữa các nhóm đối tượng nam - nữ, khu vực tuyển sinh hay giữa các tổ hợp cũng được thu hẹp.

Điểm chuẩn năm 2022 của Học viện Khoa học Quân sự

Học viện Khoa học Quân sự là cơ sở đào tạo bậc đại học hàng đầu về ngoại ngữ và quan hệ quốc tế về quốc phòng trong quân đội. Học viện chỉ tuyển 110 chỉ tiêu cho 5 ngành đào tạo gồm: Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Nga, Ngôn ngữ Trung Quốc, Quan hệ quốc tế và Trinh sát kỹ thuật. Ngành ngữ Anh và Ngôn ngữ Trung Quốc của Học viện cũng lấy điểm cao chót vót,  điểm trúng tuyển đối với nữ lần lượt là 28,29 điểm và 28,25 điểm.

Luật Kinh tế - Đại học Luật Hà Nội 

Điểm chuẩn trường ĐH Luật Hà Nội năm 2022 đối với ngành Luật Kinh tế là 29,5 điểm (tăng 0,25 điểm so với năm 2021) theo khối xét tuyển C00. thí sinh phải đạt hơn 9,83 điểm/môn mới có thể trúng tuyển. 

Luật Kinh tế cũng là ngành có mức điểm chuẩn cao nhất tại Đại học Luật Hà Nội trong 3 năm qua. Ngành xếp thứ 2 năm 2022 là điểm chuẩn ngành Luật (khối C00) với mức 28,75 điểm (tăng 0,75 điểm so với năm 2021). Năm nay ĐH Luật Hà Nội đã tăng 100 chỉ tiêu cho ngành Luật Kinh tế, so với 450 chỉ tiêu năm 2022.

Điểm chuẩn năm 2022 của Đại học Luật Hà Nội 

Sinh viên sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Luật Kinh tế có thể đảm nhiệm các vị trí sau: Tư vấn pháp lý, đánh giá, phân tích và giải quyết những vấn đề phát sinh trong các hoạt động kinh doanh của công ty hoặc doanh nghiệp; tư vấn pháp luật, làm cán bộ thực hiện các dịch vụ pháp lý của luật sư, trở thành giảng viên,...

Vì sao điểm chuẩn những ngành này “chạm trần”? 

Điểm chuẩn xấp xỉ 30 điểm của 5/6 ngành trên (trừ ngành Ngôn ngữ Nga - Học viện Khoa học Quân sự) đều là điểm thi THPTQG xét theo tổ hợp khối C00 (Ngữ Văn, Lịch Sử, Địa Lý). Năm 2022, điểm chuẩn đại học khối C ở hầu hết tất cả các trường đại học đều cao ở mức kỷ lục, đặc biệt là các trường top đầu xét tuyển khối thi này.

Trong 27 ngành xét điểm chuẩn khối C của ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, có tới 9 ngành có điểm chuẩn từ 29 điểm trở lên. So với các tổ hợp khác trong cùng ngành tuyển sinh, tổ hợp khối C ở các trường luôn có điểm chuẩn cao nhất, chênh từ 2 đến 5 điểm so với các tổ hợp khác. Vì sao lại có hiện tượng này?

  1. Điểm Lịch sử tăng đáng kể

Một trong những nguyên nhân của hiện tượng này là do điểm môn Lịch sử năm 2022 có bước nhảy vọt so với mọi năm, kéo theo điểm tổ hợp khối C tăng. Tỷ lệ thí sinh dưới trung bình chỉ ở mức dưới 20%, nhận “mưa” điểm 10 sau nhiều năm là môn có điểm trung bình thấp đáng báo động. So với năm 2021, số bài thi điểm 10 môn Lịch sử năm nay tăng gần 7 lần, số lượng bài thi đạt điểm trên 9 cũng tăng gấp nhiều lần. 2 môn thi còn lại trong tổ hợp C00 là Ngữ Văn và Địa lý có phổ điểm tương đương năm 2021.

Năm 2022 là lần đầu tiên phổ điểm Lịch sử lệch phải với số lượng điểm 10 tăng vọt

  1. Ngành hot có khối lượng hồ sơ lớn nhưng chỉ tiêu cho điểm thi THPT ít

Hiện nay các các trường đang sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh, khiến cho số chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT vô cùng ít hơn và cũng là nguyên nhân khiến điểm chuẩn nhiều ngành bị đẩy lên cao.

Lý giải về việc điểm chuẩn gần đạt ngưỡng 30 điểm với ngành Báo chí, GS.TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết năm 2022 ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội tuyển 55 chỉ tiêu ngành này học hệ đại trà, trong đó 25 chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT chia cho 6 tổ hợp. Chỉ tính riêng nguyện vọng đăng ký xét tuyển bằng khối C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý) đã lên tới 2.544, đẩy tỷ lệ chọi ngành Báo chí khối C00 lên ngưỡng 1 chọi 500.

Ngành Hàn Quốc học, Đông phương học và Quan hệ công chúng tại trường ĐH này đều là ngành hot, luôn có tỷ lệ đăng ký nguyện vọng cao, điểm chuẩn dẫn đầu qua các năm. Tuy nhiên chỉ tiêu theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT cũng ở ngưỡng rất ít, lần lượt là 24, 25 và 27 sinh viên.

Luật Kinh tế cũng là ngành có mức điểm chuẩn cao nhất tại Đại học Luật Hà Nội trong 3 năm qua. Ngành này có chỉ tiêu 224 sinh viên cho phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT nhưng phải cho 3 tổ hợp A00, A01 và C00.


(0) Bình luận
Không phải Kinh tế hay IT, 6 ngành này bất ngờ có điểm chuẩn cao nhất năm 2022: Suýt 30 điểm, thủ khoa chưa chắc đã đỗ và có ngành 1 chọi 500
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO