Không phải gạo, loại 'hạt vàng' này của Việt Nam được gần 1/2 thế giới chốt đơn: Mỹ, Trung Quốc mạnh tay săn lùng, giá lên đỉnh từ đầu năm

Khánh Vy | 06:18 18/09/2024

Việt Nam hiện giữ vững vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu mặt hàng này.

Không phải gạo, loại 'hạt vàng' này của Việt Nam được gần 1/2 thế giới chốt đơn: Mỹ, Trung Quốc mạnh tay săn lùng, giá lên đỉnh từ đầu năm
Ảnh minh họa.

Trong năm 2024, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam sang các thị trường truyền thống và tiềm năng đều tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ năm 2023.

Cụ thể, tháng 8/2024, Việt Nam xuất khẩu 64.560 tấn hạt điều, tương đương 408,44 triệu USD, tăng 6,2% về lượng, tăng 21,9% kim ngạch so với tháng 8/2023.

Tính chung 8 tháng đầu năm, xuất khẩu đạt 486.470 tấn, tương đương gần 2,78 tỷ USD, tăng 22,9% về khối lượng, tăng 21,8% về kim ngạch nhưng giảm 0,9% về giá so với 8 tháng đầu năm 2023.

Giá bình quân xuất khẩu hạt điều tháng 8 của Việt Nam đạt mức 6.326 USD/tấn, tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 14,8% so với tháng 8/2023, cao kỷ lục.

Hạt điều xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Mỹ chiếm gần 28% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt 134.109 tấn, tương đương gần 763 triệu USD, giá xuất khẩu sang thị trường này đạt trung bình 5.687 USD/tấn.

Riêng tháng 8/2024 xuất khẩu sang Mỹ 20.099 tấn hạt điều, tương đương 128 triệu USD, so với tháng 8/2023 thì tăng 35,7% về lượng, tăng 60,6% về kim ngạch.

Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc đạt 82.863 tấn hạt điều, thu về 464 triệu USD, tăng 43,5% về lượng và tăng 28,9% về kim ngạch so với cùng kỳ. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường Trung Quốc cho thấy nhu cầu hạt điều đang tăng trở lại sau khi nước này dỡ bỏ chính sách Zero Covid. Bên cạnh đó, có các chương trình khuyến mãi tiêu thụ nhân điều tại Trung Quốc. Vì vậy, tiêu thụ hạt điều tại thị trường này khá tốt.

Xuất sang thị trường Hà Lan đứng thứ 3, đạt 44.839 tấn, tương đương 261 triệu USD, tăng 15,5% về lượng và tăng 14,9% về kim ngạch. Do châu Âu có sản lượng điều rất thấp nên phải phụ thuộc vào nhập khẩu từ nhiều nước khác nhau. Hà Lan đóng vai trò quan trọng như một trung tâm thương mại ở châu Âu, vì hầu hết hạt điều nhập khẩu được tái xuất sang các nước châu Âu khác. 

Hiệp hội Điều Việt Nam nhận định, xuất khẩu điều của Việt Nam sẽ tăng trong các tháng của quý IV/2024 nhờ nhu cầu thế giới tăng. Trong đó, nhu cầu tiêu thụ tại Mỹ có dấu hiệu phục hồi, tồn kho giảm mạnh sẽ kéo theo nhập khẩu tăng.

Việt Nam hiện giữ vững vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu hạt điều. Ngành điều Việt Nam có khoảng 500 doanh nghiệp sản xuất và chế biến với công suất đạt 4 triệu tấn điều thô/năm. Sản phẩm hạt điều nhân của Việt Nam hiện đã có mặt ở hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Dù xuất khẩu thu về gần 2,8 tỷ USD, nhưng ngành điều đã chi tới 2,4 tỷ USD nhập khẩu nguyên liệu điều thô để chế biến. Như vậy xuất và nhập đang tiến sát với nhau, ngành điều Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ nhập siêu rất cao.

Ngoài ra, giá điều nội địa khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu, thu nhập không đảm bảo nên nhiều nông dân ngậm ngùi chặt bỏ điều để chuyển sang cây trồng khác để cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Đây cũng chính là nguyên nhân giá hạt điều tăng lên mức kỷ lục như hiện nay. Giá hạt điều thô nhập khẩu cũng tăng đột biến do nguồn cung giảm vì khô hạn, năng suất giảm mạnh.

Thực trạng trên khiến diện tích cây trồng này ở nước ta giảm dần đều qua từng năm. Cụ thể, từ 440.000 ha năm 2007, đến năm 2022 tổng diện tích điều cả nước giảm còn 305.000 ha. Năm 2023, diện tích điều giảm còn 300.000 ha, sản lượng đạt 347.600 tấn.

Hội đồng Hạt và Quả khô quốc tế (INC) dự báo, nguồn cung hạt điều toàn cầu sụt giảm khoảng 7% so với năm ngoái do chịu ảnh hưởng của thời tiết. Tuy nhiên, khả năng mức sụt giảm trên có thể lớn hơn nhiều. Do đó, việc thiếu hụt nguyên liệu dự báo sẽ kéo dài.


(0) Bình luận
Không phải gạo, loại 'hạt vàng' này của Việt Nam được gần 1/2 thế giới chốt đơn: Mỹ, Trung Quốc mạnh tay săn lùng, giá lên đỉnh từ đầu năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO