Khi Thế giới di động "tung chiêu" ký kết độc quyền với một loạt thương hiệu công nghệ, một nhà bán lẻ khác lạnh lùng cho biết: Không quá quan tâm!

Trọng Nghĩa | 15:33 22/06/2023

Cách đây vài tháng, Thế Giới Di Động và các hệ thống bán lẻ khác đã có cuộc chiến khốc liệt về giá bán. Tuy nhiên, mới gần đây, ông lớn chiếm hơn 60% thị phần thị trường bán lẻ điện thoại, máy tính... đã tung chiêu mới "Độc quyền" khiến các đối thủ nhỏ hơn lao đao.

Khi Thế giới di động "tung chiêu" ký kết độc quyền với một loạt thương hiệu công nghệ, một nhà bán lẻ khác lạnh lùng cho biết: Không quá quan tâm!

Thời gian qua, Thế giới di động liên tục ký kết hợp tác và "mở bán đặc biệt" với hàng loạt mẫu smartphone mới ra mắt trên thị trường như realme C53, vivo Y36, Xiaomi Redmi 12.

Không chỉ riêng các hãng điện thoại mà còn một số thương hiệu laptop cũng bắt tay với Thế Giới Di Động trong dịp này như MSI, Asus, HP và Acer. Tuy nhiên, khác với smartphone, các hãng laptop chủ yếu làm chương trình bán hàng, cho ra ưu đãi riêng tại Thế Giới Di Động thay vì bán độc quyền.

Đại diện Thế Giới Di Động cho biết việc hợp tác chiến lược sẽ giúp Thế Giới Di Động có thể gia tăng doanh thu và thị phần trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay. Với rất nhiều cái bắt tay hợp tác đã diễn ra từ đầu tháng 6 đến nay đã cho thấy, các nhà sản xuất điện thoại, laptop lớn trên thị trường đều đang đặt niềm tin vào Thế Giới Di Động.

Với chiến lược này, Thế Giới Di Động đã bước đầu gặt hái được thành công. Nổi bật, sản phẩm Xiaomi Redmi 12 Series đã có hơn 17.000 đơn hàng chỉ sau tuần đặt hàng. Sản phẩm Realme C53, đạt được 6.500 đơn chỉ sau 3 ngày mở bán.

Chiến lược mới của Thế Giới Di Động đã gây sức ép lớn đến hàng loạt hệ thống bán lẻ khác vì không thể bán đa số smartphone giá rẻ mới ra hiện nay. 

“Với chiến lược này, trong ngắn hạn khiến cho thị trường bán lẻ smartphone sẽ nằm hoàn toàn trong tay của Thế Giới Di Động. Việc chiến giá ở các mẫu độc quyền này là vô hiệu và giá bán hoàn toàn do Thế Giới Di Động quyết định”, đại diện một hệ thống bán lẻ lớn ở Hà Nội chia sẻ.

Trước động thái sử dụng chiến lược độc quyền của TGDD, đại diện truyền thông Di Động Việt cho biết: "Di Động Việt không quá quan tâm vấn đề độc quyền của các ông lớn. Bởi các dòng sản phẩm độc quyền cũng không phải sản phẩm chiến lược tại Di Động Việt".

Theo đó, nhà bán lẻ này vẫn đang tiếp tục nghênh chiến với thông điệp "Rẻ hơn các loại rẻ" và mong muốn mang đến giá trị vượt trội cho khách hàng khi mua sắm, trải nghiệm, nên đến thời điểm hiện tại và dự kiến trong thời gian tới, Di Động Việt không có ảnh hưởng gì bởi chiến lược độc quyền này. 

Đại diện Di Động Việt cũng cho biết, hệ thống vẫn đã và đang có sự nhất quán, tập trung trong việc mang đến nhiều giá trị vượt trội cho khách hàng, không chỉ là sản phẩm mà còn là quyền lợi và dịch vụ. 

FPT Shop, đối thủ trực tiếp nhất của MWG thì cho biết, hiện nay với nhóm di động, hệ thống có cách tiếp cận khác hơn khi cũng có model độc quyền, nhưng chỉ là một model trong dòng sản phẩm của hãng, hoặc độc quyền lô cuối của dòng sản phẩm ở cuối chu kỳ.

Với cách làm này, khách hàng được lợi hơn khi sẽ nhận được ưu đãi tốt hơn bởi không chỉ hãng mà cả FPT Shop cũng bỏ tiền vào khuyến mại để bán được số lượng nhiều hơn, bù cho phần giảm giá nhiều hơn cho mỗi khách hàng.

“Đây là cách mà FPT Shop đang làm thay vì độc quyền toàn bộ cả nhóm, line-up sản phẩm nhờ vị thế đối với hãng. Việc độc quyền toàn bộ cả nhóm sản phẩm có thể khách hàng không được lợi vì trên thị trường không có sự cạnh tranh và nhà bán lẻ đó sẽ ưu tiên việc giữ lãi cho mình thay vì ưu tiên khách hàng (do khách hàng không có sự lựa chọn điểm mua khi thích dòng sản phẩm đó)”, đại diện FPT Shop nhấn mạnh.

Còn với nhóm Laptop, khác với điện thoại là không có model cụ thể nào định vị/chiếm lĩnh thị trường. Các sản phẩm có thể khác nhau về tên gọi/mã nhưng không chênh lệch nhiều về cấu hình. Do đó, FPT Shop rất tự tin khi số lượng mã sản phẩm laptop Công ty đặt riêng (có thể gọi là hàng độc quyền) chiếm đến 60%.

Trong tình trạng cạnh tranh gay gắt về giá như thời gian qua, các hãng đều suy giảm nhiều về biên lợi nhuận gộp, thậm chí nhiều mặt hàng phải chấp nhận bán lỗ.

Ngay cả doanh nghiệp lớn nhất là Thế giới di động cũng đang chứng kiến mức lợi nhuận Quý thấp kỷ lục trong vòng một thập niên trở lại đây với 21 tỷ đồng lãi sau thuế vào quý 1/2023.

Các đối thủ khác của MWG như FRT cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm sút mạnh. Quý 1 vừa qua, FRT chỉ đạt vỏn vẹn 2 tỷ đồng lợi nhuận, giảm 99% so với mức lãi 169 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. LN sau thuế công ty mẹ âm 5 tỷ đồng. Đây là mức lãi ròng thấp nhất trong gần 3 năm qua, kể từ quý 2/2020.

Chuỗi FPT Shop mang về 4.513 tỷ đồng doanh thu 3 tháng đầu năm, giảm 20%, chủ yếu do áp lực giảm cầu, cạnh tranh mạnh mẽ với các sản phẩm điện tử, đặc biệt là sản phẩm từ Apple.

Với CellphoneS, năm nay khi phải tham gia vào các cuộc chiến giá với các chuỗi lớn khác, mặc dù giữ được doanh số bán tuy nhiên gần như không thể có được lợi nhuận. Điều này dẫn tới việc trì hoãn các hoạt động mở rộng cửa hàng của CellphoneS trong 2 quý đầu năm. 

Di Động Việt thì cho biết, trong 3 tháng qua, họ vẫn đạt mức tăng trưởng doanh thu cao, mỗi tháng tăng khoảng 20-30% và dự kiến tiếp tục giữ đà tăng trưởng trong thời gian tới tuy nhiên không tiết lộ lợi nhuận.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Khi Thế giới di động "tung chiêu" ký kết độc quyền với một loạt thương hiệu công nghệ, một nhà bán lẻ khác lạnh lùng cho biết: Không quá quan tâm!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO