Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu mặt hàng máy ảnh, máy quay phim và linh kiện trong tháng 9 đã thu về hơn 707 triệu USD, giảm 6,8% so với tháng 8. Lũy kế trong 9 tháng đầu năm mặt hàng này đã thu về cho Việt Nam hơn 6,15 tỷ USD, tăng mạnh 29,6% so với cùng kỳ năm trước.
Nhìn chung, xuất khẩu nhóm hàng máy ảnh, máy quay phim và kinh kiện 9 tháng đầu năm 2024 sang hầu hết các thị trường tăng kim ngạch so với 9 tháng đầu năm 2023.
Xét về thị trường, 3 cường quốc công nghệ là Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc đều đang là nhà nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Cụ thể, Trung Quốc đang dẫn đầu với kim ngạch đạt hơn 3,5 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm, tăng mạnh 40% so với cùng kỳ năm trước.
Đứng thứ 2 là Mỹ với kim ngạch đạt hơn 902 triệu USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2023. Hàn Quốc đứng ở vị trí thứ 3 với hơn 349 triệu USD, tuy nhiên giảm 8% so với cùng kỳ năm 2023.
Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện đang trở thành một trong những ngành hàng công nghệ quan trọng của Việt Nam. Trước đó trong năm 2023, mặt hàng này đã mang về hơn 7,6 tỷ USD, tăng 19,5% so với cùng kỳ và là mặt hàng có mức tăng trưởng đứng thứ 3 của Việt Nam.
Theo một khảo sát của S&P Global Electronics PMI, ngành công nghiệp điện tử toàn cầu đã có sự tăng trưởng tích cực kể từ giữa năm 2020 – khi đại dịch COVID-19 thúc đẩy nhu cầu mạnh mẽ đối với thiết bị điện tử tiêu dùng để các doanh nghiệp có thể thiết lập phương án làm việc từ xa.
Theo đánh giá của các chuyên gia, khả năng xuất khẩu hàng hóa công nghệ thông tin, linh kiện điện tử của Việt Nam đang tăng cao. Từ ngày 1/1/2006, các cam kết của khu vực Mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) về lộ trình giảm thuế đối với các mặt hàng điện tử đã có hiệu lực hoàn toàn.
Việc Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và một loạt Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới (TPP, FTA EU-Việt Nam…) đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp ngành Công nghiệp điện tử phát huy tiềm năng to lớn đưa các sản phẩm vươn ra khu vực và thế giới.
Theo Tổng cục Thống kê, để thúc đẩy ngành công nghiệp điện tử phát triển nhanh, bền vững, cần xác định rõ chiến lược phát triển của ngành; trong đó, chú trọng tới việc xác định sản phẩm cốt lõi, có sức đột phá.
Nắm bắt được tầm quan trọng đó nên các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực này ngày càng tăng, nhiều hãng điện tử lớn trên thế giới đã đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất sản phẩm điện tử công nghệ cao ở Việt Nam như Samsung, LG, Foxconn, Fukang Technology, LG Display Hải Phòng.