Tốc độ Internet đã có bước phát triển thần tốc kể từ thời kỳ toàn thế giới vẫn sử dụng modem dial-up. Tuy nhiên, đôi khi mạng Internet của năm 2023 vẫn không thể đánh bại được bồ câu đưa thư - phương pháp gửi ‘dữ liệu’ đã được sử dụng hàng nghìn năm.
Theo đó, người Hy Lạp cổ đại đã sử dụng bồ câu để thông báo kết quả của Thế vận hội Olympic. Năm 1850, hãng thông tấn Reuters khi đó đã sử dụng 45 con chim bồ câu để gửi tin tức và giá cổ phiếu đi khoảng cách 146 km giữa Brussels và Aachen, Đức, với mỗi chuyến đi tốn 2 tiếng.
Theo American Racing Pigeon Union, chim bồ câu được dùng cho việc đưa thư có tốc độ bay trung bình là 64 km/h và có thể bay tới 643km. Nếu bay trong thời điều kiện thời tiết lý tưởng (như có gió thuận), bồ câu có thể di chuyển với tốc độ lên tới 177 km/h và bay xa tới 1600km.
Với ‘thông số’ ấn tượng như vậy, chim bồ câu hoàn toàn có khả năng đánh bại đường truyền Internet cáp quang, miễn là nó mang theo một lượng dữ liệu đủ lớn. Đây cũng chính là kết quả của một thử nghiệm được Youtuber công nghệ Jeff Geerling thực hiện hồi tháng 8.
Theo đó, Youtuber này đã gắn lên chân của chú chim bồ câu thanh USB chứa 3TB dữ liệu để gửi tới một địa điểm đã được định sẵn cách đó 1 dặm, vốn chỉ mất 1 phút để bay. Ngay cả khi cộng thêm thời gian để sao chép 3TB dữ liệu từ USB sang máy tính, thành tích của chim bồ câu vẫn vượt trội so với mạng Internet cáp quang, vốn chưa đủ nhanh để có thể truyền lượng lớn dữ liệu như vậy trong thời gian ngắn.
Bản thân thử nghiệm này cũng mang tới nhiều kết luận thú vị. Theo như biểu đồ đo đạc được Youtuber Jeff Geerling thực hiện, việc sử dụng chim bồ câu để chuyển dữ liệu sẽ là phương án tối ưu trong khoảng cách từ 1 tới 1000km - so với việc chuyển bằng mạng Internet cáp quang.
Trên thực tế, tùy theo khối lượng dữ liệu và khoảng cách nhất định, chim bồ câu thậm chí được coi là lựa chọn nhanh và phù hợp hơn để gửi dữ liệu tại những khu vực nông thôn rộng lớn của nước Mỹ, nơi tốc độ Internet có thể tụt hậu xa so với mức trung bình của quốc gia này, theo nhận định của Washington Post.
Chim bồ câu là lựa chọn tối ưu cho người dùng Internet ở nông thôn nước Mỹ
Mặc dù ngày càng nhiều người Mỹ đang sử dụng các đường truyền Internet tốc độ cao, điều tương tự lại không diễn ra ở các vùng nông thôn khi Internet nơi đây không ổn định và có tốc độ rất chậm. Vào năm 2020, cứ 5 người dân sống ở nông thôn thì lại có 1 người đang sử dụng mạng Internet không đạt chuẩn tối thiểu theo quy định ban hành vào năm 2015 của FCC, vốn có tốc độ tải xuống từ 25 Mb/giây và tốc độ tải lên trên 3 Mb/giây.
Tốc độ Internet dưới ngưỡng này có thể cho phép tối đa 2 người dùng truy cập và thực hiện các tác vụ thông thường như duyệt web, gửi email hay xem video có độ phân giải HD. Tuy nhiên, tốc độ nói trên hoàn toàn không đủ để thực hiện các tác vụ yêu cầu băng thông lớn như xem hoặc phát online video 4K hoặc sử dụng các phần mềm phức tạp chạy trên điện toán đám mây.
Vậy đâu là nguyên nhân khiến cho tốc độ mạng Internet tại khu vực nông thôn của Mỹ chậm đến đến vậy? Theo Alex Kelley, người đứng đầu bộ phận tư vấn băng thông rộng tại tổ chức Center on Rural Innovation, sự chênh lệch giữa nông thôn và thành thị về chất lượng internet vẫn tồn tại do sự đầu tư không đồng đều của các nhà mạng, với nguyên nhân chủ yếu đến từ mức thu nhập của người dân.
Theo đó, các nhà cung cấp dịch vụ Internet “sẽ đầu tư vào công nghệ tốt nhất ở những khu vực có môi trường cạnh tranh và họ sẽ đầu tư vào công nghệ mới nhất ở những khu vực giàu có hơn”, Kelley nói.
Để so sánh, cư dân ở một số thành phố có tốc độ tải lên nhanh hơn 100Mbps. Trong khi đó, ở một số khu vực nông thôn nước Mỹ, tốc độ tải lên trung bình chỉ đạt 1 Mbps. Với tốc độ chậm như vậy, ngay cả việc gửi video qua Internet cho một ai đó đang sinh sống tại cùng địa phương sẽ tốn thời gian hơn so với việc sử dụng chim bồ câu để gửi.
Cũng phải nói thêm, bản thân các công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Amazon và Google cũng không sử dụng mạng Internet để chuyển một lượng lớn dữ liệu. Thay vào đó, các công ty này sẽ chuyển sang một hình thức vận chuyển đáng tin cậy hơn là xe tải.
Năm 2016, Amazon ra mắt AWS Snowmobile, một container vận chuyển có thể chứa tới 100 petabyte dữ liệu – tương đương với 20 tỷ bức ảnh độ phân giải cao trên iPhone. Ngay cả với tốc độ internet nhanh nhất có thể, 100 petabyte dữ liệu sẽ phải mất hàng thập kỷ để tải lên Internet. Trong khi đó, việc vận chuyển lượng dữ liệu đi khắp đất nước bằng xe tải sẽ chỉ mất vài ngày.
Tham khảo Washington Post